ThS. Hoàng Đức Hợp
Phó Trưởng khoa Lý luận
Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dân chủ và thực hiện dân
chủ là một trong những vấn đề có tính sống còn trong quá trình phát triển của
các nền chính trị hiện đại, là mục tiêu, là động lực của chế độ xã hội chủ
nghĩa. Dân chủ là thước đo của công bằng,
văn minh và văn hóa. Thực hiện dân chủ có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế quá trình
thực hiện dân chủ ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là dân chủ
ở cơ sở. Quyền làm chủ của nhân dân tại địa phương ở nhiều nơi chưa được bảo
đảm; tình trạng quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ trong hoạt động lãnh đạo,
quản lý của cấp ủy và chính quyền địa phương vẫn diễn ở nhiều địa phương. Thực
tế cho thấy những hạn chế trong phát huy dân chủ ở cấp cơ sở có nhiều nguyên
nhân. Trong đó việc thiếu các điều kiện cần thiết để thực hiện dân chủ đang là
một trong những vấn đề cấp bách trong quá trình hiện thực hóa nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa. Để người dân phát huy quyền làm chủ của mình, có rất nhiều điều
kiện, ở nước ta hiện nay, cơ bản cần phải giải quyết tốt một số vấn đề sau:
1. Phát triển kinh tế bền vững - điều kiện tiên quyết, là cơ sở để nhân
dân thực hiện dân chủ cơ sở
Từ phân tích lý luận mối quan hệ giữa kinh tế và dân
chủ, cũng như xuất phát từ bản chất của dân chủ nói chung cho thấy: Dân chủ và
kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau, không có nền dân chủ phát triển khi
nền kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân khó khăn, cơ sở vật chất kỹ
thuật của xã hội nghèo nàn, lạc hậu và trình độ dân trí thấp. Mở rộng, phát huy
dân chủ phải luôn gắn liền và tương ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội một
cách bền vững. Đây là một nguyên tắc có tính chất phương pháp luận trong thực
hiện dân chủ nói chung và dân chủ ở cơ sở nói riêng.
Cũng xuất phát từ thực tế về tình hình phát triển nông
nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định cho thấy: Những xã
việc thực hiện Quy chế dân chủ và Pháp lệnh thực hiện dân chủ, cũng như phát
huy vai trò của quần chúng nhân dân trong thực hiện dân chủ chậm và hạn chế.
Tình trạng nhân dân vi phạm quy định, chính sách của Nhà nước, của địa phương
diễn ra thường xuyên, diễn biến phức tạp. Nhân dân thờ ơ với sinh hoạt chính
trị tại địa phương, ít tham gia hoạt động chính trị cộng đồng như họp thôn xóm
hoặc khu dân phố. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề phát triển mạnh, tác động
tiêu cực tới đời sống của nhân dân, gây mất trật tự an ninh nông thôn. Chất
lượng lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền thấp. Tình trạng mất dân chủ, vi phạm quyền
làm chủ của nhân dân của cấp ủy và chính quyền diễn ra nghiêm trọng, dẫn tới
những điểm nóng chính trị tại khu vực nông thôn trong tỉnh. Đặc điểm chung của
những xã như vậy đều là những địa phương có sự phát triển không bền vững về
kinh tế - xã hội. Những xã quá trình triển khai Quy chế dân chủ và Pháp lệnh
thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt kết quả cao là những địa phương có sự phát triển
kinh tế - xã hội cao và bảo đảm tính bền vững trong phát triển.
Đối với Nam Định, để phát triển dân chủ ở cơ sở, nâng
cao vai trò của quần chúng nhân dân tại các xã, phường, thị trấn đòi hỏi cấp
ủy, chính quyền các cấp phải nhận thức và quan tâm tới việc thực hiện các giải
pháp cụ thể nhằm cải tiến, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh
tế trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH sản xuất nông nghiệp
và nông thôn trong tỉnh. Đồng thời nhận thức và giải quyết hiệu quả những mâu
thuẫn nảy sinh trong xã hội trước sự chuyển đổi nền kinh tế của địa phương. Vai
trò của người dân trong thực hiện dân chủ ở các xã chỉ được thực hiện hiệu quả
trên cơ sở xã hội nông thôn có nền kinh tế phát triển bền vững.
