banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 68 năm ngày thành lập trường chính trị trường chinh (09/6/1956 – 09/6/2024)!
Hỗ trợ trực tuyến
Lịch sử truyền thống

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH TỈNH NAM ĐỊNH

65 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỀN

 

      Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định - tiền thân là trường Đảng tỉnh được thành lập ngày 09 tháng 6 năm 1956 theo Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 08 tháng 3 năm 1956 của Ban Bí thư Trung ương và Nghị quyết số 19/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định. Qua nhiều lần sáp nhập, chia  tách, ngày 18 tháng 12 năm 1998, Trường Đảng tỉnh Nam Định được vinh dự mang tên Tổng Bí thư Trường Chinh.

       Trải qua 65 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, tập thể cán bộ, viên chức Nhà trường luôn là một khối đoàn kết, thống nhất; bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn. Điều này được thể hiện trên tất cả các mặt hoạt động của Nhà trường qua các giai đoạn lịch sử.

        * Giai đoạn 1956 – 1975

        Ra đời trong bối cảnh cả nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, do đó, nhiệm vụ của Trường là huấn luyện cho cán bộ cơ sở, chủ yếu là Chi ủy ở xã về Đường lối cách mạng, các chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, những hiểu biết về Đảng và công tác xây dựng Chi bộ.

      Ban đầu, Trường được tiếp quản khu nhà lá - nơi làm việc tạm thời của Đoàn cải cách ruộng đất tỉnh. Đến cuối năm 1960, cơ sở vật chất của Trường đã tương đối hoàn thiện với 2 dãy nhà ba tầng, một hội trường lớn với sức chứa trên 300 chỗ ngồi, 1 nhà ăn tập thể và các dãy nhà cấp 4.

        Về tổ chức bộ máy, gồm: Ban Giám đốc (1 Giám đốc và 2 phó Giám đốc); Phòng Giáo vụ được chia thành 3 tổ là Tổ lý luận, Tổ đường lối và Tổ xây dựng Đảng. Tháng 6 năm 1972, Trường đã thành lập 6 khoa (Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Quản lý kinh tế, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng); 2 phòng nghiệp vụ (phòng Hành chính và phòng Giáo vụ).

       Về nhiệm vụ dạy và học: Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ I của Trường (tháng 8-1961), các hoạt động dạy và học được đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đối với các lớp hệ tại chức và các lớp học tại trường. Ngoài ra, Nhà trường còn mở thêm các lớp bổ túc văn hóa vào ban đêm để nâng cao trình độ văn hóa cho học viên.

       Về công tác chăm lo xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, từ năm 1970, lực lượng giảng viên của Trường đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Một số đồng chí được cử đi đào tạo dài hạn tại Trường Tuyên huấn Trung ương, Trường Nguyễn Ái Quốc (phân hiệu 5)… Đến năm 1975, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã đảm nhiệm được toàn bộ chương trình giảng dạy lý luận chính trị và nghiệp vụ cho các lớp sơ cấp chính trị và các lớp cơ sở.

        Cuối tháng 4 năm 1965, Trường Đảng tỉnh Nam Định và Trường Đảng tỉnh Hà Nam hợp nhất thành Trường Đảng tỉnh Nam Hà. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bước vào thời kỳ gay go, quyết liệt. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Nhà trường là lãnh đạo nhiệm vụ chính trị để xây dựng Đảng bộ, Chi bộ “bốn tốt”, trước hết là giáo dục chính trị tư tưởng cho toàn thể cán bộ đảng viên cũng như ý thức giữ gìn đoàn kết nội bộ. Trong suốt 10 năm (1965-1975), dù bom đạn Mỹ bắn phá ác liệt, Trường Đảng tỉnh Nam Hà vẫn tiếp tục xây dựng và trưởng thành, ngày càng vững vàng, vươn lên về mọi mặt. Từ chỗ hoạt động còn mang tính sự vụ, đội ngũ giảng viên chủ yếu là kiêm nhiệm, đến năm 1975, Trường đã thành lập được 6 khoa, 2 phòng nghiệp vụ, đội ngũ giảng viên đã đảm nhiệm được toàn bộ các chương trình.

