Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhân dân có địa vị
của người chủ, mọi quyền lực trong xã hội đều thuộc về nhân dân là lẽ dĩ nhiên,
Nhân dân địa vị là chủ thì có quyền và thực hiện vai trò làm chủ. Quá trình dân
chủ hóa về thực chất là tổ chức để Nhân dân thực hiện quyền và thể hiện vai trò
làm chủ một cách thực tế trong xã hội.
Để thực hiện được các quyền và vai trò làm chủ của
mình, Nhân dân cần có các hình thức, phương thức để thực hiện. Trong thực tế,
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hai phương thức đó là làm
chủ trực tiếp và làm chủ gián tiếp.
Phương thức làm chủ trực tiếp là việc nhân dân trực
tiếp tham gia vào thảo luận, bàn bạc và đóng góp ý kiến, trực tiếp đưa ra quyết
định về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề liên quan trực tiếp
đến lợi ích của mình. Nhân dân trực tiếp tổ chức ra nhà nước thông qua bầu cử,
trực tiếp tham gia vào quá trình lãnh đạo, quản lý xã hội. Làm chủ trực tiếp có
ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, là phương thức
làm chủ hiệu quả nhất, thực chất nhất. Tuy nhiên, để thực hiện làm chủ trực
tiếp đòi hỏi yêu cầu rất cao về năng lực làm chủ, đòi hỏi dân trí biểu hiện ở
hiểu biết pháp luật, chính sách của nhà nước, hiểu biết xã hội phải đạt ở trình
độ tương đối cao. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của quốc gia phải đạt mức độ
ổn định, đầy đủ và đồng bộ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật của xã hội tương đối hiện
đại. Bên cạnh đó còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố văn hóa, tâm lý xã hội truyền
thống của dân cư.
Làm chủ gián tiếp là phương thức làm chủ khá phổ biến,
phù hợp với giai đoạn đầu của quá trình dân chủ hóa. Đây là phương thức người
dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với xã hội thông qua các cá nhân, cơ
quan hoặc tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của họ. Làm chủ gián tiếp nhìn
chung có nhiều hạn chế bởi phụ thuộc rất nhiều vào tính tiền phong, cách mạng
của cơ quan, tổ chức và các cá nhân đại diện. Trong khi các cơ quan, tổ chức
này thường có xu hướng thoạt ly quyền lực gốc, tức quyền lực nhân dân mà nó đại
diện. Song, phương thức làm chủ gián tiếp rất phù hợp với điều kiện dân trí
chưa cao, năng lực nhận thức và làm chủ của nhân dân còn hạn chế.
Trong hệ thống chính trị ở nước ta, làm chủ thông qua
hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp là phương thức làm chủ quan trọng của
Nhân dân. Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện
quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra theo phương thức phổ
thông đầu phiếu. Hội đồng nhân dân thực hiện hai chức năng đó là chức năng
quyết định và giám sát. Thông qua hoạt động của Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội
đồng nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với xã hội và hệ thống chính
trị. Về bản chất, chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, Đại biểu hội đồng
nhân dân là đại diện quyền giám sát của Nhân dân đối với thực thi quyền lực
trong đó có quyền lực nhà nước. Hiện nay, nhân dân thực hiện quyền kiểm tra,
giám sát trực tiếp hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa
phương, song giám sát thông qua Hội đồng nhân dân và Đại biểu hội đồng nhân dân
là phương thức chủ yếu ở nước ta hiện nay. Có thể khẳng định, quyền kiểm tra,
giám sát của nhân dân được thực hiện hiệu quả đến đâu phụ thuộc chủ yếu vào
chức năng kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Đối với đơn vị hành
chính là xã, vai trò quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý của
chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức thông qua hoạt động giám sát của Hội
đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp có ý nghĩa quan trọng.
Điều đó một phần đã lý giải tại sao sau hai nhiệm kỳ thí điểm không tổ chức Hội
đồng nhân dân cấp phường nay được tổ chức lại.
Theo luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, hoạt
động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện chủ yếu thông qua các
hình thức chủ yếu: Chất vấn Đại biểu Hội đồng nhân dân tại các kỳ họp; tiếp xúc
cử tri của Đại biểu Hội đồng nhân dân tại địa phương; nghe, nghiên cứu báo cáo
của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước; thông qua các đợt giám sát chuyên
đề của các Ban thuộc Hội đồng nhân dân.
Trong thực tế, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
đã thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân đạt được
kết quả. Thông qua tiếp xúc cử tri, Đại biểu Hội đồng nhân dân đã tiếp thu,
lắng nghe ý kiến, phản ánh của nhân dân về bảo đảm quyền làm chủ và lợi ích của
nhân dân trong hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền địa
phương. Đồng thời thông qua hình thức chất vấn trực tiếp đối với chính quyền và
cơ quan chuyên môn trong quản lý, điều hành phát hiện vi phạm đến quyền làm chủ
và lợi ích của nhân dân. Có thể khẳng định, thực hiện các chức năng, trong đó
có chức năng kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống
chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quyền làm chủ và lợi ích của
nhân dân.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhận thức rằng: chất lượng
hoạt động nói chung và thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, của
Đại biểu Hội đồng nhân dân còn nhiều hạn chế.
Theo chúng tôi, để phát huy vai trò của Hội đồng nhân
dân trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân cần thiết phải tập trung đổi
mới, nâng cao hiệu quả chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội
đồng nhân dân. Vấn đề là phải giảm bớt hình thức giám sát thông qua nghe và
nghiên cứu báo cáo, mặc dù đây là hình thức quan trọng. Tăng cường hoạt động
giám sát thông qua thăm dò dư luận xã hội từ nhân dân; giám sát thông qua tiếp
xúc cử tri và đối thoại trực tiếp với nhân dân. Đổi mới công tác tiếp xúc cử
tri theo hướng giảm tình trạng Đại biểu báo cáo, tăng cường hoạt động giải
trình và tiếp thu, trao đổi với nhân dân. Phải khắc phục tình trạng “Đại biểu
chuyên trách, Cử tri chuyên nghiệp” đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Cần có
quy định và hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với Đại biểu không thực hiện tốt
chức năng Đại biểu, trong đó có thực hiện chức năng giám sát. Đây là điều chúng
ta chưa làm được, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của Đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng cần phải tăng cường
hoạt động giám sát thông qua tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở
đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân phải tiến
hành tổng hợp, phân loại vấn đề trên cơ sở đó xây dựng nội dung các chuyên đề
giám sát. Có như vậy, nội dung giám sát mới sát thực tế, phản ánh nguyện vọng,
tâm tư của nhân dân.
Có thể nói, hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp nói
chung và hoạt động giám sát nói riêng là phương thức quan trọng bảo đảm quyền
làm chủ và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Đổi mới, nâng cao hiệu quả
hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân là nội
dung quan trọng trong quá trình thực hành dân chủ ở cơ sở hiện nay ở Việt Nam./. |