2. Trình độ
dân trí, hiểu biết đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước – điều kiện có tính quyết định đến thực hiện vai trò của quần chúng nhân
dân trong triển khai dân chủ ở địa phương
Dân chủ và dân trí là hai mặt có
quan hệ chặt chẽ với nhau. Dân chủ chỉ phát triển trên cơ sở sự phát triển dân
trí. Phát triển dân trí là điều kiện thực hiện mở rộng các giá trị dân chủ
trong xã hội. Thực tiễn cho thấy dân trí phát triển tới đâu, dân chủ được mở
rộng tới đó, đồng nghĩa với việc phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện
các giá trị dân chủ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định. Dân
chủ là: “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”. Điều này khẳng định vị trí vai trò, cũng
như nghĩa vụ và trách nhiệm của nhân dân đối với việc thực hiện dân chủ. Nếu
như “dân là chủ” khẳng định vị trí của người dân đối với nhà nước và xã hội –
dân là chủ. Thì “dân làm chủ” nó thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân
đối với nhà nước và xã hội. Do vậy, muốn là chủ, dân phải biết làm chủ. Để biết
làm chủ, đòi hỏi người dân phải có trình độ dân trí, hiểu biết đường lối, chủ
trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để dân có thể bàn, làm và
kiểm tra. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, trình độ dân trí, là điều kiện
quyết định để hiện thực hóa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
3. Quy chế,
Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở - điều kiện bảo đảm để nhân dân thực hiện quyền làm
chủ
Chất lượng thực hiện Quy chế, Pháp lệnh dân chủ ở cơ
sở tại các xã là một vấn đề đặt ra đối với thực hiện dân chủ và phát huy vai
trò của nhân dân trong triển khai thực hiện dân chủ. Nâng cao vai trò của nhân
dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở cần tập trung các giải pháp nâng cao hiệu
quả thực hiện Quy chế, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở tại các xã. Cụ thể:
Một là, tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác
giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về
Quy chế, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.
Hai là, tăng cường gắn kết việc thực hiện Quy chế, Pháp lệnh
dân chủ ở cơ sở với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ba là, quan tâm tới công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn thực
hiện Quy chế, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.
Bốn là, tạo điều kiện để nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến
vào nội dung các nghị quyết, quyết định, kế hoạch của cấp ủy và chính quyền địa
phương.
Năm là, cấp ủy và
chính quyền cấp xã phải thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng và Nhà nước
về việc kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của nhân dân.
Sáu là, cấp ủy và chính quyền, cán bộ cơ sở thực hiện nghiêm túc
quyền kiểm tra, giám sát, quyền khiếu nại, tố cáo của người dân đối với hoạt
động của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý.
4. Tổ chức HĐND - điều kiện không thể thay thế nhằm bảo đảm cho quyền lực
nhà nước thuộc về nhân dân
Quyền lực và quyền làm chủ của nhân dân là hai vấn đề có mối liên hệ chặt
chẽ, biện chứng với nhau. Quyền lực của nhân dân có được khi và chỉ khi quyền
làm chủ của nhân dân được thực hiện. Quyền làm chủ của nhân dân trước hết là
quyền được bầu ra cơ quan quyền lực ở địa phương. Theo đó, tổ chức HĐND các
cấp là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho quyền lực của nhà nước thuộc về nhân
dân.
Cũng như hầu hết
các nước trên thế giới, thực tiễn của xã hội Việt Nam cho thấy, quyền làm chủ
của nhân dân được thực hiện thông qua hai hình thức chủ yếu là quyền dân chủ
trực tiếp và quyền dân chủ thông qua cơ quan đại biểu của mình – dân chủ gián
tiếp.
Thực tiễn và khoa học về quyền lực của nhân dân cho thấy, dù được thực hiện
dưới hình thức trực tiếp hay thông qua đại biểu của mình thì quyền bầu cử, nhất là quyền bầu ra bộ máy nhà nước
là một trong những quyền quan trọng nhất của mỗi công dân có tuổi từ 18 trở
lên, vì nó là yếu tố góp phần quyết định có hay không quyền lực nhà nước của
nhân dân. Theo quy định hiện hành, nhân dân chưa trực tiếp bầu
ra bộ máy UBND, nhưng đã thông qua cơ quan đại biểu của mình là HĐND để bầu ra UBND
ở các cấp theo đơn vị hành chính lãnh thổ - Điều đó là khoa học và rất cần
thiết cho một bộ máy chính quyền của nhân dân, vì nhân dân - là bản chất chế độ
chế độ xã hội chủ nghĩa do Hồ Chí Minh xác lập tại Việt Nam. Vì vậy, việc đổi
mới cơ cấu, tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã là
một trong những điều kiện quan trọng để nhân dân phát huy quyền làm chủ tại địa
phương.
Tóm lại,
để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương hiện nay, cần rất nhiều
điều kiện, trên đây là những điều kiện cơ bản, tuy nhiên, từ thực tế nghiên cứu
quá trình triển khai thực hiện dân chủ ở địa phương, tối thấy rằng, trong điều
kiện của Việt Nam hiện nay nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng thì vấn đề dân
trí là điều kiện cơ bản, quan trọng nhất để thực hiện dân chủ. Nói rộng hơn đây
cũng chính là vấn đề nhân tố con người trong quá trình phát triển. Đó luôn là
nhân tố quyết định. Chính vì vậy, việc nâng cao dân trí, làm cho dân có ý thức
chính trị, để có thể tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và tham gia xây
dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương là điều kiện quyết định quá trình
hiện thực hóa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./. |