ThS. Vũ Quốc Mạnh
Giảng viên khoa Lý
luận Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh
Cấp xã là cấp hành chính thấp nhất trong hệ thống
hành chính bốn cấp ở nước ta, song lại có vị trí, vai trò quan trọng. Đây là
nơi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được
tiếp nhận và triển khai trực tiếp. Là cấp tiếp xúc trực tiếp và thường ngày với
nhân dân trong giải quyết các quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Niềm tin
của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước đến đâu, như thế nào? phụ thuộc rất lớn vào
chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã. Phát huy dân chủ cũng phụ
thuộc trước hết ở mức độ dân chủ hóa ở
cấp xã. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới thực hiện dân chủ ở cấp
xã, được thể hiện ở việc ban hành Quy chế dân chủ cơ sở và Pháp lệnh thực hiện
dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn.
Thực hiện dân chủ ở cấp xã, nhân dân có vị trí quan
trọng. Những nội dung của thực hiện dân chủ cơ sở phản ánh quyền và lợi ích của
nhân dân, nghĩa là nhân dân là mục tiêu hướng đến của thực hành dân chủ. Đồng
thời, nhân dân là chủ thể thụ hưởng những thành quả, những cảm nhận, sự hài
lòng của nhân dân là tiêu chí đánh giá. Song điều quan trọng hơn là ở điểm, nhân
dân lại là một chủ thể quan trọng thực hiện giá trị dân chủ. Nếu quên đi điều
này sẽ không thể có hiệu quả trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như vậy, nhân dân
có vai trò quan trọng trong thực hiện dân chủ hóa ở nước ta. Để nhân dân phát
huy vai trò làm chủ trong triển khai dân chủ hóa tại địa phương trình độ dân
trí là nhân tố, điều kiện quan trọng hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng
định, nhân dân là chủ, nhưng nhân dân muốn là chủ thì nhân dân phải biết cách
làm chủ. Người cũng chỉ ra, nhân dân biết cách làm chủ tức là: Nhân dân phải
biết mình có những quyền gì? Và biết cách sử dụng những quyền đó như thế nào?
Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là phải làm cho dân biết cách làm chủ.
Qua khảo sát tại tỉnh Nam Định những năm qua cho
thấy, trình độ dân trí, mức độ hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương là nhân tố ảnh hưởng trực
tiếp, lớn nhất đến phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Trong những năm qua
(2005- 2012) trên địa bàn tỉnh nảy sinh một số điểm nóng chính trị. Cụ thể: vấn
đề tôn giáo ở Nghĩa Hải – Nghĩa Hưng, Hải Vân, Hải Lý – Hải Hậu, xã Nam Phong –
TP. Nam Định. Tại đây, mâu thuẫn giữa giáo dân và chính quyền diễn ra dẫn đến
mất an ninh xã hội. Nguyên nhân chính là giáo dân chưa nắm được pháp luật và
chính sách nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, tự ý hiến đất phần trăm của
gia đình xây dựng nhà thờ. Giáo dân không nắm được quy định của nhà nước về
quản lý xây dựng, quản lý hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, nên tự ý xây dựng
tượng và tổ chức làm lễ trái quy định. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền và
cách thức giải quyết của địa phương chưa phù hợp dẫn tới mâu thuẫn và gây ra xung
đột. Qua thực tiễn thấy rằng, ở những xã có kinh tế phát triển, đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, trình độ dân trí có bước phát triển
thì ý thức làm chủ của nhân dân được nâng cao một cách rõ rệt. Điều đó thể hiện
cụ thể qua công tác dồn điền, đổi thửa và xây dựng nông thôn mới. Như vậy, để
phát huy vai trò làm chủ của nhân dân điều quan trọng là phải nâng cao trình độ
dân trí của nhân dân.
Vậy làm thế nào để nhân dân biết cách
làm chủ, tức là biết được các quyền, lợi ích, trách nhiệm của mình?
Thực tiễn cho thấy có nhiều phương thức, bên cạnh phát triển kinh tế thì công
tác tuyên truyền, giáo dục là phương thức chủ yếu, có hiệu quả nhất. Thông qua
hoạt động này, sẽ giúp nhân dân nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, huyện. Từ đó, nâng cao ý thức pháp
luật, chủ động thực hiện các quyền làm chủ của mình đối với xã hội và cấp ủy,
chính quyền địa phương. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục
pháp luật đối với nhân dân theo chúng tôi cần tập trung vào một số nội dung
sau:
Thứ nhất, phải đổi mới công tác
tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cơ sở với những hình thức, phương thức đa
dạng phù hợp với điều kiện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân từng vùng, từng xã.
Tiếp tục phát huy hiệu
quả việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật bằng băng rôn, áp
phích, in ấn văn bản tài liệu dưới dạng tờ rơi với nội dung rõ ràng, cụ thể và
ngắn gọn để nhân dân dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Tăng
cường hình thức tuyền truyền, giáo dục chính sách, pháp luật thông qua hoạt
động văn hóa, văn nghệ tại các buổi sinh hoạt văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Đây
là hình thức cần nhiều kinh phí, thời gian nhưng là hình thức có hiệu quả nhất.
Phải
tận dụng tối đa hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Khắc phục tình
trạng khô cứng trong công tác tuyền truyền và giáo dục pháp luật như hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục có kế hoạch đầu
tư xây dựng thư viện xã, xây dựng quy chế hoạt động, đầu tư tài liệu nghiên cứu
cho thư viện xã. Việc hình thành và hoạt động của hệ thống thư viện xã, nhất là
thư viện tại thôn, xóm, tổ dân phố đã chứng minh tác dụng và ý nghĩa đối với
nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Trong những năm tới Tỉnh phải chỉ đạo các
sở, ngành có liên quan, trước hết sở Văn hóa, thể dục thể thao và du lịch có
hướng dẫn việc xây dựng quy chế hoạt động của hệ thống thư viện xã. Bảo đảm
hoạt động thống nhất, hiệu quả trong phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh cần
chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ một phần tài chính để các xã triển khai xây
dựng và nâng cấp thư viện xã về cơ sở vật chất, số đầu sách và chủng loại sách;
chỉ đạo Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chủ động phát động phong trào
đóng góp xây dựng tủ sách thôn, xóm và phong trào tham gia đọc sách trong nhân
dân.
Thứ
ba, phải quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên cơ sở, khắc
phục tính trạng vừa thiếu, vừa yếu của đội ngũ báo cáo viên ở các xã. Tỉnh cần
có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, động viên những cán bộ hưu trí cấp tỉnh, huyện
đã nghi hưu sinh sống tại cơ sở tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục pháp
luật.
Từ
nghiên cứu lý luận và khảo cứu thực tiễn tại địa phương, chúng tôi xin mạnh dạn
đề xuất quan điểm về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng
cao trình độ dân trí, góp phần phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện
dân chủ ở cấp xã (cơ sở) phục vụ việc làm rõ lý luận, bổ sung thực tiễn cho bài
giảng liên quan đến dân chủ và thực hành
dân chủ trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị. Rất mong được sự quan
tâm, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các vị đại biểu tham gia hội thảo./. |