ThS. Trần Thị Thu
Giảng viên khoa Lý luận Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh
Phát huy dân chủ cấp xã có ý nghĩa quan trong đối với xây dựng nền dân
chủ ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó xuất phát từ
vai trò của cấp xã trong hệ thống chính trị bốn cấp. Nhận thức được điều đó,
Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới việc thực hiện dân chủ cấp xã với việc ban
hành và thực hiện Quy chế và Pháp lệnh thực hành dân chủ ở xã, phường, thị
trấn. Thực tiễn triển khai gặp không ít khó khăn, hiệu quả thấp xuất phát từ
nhiều nguyên nhân, trong đó vai trò của nhân dân chưa được phát huy. Trong bài
viết này, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề sau: Vai trò của nhân dân
trong thực hiện dân chủ cơ sở; những hạn chế của phát huy vai trò nhân dân
trong triển khai Quy chế và Pháp lệnh dân chủ ở cấp xã hiện nay; đề xuất một số
giải pháp phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ và Pháp lệnh dân chủ ở cấp xã.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
khẳng định sức mạnh của nhân dân là vô địch. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh
bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Khi đánh giá thành công cách mạng,
Người khẳng định đó là do sức mạnh của nhân dân “Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi
dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn
dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” . Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vai trò to
lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng,
coi sự nghiệp của nhân dân, do chính nhân dân thực hiện. Xây dựng nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ quan trọng, vừa là động lực, vừa là mục tiêu
của cách mạng nước ta.
Cấp xã là cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền bốn
cấp, những lại có vị trí, vai trò quan trọng. Đây là địa bàn sinh sống của phần
lớn (trên 70%) nhân dân trong một nước nông nghiệp. Hiệu quả xây dựng nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa phụ thuộc rất nhiều vào triển khai mở rộng dân chủ ở cấp xã. Quy chế dân chủ và Pháp
lệnh dân chủ ở cấp xã là nhằm mục tiêu bảo đảm để nhân dân thực hiện làm chủ
đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền địa phương, làm
chủ hoạt động sản xuất và tổ chức cuộc sống. Như vậy, quần chúng nhân dân không
chỉ là đối tượng thụ hưởng mà phải là chủ thể tích cực trong quá trình triển
khai Pháp lệnh dân chủ. Một sai lầm trong nhận thức đang tồn tại khá phổ biến
khi cho rẳng: Thực hiện Pháp lệnh dân chủ là nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ
sở. Đây là nguyên nhân dẫn tới coi thường, chưa quan tâm tuyên truyền, giáo dục
để nhân dân hiểu và chủ động tham gia triển khai nội dung trong Pháp lệnh dân
chủ, việc thực hiện Quy chế và Pháp lệnh dân chủ ở cấp xã còn nhiều bất cập và
tồn tại.
Phải nói rằng: Quá trình thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở
địa phương đã bước đầu nâng cao nhu cầu và năng lực thực hành dân chủ của nhân
dân. Nhân dân đã tích cực, chủ động hơn,
dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu, thảo luận về những chủ trương,
chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước và của tỉnh, huyện liên quan
trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn nghĩa vụ và quyền và
lợi ích của mình. Nhu cầu tìm hiểu chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa
phương trong nhân dân tăng lên. Nhân dân chủ động, mạnh dạn hơn trong tham gia đóng
góp ý kiến, đề xuất kiến nghị xây dựng chủ trương, kế hoạch của cấp uỷ, chính
quyền, đồng thời quan tâm và chủ động hơn tham gia hoạt động xây dựng Đảng, chính
quyền thông qua các hình thức như; đóng góp ý kiến đánh giá chất lượng cán bộ;
thực hiện kiểm tra, giám sát đối với quá trình quản lý của chính quyền; chủ động
và trách nhiệm hơn trong khiếu nại, tố cáo. Thông qua đơn thư khiếu nại, tố cáo
của nhân dân giúp nhà nước điều tra phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc
