Đinh Thị Oanh - Phó trưởng
khoa Nhà nước- Pháp luật
Trong bối cảnh hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp
tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu phải hiện đại hóa giấy
tờ về căn cước công dân theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công
nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới, vì thế Luật
Căn cước công dân năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ tám thông qua
ngày 20-11-2014.
1. Căn cước
công dân
là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Để đáp ứng nhu cầu
giao dịch của nhân dân và góp phần quản lý xã hội, Chính phủ đã ban hành các
văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân. Tuy nhiên, đến nay
các quy định này còn tản mạn. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công
dân liên quan đến căn cước công dân (quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất
khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình) được Nhà
nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm trong Hiến pháp 2013. Luật căn cước
công dân năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày
20/11/2014 là Luật đầu tiên ghi nhận về việc căn cước công dân với nhiều điểm mới
tích cực, góp phần thiết lập hệ thống chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu Công dân Việt
Nam, từ đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thiết lập hệ thống Chính phủ
điện tử của Việt Nam sắp tới.
2. Luật căn cước công dân hướng tới việc xây dựng Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, nhằm tập
hợp các thông tin gốc, cơ bản về nhân thân, lai lịch và nhân dạng công dân. Các cơ sở dữ
liệu này được xây dựng không chỉ bảo đảm về tính kết nối, liên thông, đồng bộ,
đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ
thông tin mà còn đảm bảo tính cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời; bảo đảm hoạt
động ổn định, an toàn và bảo mật về thông tin công dân. Việc xây dựng Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân không những góp phần
đắc lực cho hoạt động quản lý của Nhà nước về dân cư mà còn giúp đơn giản hóa
các thủ tục hành chính của công dân, đảm bảo tốt hơn việc cung cấp thông tin phục
vụ cho các giao dịch của công dân cũng như góp phần xây dựng Chính phủ điện tử
của Việt Nam.
Theo Điều 58, Luật công
nghệ thông tin Cơ sở dữ
liệu quốc gia là tập hợp thông tin của một hoặc một số lĩnh vực kinh tế -
xã hội được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng
thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng. Trong Luật căn cước
công dân năm 2014 đã xây dựng các vấn đề về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân.
- Nói đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định cụ thể trong Nghị Định
90/ 2010/ NĐ- CP (Nghị Định Quy định về
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) nay được quy định trong Chương II- Luật căn
cước công dân. Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được
chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản
lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ
chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục
vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và
yêu cầu chính đáng của công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng
phù hợp kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu
và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin, định mức kinh tế -
kỹ thuật. Đồng thời được xây dựng và quản lý tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Những thông tin
của công dân được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao
gồm các thông tin quy định cụ thể tại Khoản
1- Điều 9- Luật căn cước công dân: Họ,
chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính;Nơi đăng ký khai
sinh; Quê quán; Dân tộc;Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường
trú;Nơi ở hiện tại; Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết
luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; Họ, chữ đệm và tên, số định
danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc
người đại diện hợp pháp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng
minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất
tích. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo
vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an
ninh quốc gia.Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do
Bộ Công an quản lý; Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước,
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư; Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản- Khoản
2- Điều 10 – Luật căn cước công dân có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật; Thông tin trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin
về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ
chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã
có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ
sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được
số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được xây dựng và quản
lý tại cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị
hành chính tương đương.Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được xây dựng bảo đảm kết
nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin. Tuân thủ các quy định, chế
độ công tác hồ sơ và giao dịch điện tử, công nghệ thông tin.Thu thập, cập nhật
thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và bảo
mật. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu căn cước
công dân gồm: Thông tin quy định tại khoản
1 Điều 9 của Luật Căn cước công công dân; Ảnh chân dung; Đặc điểm nhân dạng;
Vân tay; Họ, tên gọi khác Số, ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân;
Nghề nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ;Trình
độ học vấn; Ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ
Căn cước công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm: Chấp hành đúng
quy định về việc cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ sở dữ liệu căn cước công
dân; Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo quy định của
Luật căn cước công dân; Thông báo kịp thời thông tin, tài liệu về căn cước khi
có sự thay đổi hoặc chưa chính xác; Người làm công tác quản lý căn cước công
dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật
căn cước công dân.
3. Dự báo những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân:
* Thuận lợi:
- Mục tiêu hướng đến
đầu tiên của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cưa và cơ sở dữ liêu
căn cước công dân chính là đơn giản hóa thủ tục hành chinh, giấy tờ công dân nhằm
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Mỗi người
dân sẽ có một số định danh cá nhân; khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân
không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện
việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản
chính giấy tờ công dân.
- Cơ quan Nhà nước
quản lý công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm tối thiểu một
số loại giấy tờ, gồm: Giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi,
sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử.
- Việc các ngành đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư sẽ giúp tiếp tục giảm các giấy tờ khác như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm
xã hội, giấy phép lái xe…
- Việc xây dựng và vận
hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thống nhất quản lý về thông tin cơ bản
của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm không có sai lệnh về
thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, lĩnh vực.
-
Việc xây dựng được cơ sở dữ liệu về căn cước thống nhất, sẽ tăng cường hiệu quả
quản lý nhà nước về căn cước công dân, hạn chế được các hiện tượng về giả mạo
căn cước công dân, làm giả giấy tờ căn cước công dân, phát hiện các trường hợp
tội phạm, phục vụ công tác điều tra, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn
xã hội. Do đó, rất nhiều quốc gia đã ứng dụng và nâng cấp công nghệ để
lưu trữ các dữ liệu về căn cước công dân, tích hợp điện tử thông tin và xây dựng
cơ sở dữ liệu thống nhất về căn cước công dân quốc gia.
* Khó khăn:
- Thứ nhất, với quy
mô dân số hơn 90 triệu dân, việc thu thập, nhập thông tin của công dân để xây dựng
Cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Mặt
khác, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc bảo đảm nguồn lực ( nguồn lực về
vốn và nguồn lực về con người) cho việc
xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là một thách thức đối với Chính
phủ.
- Thứ hai, để phương
án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống, cần
thực hiện sửa đổi, bổ sung rất nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật.
- Thứ ba, việc rà
soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản
lý dân cư thường không chỉ thuộc phạm vi chức năng quản lý của một Bộ, ngành,
vì vậy, để thực hiện việc này đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ,
ngành, đồng thời phải có có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách
nhiệm của công dân khi khai các thông tin để nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư.Sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân sẽ giúp
giảm bớt nhiệm vụ cho cơ quan hành chính Nhà nước khi kiểm tra, đối chiếu thông
tin trước khi nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến
độ cấp số định danh cá nhân và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Có thể nói: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ
liệu căn cước công dân là những cơ sở bảo đảm về
tính kết nối, liên thông, đồng bộ, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu đồng thời còn
đảm bảo tính cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời; bảo đảm hoạt động ổn định,
an toàn và bảo mật về thông tin công dân. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân không những góp phần trong hoạt động
quản lý của Nhà nước về dân cư mà còn giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính
của công dân, đảm bảo tốt hơn việc cung cấp thông tin phục vụ cho các giao dịch
của công dân cũng như góp phần xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam hiện
nay./.
|