Trần
Thị Thu Hà
Giảng viên khoa Nhà nước và
Pháp luật
Luật Căn cước công dân năm
2014 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ tám thông qua ngày 20-11-2014 và có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2016. Căn cước công dân là thông tin cơ bản về
lai lịch, nhận dạng của công dân. Để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân và
góp phần quản lý xã hội, Quốc Hội đã ban hành luật quy định về căn cước công
dân nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân liên quan đến căn cước
công dân (quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống
riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình) được Nhà nước công nhận, tôn
trọng, bảo vệ, quy định trong Hiến pháp 2013. Trong tiến trình hội nhập, mở
rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an
toàn xã hội đã đặt ra các yêu
cầu phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân, vì vậy Luật Căn cước công
dân được ban hành nhằm thực hiện các đòi
hỏi này cùng với yêu cầu bảo đảm sự đồng bộ với pháp luật về hộ tịch, cư trú,
dữ liệu quốc gia về dân cư với trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về
căn cước công dân đơn giản, thuận tiện, không phiền hà. 1.
BỐ CỤC CỦA LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN Luật Căn cước công dân gồm 6 chương, 39 điều. Chương I. Quy định
chung Chương II. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước
công dân Chương III. Thẻ Căn cước công dân và quản lý thẻ Căn cước công dân Chương IV.
Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân Chương V.
Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ
sở dữ liệu căn cước công dân Chương VI. Điều khoản thi hành 2.
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN Chương I. Quy định
chung (gồm 7 điều: từ Đ1 - Đ7) - Về phạm vi điều chỉnh: Chủ yếu quy định về căn cước
công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quy định đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ. Luật quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – đây là dữ liệu
gốc, tập hợp thông tin cơ bản về công dân được dùng chung cho các cơ quan, tổ
chức, cá nhân nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc
xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp, quản lý số định danh cá nhân,
tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo
hướng hiện đại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo
thuận lợi cho người dân. - Trong Chương này, quy
định một số nội dung mới như nguyên tắc quản lý căn cước công dân, quyền và
nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý căn
cước công dân, các hành vi bị nghiêm cấm. Chương II. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước
công dân (gồm 2 mục và 10 điều: từ Đ8 - Đ 17) - Mục 1: Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư Quy định về yêu cầu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư; thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư. Đây là cơ sở dữ liệu tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công
dân Việt Nam, gồm 15 thông tin: Họ, chữ đệm và
tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn
nhân.......Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về
bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nên việc quản lý,
khai thác và sử dụng phải đảm bảo theo quy định. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của
công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên
ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và
cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân
là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân và được
ghi lên thẻ Căn cước công dân. Chương 2 còn quy định trách nhiệm của cơ quan,
tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu
vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Mục 2: Về Cơ sở dữ liệu căn
cước công dân Cơ sở dữ liệu căn cước công dân
là cơ sở dữ liệu chuyên ngành nên Luật quy định nội dung thông tin được thu
thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như: chân dung; đặc điểm
nhân dạng; vân tay; ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân; nghề
nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm công dân
thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân. Mục 2 cũng quy định trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp, cập nhật
thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và việc khai thác, cung cấp, trao đổi, sử dụng
dữ liệu căn cước công dân phải theo quy định . Chương III. Thẻ Căn cước công
dân và quản lý thẻ Căn cước công dân (gồm 2 mục và 11 điều, từ Đ18 - Đ21) - Mục 1: Thẻ căn cước
công dân Luật lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ
Căn cước công dân để thay cho tên gọi "Chứng minh nhân dân" như hiện
nay. Tên gọi này phù hợp với bản chất,
nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân. Hiện nay, đa số các nước trên thế giới sử
dụng tên gọi Căn cước công dân. Luật quy định độ tuổi được cấp
thẻ: công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi để bảo đảm tính ổn định của các thông tin
về nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật. Như vậy, đối với người
nước ngoài, người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam thì không thuộc đối
tượng được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này, mà được điều
chỉnh bởi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài
tại Việt Nam. Luật
quy định công dân chỉ phải đổi thẻ khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60
tuổi. Bên cạnh đó luật còn quy
định giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân. - Mục 2: Về cấp, đổi, cấp lại, tạm giữ thẻ Căn cước
công dân Luật quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước
công dân; các trường hợp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Quy định trình tự, thủ tục thời hạn, nơi cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
công dân. Trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của
công dân thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm đó và công
dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi
cho công dân không phải đến lấy thẻ Căn cước công dân tại nơi làm thủ tục. - Luật căn cước
công dân quy định công dân có thể lựa chọn một trong các cơ quan quản lý căn
cước công dân để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như: Cơ
quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; Cơ quan quản lý căn cước công
dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan quản lý căn cước
công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành
chính tương đương. Ngoài ra, Luật còn quy định cơ quan quản lý
căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân
tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong
trường hợp cần thiết. Quy định trường hợp công dân bị thu hồi, tạm giữ thẻ Căn
cước công dân. Như vậy, công dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục cấp,
đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định trên mà không phụ thuộc vào
nơi cư trú. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho công dân, nhất là đối
với những người đi làm ăn ở địa phương xa nơi thường trú của mình, họ có thể
đến ngay cơ quan quản lý căn cước công dân nơi gần nhất để làm thủ tục cấp,
đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân mà không nhất thiết phải trở về nơi thường
trú để thực hiện. Chương IV.
Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (từ Đ29 - Đ33) - Quy định về bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. - Quy định lệ phí khi được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn
cước công dân Luật căn cước công
dân quy định công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ Căn cước công dân lần
đầu; đổi thẻ Căn cước công dân khi đến tuổi đổi thẻ theo quy định của Luật hoặc
có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý
căn cước công dân. Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân khác thì
mới phải nộp lệ phí. Luật quy định Cơ
quan, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư không phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ
phí nếu thuộc hai trường hợp sau đây: + Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên
ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được
khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; + Công
dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. - Tổ
chức và cá nhân không thuộc hai trường hợp nêu trên, nếu có nhu cầu khai thác
thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ
quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phải nộp phí theo quy định của
pháp luật. Chương V. Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (từ Đ 34- Đ37) Đây là quy định
nhằm tăng cường quản lý về căn cước công dân, phân định rõ trách nhiệm của
Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý căn cước công dân. Chương VI.
Điều khoản thi hành (Đ38 - Đ39)
Quy định
về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp. Luật này có hiệu lực thi hành từ
ngày 01/01/2016. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có
giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang
thẻ Căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử
dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại
biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được
tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019. Địa phương chưa có điều kiện về cơ
sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai
thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy
định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày
01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Để đáp ứng yêu cầu
của xã hội, cần phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện luật căn cước công dân
tại cơ sở đảm bảo tính kịp thời, thống nhất. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành với nội dung
và các hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể, góp phần nâng cao nhận
thức, hiểu biết của nhân dân. Ngoài ra các cơ
quan, cá nhân có liên quan cần cập nhật thông tin, theo dõi, nắm bắt những thay
đổi hộ tịch của công dân để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó
phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, thành thạo vi tính, phải được đào tạo về
các kỹ năng để thực hiện được nhiệm vụ./. |