sai phạm của các nhân, tổ chức, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong
phát triển kinh tế, nhân dân chủ động tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản
xuất, thực hiện các hình thức liên kết sản xuất có hiệu quả, khắc phục từng bước tâm lý thụ động, tự phát trong sản xuất, góp
phần vào sự ổn định trật tự xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, từ hạn chế, tồn tại trong phát huy dân chủ ở
các địa phương cho thấy vai trò làm chủ của nhân dân chưa được phát huy, còn
nhiều hạn chế. Thứ nhất, nhu cầu về dân chủ của một bộ phận lớn nhân
dân còn thấp, chưa nhận thức được ý nghĩa của dân chủ và thực hiện dân chủ đối
với phát triển xã hội. Một bộ phận lớn nhân dân, nhất là ở địa phương kinh
tế chậm phát triển rất thờ ơ, không tích cực tìm hiểu pháp luật, chính sách và
quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân, cũng như trách nhiệm của chính quyền trong giải
quyết công việc. Những nội dung của pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường,
thị trấn được tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, nhưng nhân dân rất ít
quan tâm năm bắt. Việc triệu tập các buổi họp dân là rất khó khăn, lực lượng
tham gia chủ yếu là đảng viên, người già, phụ nữ, tinh thần, trách nhiệm tham
gia mang tính hình thức. Mặc dù, nhiều buổi họp có nội dung liên quan trực tiếp
tới lợi ích của nhân dân.Thậm chí không ít người có tâm lý hoài nghi, không tin
tưởng vào những giá trị thực thi của Pháp lệnh dân chủ, coi đây hoạt động mang
tính hình thức, không thiết thực. Quan điểm cho rằng: Hoạt động của chính quyền
có dân chủ hay không là công việc của
cấp ủy và chính quyền còn khá phổ biến trong nhân dân. Một bộ phận nhân dân ở
nhiều địa phương lại có nhận thức lệch lạc, thiếu khách quan và khoa học về dân
chủ, về thực hiện Quy chế và Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, đáng quan tâm là tại
một số xã có vấn đề về tôn giáo, mất đoàn kết nội bộ trong hệ thống chính trị.
Dẫn tới tình trạng cố tình hiểu sai, lợi dụng việc thực hiện dân chủ và hạn chế
về trình độ nhận thức của nhân dân để kích động, gây rối nhằm trục lợi cá nhân.
Nhân dân chỉ chú trọng tới chăm lo phát triển kinh tế, chưa nhận thức được ý
nghĩa và trách nhiệm của mình trong thực hiện dân chủ hoá ở địa phương sẽ tạo cơ
sở phát triển một cách bền vững xã hội. Thứ
hai, Nhân dân chưa thực sự quan tâm và
thực hiện vai trò làm chủ đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương. Vai trò của
nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính
quyền địa phương.Việc tham gia đóng góp ý kiến đối với cấp ủy và chính
quyền của nhân dân cũng rất hạn chế, mang tính hình thức. Nhiều chủ trương, kế
hoạch, đề án tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền được công khai tại trụ
sở, tổ chức nhân dân tham gia đóng ý kiến, đề xuất kiến nghị nhưng kết quả thu
được rất kiêm tốn. Công tác xây dựng Đảng được coi là công việc nội bộ của Đảng
vẫn là tâm lý phổ biến trong nhân dân. Những sinh hoạt lớn của Đảng như Đại hội
Đảng cấp xã nhân dân phần lớn không quan tâm tới diễn biến, chất lượng nội dung
các văn kiện, tham gia đánh giá chất lượng đảng viên, cán bộ giúp cấp uỷ làm tốt
công tác quy hoạch. Sự quan tâm nếu có chỉ là quan tâm tới ai trúng, ai trượt
trong đại hội. Tâm lý ngại đấu tranh, né tránh, nể nang vẫn phổ biến trong nhân
dân, vai trò làm chủ thông qua kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý của chính
quyền chưa được phát huy hiệu quả. Ở các địa phương có những sai phạm kéo dài gây
ra hậu quả, bức xúc nhưng nhân dân không tố cáo, chỉ được phát hiện do mâu
thuẫn nội bộ chính quyền hoặc tính chất diễn ra nghiêm trọng tạo dư luận xã
hội, bị báo chí phản ánh. Ý thức trách nhiệm của nhân dân khi tham gia đánh giá
cán bộ còn bị chi phối bởi quan hệ họ hàng, mang tính chủ quan, cảm tính là chủ
yếu gây khó khăn cho cấp uỷ và chính quyền trong công tác cán bộ nếu sử dụng kết
qua trên.