         * Giai đoạn 1976 - 1997

         Tháng 3 năm 1976, Trường Đảng tỉnh Nam Hà và Trường Đảng Trần Văn Kiên (Ninh Bình) hợp nhất thành Trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh. Trường có chức năng, nhiệm vụ là mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương chức và kế cận cấp cơ sở ở cả nông thôn và cơ quan, xí nghiệp; tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương…

        Tổ chức bộ máy Nhà trường bao gồm: Ban Giám đốc (1 Giám đốc, 1 Phó Giám đốc thường trực và 5 Phó Giám đốc); 3 phòng (Hành chính - Quản trị, Giáo vụ - Tổ chức, Tư liệu - Thư viện); 6 khoa (Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Quản lý kinh tế, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng) với tổng số cán bộ, công nhân viên là 101 đồng chí.

        Hoạt động của Nhà trường từng bước đi vào chiều sâu; vừa đào tạo các lớp chính quy theo chương trình trung cấp lý luận chính trị, mở các lớp sơ cấp lý luận, các lớp bồi dưỡng và học tập nghị quyết, vừa thực hiện phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Nhờ đó, các học viên khi ra trường đều vận dụng, phát huy tốt những kiến thức đã học vào quá trình thực thi nhiệm vụ công tác tại đơn vị cơ sở.

        Tháng 10-1992, Trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh tách thành Trường Đảng tỉnh Nam Hà và Trường Đảng tỉnh Ninh Bình. Đến tháng 10-1993, Trường Đảng tỉnh Nam Hà và Trường Hành chính tỉnh Nam Hà hợp nhất thành Trường Đào tạo cán bộ tỉnh Nam Hà (Tháng 10-1995, đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Nam Hà). Phát huy những thành tích đã đạt được, ngay sau khi hợp nhất, hoạt động dạy và học của Nhà trường tiếp tục được đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao (100% có trình độ đại học), có bề dày kinh nghiệm. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Trường cũng được đa dạng hóa, kết hợp đan xen giữa đào tạo chính quy với đào tạo tại chức. Từ 1976-1993, Trường đã mở được 15 khóa trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung với 1.683 học viên; 12 khóa trung cấp lý luận chính trị hệ tại chức với 1.448 học viên cùng hàng trăm lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể. Từ năm 1993-1996, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Trường đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

         Ngày 01-01-1997, Trường Chính trị tỉnh Nam Hà được tách thành hai trường là Trường Chính trị tỉnh Nam Định và Trường Chính trị tỉnh Hà Nam.

        * Giai đoạn 1998 - nay

       Thực hiện Công văn số 1700/CV-VPTW ngày 18-12-1998 của Văn phòng Trung ương Đảng, Trường Đảng tỉnh Nam Định đổi tên thành Trường Chính Trị Trường Chinh tỉnh Nam Định. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Nhà trường. Nhiệm vụ của Nhà trường trong thời kỳ mới là ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, phục vụ, cần quan tâm hơn nữa tới công tác nghiên cứu khoa học, chăm lo xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Tổ chức bộ máy Nhà trường bao gồm: Ban Giám đốc (gồm: 3 đồng chí; năm 2010 bổ sung thêm 1 đồng chí Phó Giám đốc); 4 khoa (Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Nhà nước và pháp luật; Xây dựng Đảng; Dân vận); 3 phòng (Hành chính - Tổ chức - Quản trị; Đào tạo; Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu).

         Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiều yêu cầu mới được đặt ra cho Nhà trường như: phải đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 13-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy định số 1119-QĐ/TU ngày 06-5-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Trường Chinh, từ tháng 6-2019, Trường Chính trị Trường Chinh đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn gồm 5 khoa, phòng là: Khoa Lý luận cơ sở; khoa Xây dựng Đảng; khoa Nhà nước và pháp luật; phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu.

         Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này được mở rộng cả về chương trình và quy mô. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng gồm: Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Trung cấp Pháp luật; Bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng; Bồi dưỡng ngạch Chuyên viên, Chuyên viên chính; Bồi dưỡng cấp ủy cơ sở (Bí thư, Phó bí thư đảng ủy cấp xã); Bồi dưỡng Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện; bồi dưỡng cập nhật kiến thức một số chức danh… Hình thức giảng dạy bao gồm cả giảng dạy trực tiếp và giảng dạy trực tuyến. Qua tổng kết hằng năm, Nhà trường đều hoàn thành vượt chỉ tiêu so với kế hoạch tỉnh giao. Với phương châm đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tính đến trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kì 2020-2025, nhà trường đã trực tiếp giảng dạy và phục vụ giảng dạy 160 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 16.446 học viên. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường cũng không ngừng được nâng cao, tỷ lệ học viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi chiếm từ 70 đến 90%. Công tác quản sinh duy trì ngày càng chặt chẽ, tuân thủ quy chế, góp phần khắc phục “bệnh lười học lý luận chính trị” của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

       Hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường được đẩy mạnh. Từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã biên soạn, xuất bản 05 đầu sách, 02 tập bài giảng nghiên cứu 02 đề tài khoa học cấp tỉnh, 33 đề tài cấp trường, khoa và trên 100 đề tài cá nhân, 16 hội thảo khoa học cấp trường, 04 hội thảo khoa học cấp tỉnh. Chú trọng khâu tổng kết thực tiễn làm cơ sở khoa học tham mưu cho tỉnh trong việc đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách nhất là về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

         Nhà trường thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đến nay, đội ngũ cán bộ của Nhà trường cơ bản đủ về số lượng, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị được nâng cao, đáp ứng yêu cầu giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và những nhiệm vụ khác của Nhà trường.

        Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của Nhà trường được tăng cường theo hướng hiện đại.

         Trải qua chặng đường lịch sử 65 năm với nhiều cam go, thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào, Trường Chính trị Trường Chinh ngày càng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt. Những thành tích đó của Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, khen thưởng. Năm 1998, Trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì (năm 2001), hạng Nhất (năm 2006); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004), Cờ thi đua của UBND tỉnh, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng khen của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

         Nhìn lại chặng đường 65 năm, mặc dù có nhiều cố gắng và đạt được những thành tích quan trọng song nhà trường cũng thẳng thắn nhận thấy còn có những hạn chế cần khắc phục: Một số nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, chưa trang bị đầy đủ cho học viên kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đồng bộ, một số giảng viên, một số bài giảng chưa đáp ứng được yêu cầu của người học,…

         Trên tinh thần phát huy thành tích, khắc phục, giải quyết những hạn chế, trong những năm tới nhà trường tiến hành đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

         Thứ nhất, tiếp tục tích cực tham mưu với tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

         Thứ hai, nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Trong đó, tập trung vào các chương trình bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, chú trọng kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn cơ sở, tiếp tục đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nâng cao chất lượng công tác quản sinh khắc phục “bệnh lười học lý luận chính trị” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

        Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong mô phạm, mẫu mực trong sinh hoạt, có trình độ chuyên môn sâu, phương pháp giảng dạy tốt, kiến thức thực tiễn phong phú, tâm huyết với nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu trường Chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư

         Thứ tư, coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng thiết thực và hiệu quả, đặc biệt tập trung vào việc tổ chức các Hội thảo khoa học cấp tỉnh, đăng ký thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh và công tác tổng kết thực tiễn, phấn đấu kết quả tổng kết thực tiễn là cơ sở khoa học tham mưu cho tỉnh ban hành chủ trương, chính sách.

        Thứ năm, tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của nhà trường hướng tới xây dựng Trường Chính trị chuẩn theo quy định của Ban Bí thư.

       Nhìn lại chặng đường lịch sử quang vinh vừa giảng dạy vừa xây dựng trong 65 năm qua, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường qua các thời kì tràn đầy niềm tự hào, phấn khởi và tin tưởng vào sự phát triển của nhà trường. Tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, thế hệ mới hôm nay quyết tâm viết thêm trang sử vẻ vang của nhà trường, xứng đáng với ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Trường Chinh./.

(Tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm

nhân Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường (09/6/1956-09/6/2021)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
hoithao60nam
hoithaocapbo2022
BithuTinhuy
banchaphanhcd
hoithaodoantinh
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com