Những tồn tại, hạn chế của việc
phát huy vai trò của nhân dân xuất phát từ những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, sự phát triển
nông nghiệp, nông thôn, ở nước ta còn chậm, trình độ dân trí của nhân dân còn
thấp. Trong khi đó, năng lực làm chủ
của nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân trí của nhân dân, đây là hai
yếu tố có quan hệ tỉ lệ thuận với nhau;
Hai là, chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở nước ta chưa đáp ứng yêu cầu phát huy
vai trò làm chủ của nhân dân. Chất lượng
đội ngũ cán bộ cấp xã của nước ta nhìn chung còn thấp, nhất là vùng núi, vùng sâu,
vùng khó khăn. Trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu
phát huy quyền làm chủ của nhân dân;
Ba là, triển khai quy chế và pháp lệnh thực hiện
dân chủ ở cấp xã còn nhiều tồn tại, chưa tạo điều kiện để nhân dân phát huy vai
trò làm chủ trong thực tế. Việc triển khai Pháp lệnh dân chủ ở cấp xã còn
nhiều tồn tại: Công tác tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu hình thức phù hợp với
vùng nông thôn, nhiều nơi công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức; công
tác tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc, việc niên yết 11 nội dung nhân dân được
biết, nội dung nhân được quyết định, nội dung nhân dân có quyền bàn chưa đầy
đủ, nhiều nơi không thực hiện.
Từ thực tiễn, theo chúng tôi để
phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cấp xã cần tập trung
vào một số công việc:
Thứ nhất,
tập trung giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần cho người nông dân. Các tỉnh cần nghiên cứu và tiến hành
quá trình tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trên cơ sở tiền
năng và lợi thế. Đẩy mạnh và bảo đảm hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa
nông nghiệp, nông thôn, trước mắt cần làm tốt hai nội dung chủ yếu đó là; thực
hiện hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa gắn tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp,
nhằm nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp của người nông dân. Tiếp
tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm sát với thực tế, phù
hợp với nhu cầu và năng lực của nhân dân, khắc phục tình trạng thành tích;
Thứ hai, đổi mới công tác tuyền truyền, giáo dục pháp
luật, trong đó chú trọng đổi mới đa dạng các hình thức tuyên truyền nội dung
pháp lệnh dân chủ ở cấp xã. Tăng cường
gắn kết việc thực hiện Quy chế, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở với chương trình xây
dựng nông thôn mới;
Thứ ba,
tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở của Tỉnh
đối với cấp xã, xử lý nghiêm khắc và kịp thời những địa phương vi phạm quy định
về thực hiện dân chủ. Tỉnh chủ động xây dựng, ban hành những văn bản hướng dẫn
cụ thể việc thực hiện các hình thức mở rộng dân chủ trực tiếp của nhân dân như:
Tổ chức lấy ý kiến, quy trình, trách nhiệm tiếp thu, sử dụng các ý kiến đóng
góp đối với quá trình lãnh đạo, quản lý; quy định cụ thể về trách nhiệm, quy
trình thực hiện, phương thức sử dụng kết quả lấy đánh giá, nhận xét của nhân
dân địa phương trong công tác cán bộ, tạo niềm tin của nhân dân đối hoạt động
dân chủ hóa trong Đảng và hoạt động của chính quyền, động viên nhân dân tham
gia cao trách nhiệm công việc xây dựng Đảng, chính quyền địa phương;
Thứ tư,
tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán
bộ cấp xã, chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị thông qua công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị tỉnh. Tỉnh chỉ đạo trường chính
trị đổi mới nội dung chương trình, phương thức và phương pháp đào tạo chương
trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính phù hợp với đặc điểm cán bộ.
Nghiên cứu và xây dựng một số chuyên đề tổ chức bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ
cán bộ là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã.
Tóm lại, phát huy dân chủ cấp xã
có ý nghĩa quan trong đối với xây dựng nền dân chủ ở nước ta trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc nhận thức rõ vai trò của QCND đối với vấn đề này
góp phần quan trọng vào kết quả triển khai
thực hiện Quy chế, Pháp luật dân chủ cơ sở ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng trong giai đoạn
hiện nay./. |