Nguyễn Thị Hiệp Giảng viên khoa Lý luận Mác-Lênin, TT Hồ
Chí Minh Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, quân và dân Nam Định đã thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với kết quả cao. Nguyên nhân của thắng lợi đó phải nói tới vai trò to lớn của quần chúng nhân dân (QCND) trong toàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh đã phát huy vai trò, sức mạnh của QCND thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ như: dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới và CNH, HĐH. Trong đó có phát huy vai trò của QCND trong quá trình dân chủ hóa mọi hoạt động của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị. Để tạo sự đồng thuận và khối đoàn kết giữa các cấp uỷ đảng, chính quyền nhân dân các cấp và QCND trong triển khai nhiệm vụ chính trị của Tỉnh. Quá trình phát huy vai trò của QCND thực hiện dân chủ hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả cơ bản sau: Thứ
nhất, QCND phát huy vai trò trong việc tích cực, chủ động tìm hiểu chủ trương,
chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm, nâng cao hiểu biết về quyền,
nghĩa vụ của công dân, góp phần quan trọng vào triển khai dân chủ ở cơ sở. QCND tại các
địa phương đã có hiểu biết đầy đủ hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ, trách
nhiệm của công dân đối với xã hội. Ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân từng
bước được nâng cao. Tình trạng QCND vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước, của tỉnh do thiếu hiểu biết đã giảm dần trong những năm
qua. Số vụ nhân dân vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền địa phương do
không nắm được pháp luật và chính sách gây ra những điểm nóng chính trị tại các
vùng nông thôn trong những năm 2000 đến 2010 đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Hoạt động khiếu kiện, tố cáo
trong tỉnh phần lớn được nhân dân thực hiện nghiêm túc theo trình tự, thủ tục
quy định của luật khiếu nại, tố cáo. Hoạt động gây rối làm mất trật tự an ninh,
an toàn xã hội tại nhiều xã khi thực hiện khiếu kiện đông người cũng giảm dần
theo từng năm. Cụ thể như điểm nóng về chính trị tại xã Nghĩa Hải - huyện Nghĩa
Hưng năm 2000 - 2002, xã Giao Nhân huyện Giao Thủy năm 2010, Xã Liên Minh -
huyện Vụ bản từ 2010 đến 2012. Đến nay giảm, từ năm 2012 đến 2014 trên địa bàn
tỉnh không xảy ra tình trạng QCND khiếu kiện đông người dẫn tới tình trạng gây
mất trật tự an toàn xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Phần lớn đơn thư khiếu
nại, tố cáo, đơn kiến nghị của QCND được chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền.
Điều này cho thấy QCND đã chủ động tìm hiểu, nắm được quy định của pháp luật,
chính sách của Nhà nước và cấp trên. Từ đó quần chúng có ý thức tuân thủ pháp
luật, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Năng lực thực
hành dân chủ ở cơ sở của quần chúng được nâng lên. QCND đã ngày càng quan tâm và
tham gia đầy đủ hơn các buổi tuyên truyền nội dung Quy chế dân chủ cơ sở, đặc
biệt là các buổi tuyên truyền Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị
trấn do chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc thực hiện. Qua đó nắm bắt khá
đầy đủ về quy định của Pháp lệnh, hiểu được quyền và trách nhiệm của mình. Từ
đó chủ động yêu cầu cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ những
nội dung của Pháp lệnh thực hành dân chủ ở cơ sở. Thứ hai, QCND phát huy vai trò làm chủ, tích cực và có
trách nhiệm cao trong tham gia công việc xây dựng hệ thống chính quyền địa
phương Từ năm 2013 đến nay, việc thực
hiện chủ trương tiến hành lấy đánh giá nhận xét của QCND về chất lượng cán bộ
tại địa phương do Mặt trận Tổ quốc thực hiện hàng năm đã được nhân dân tại các
địa phương thực hiện với ý thức trách nhiệm cao. Qua việc tổ chức lấy ý kiến
đánh giá, nhận xét của QCND tại các xã trong tỉnh năm 2013 có 06 cán bộ cấp xã
thuộc 04 huyện là Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Xuân Trường có phiếu tín nhiệm thấp trên
50%. Tại nhiều xã QCND đã thẳng thắn đóng góp ý kiến đối với hạn chế, tồn tại
của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại địa phương thông qua nhiều hình thức như: Tại
các buổi họp dân tại thôn, xóm và tổ dân phố; thông qua hòm thư góp ý tại trụ
sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và tại các nhà văn hóa; thông qua tiếp
xúc cử tri. Chất lượng của những ý kiến đánh giá, nhận xét của nhân dân giúp
cấp ủy địa phương nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch cán bộ, làm
tốt công tác bổ nhiệm, đánh giá cán bộ. Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng và chính quyền tại địa
phương. Thứ ba, QCND tham gia tích cực vào
hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền, góp phần thực hiện thắng
lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương QCND tích cực tham gia đóng góp ý
kiến, đề xuất kiến nghị, phương án thực hiện, cùng cấp ủy và chính quyền xây
dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn của
tỉnh ở địa phương như; thực hiện công tác dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông
nghiêp; triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng và thực hiện
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp;
chương trình xóa đói, giảm nghèo; chương trình đường thông, hè thoáng, chương
trình bảo vệ môi trường khu dân cư và nhiều chương trình phát triển kinh tế -
xã hội khác. Tại các xã, phường, cấp ủy và chính quyền đã chủ động xây dựng kế
hoạch, đề án thực hiện, tổ chức họp dân theo thôn – xóm và tổ dân phố lấy ý
kiến của nhân dân được QCND tích cực tham gia với trách nhiệm đóng góp, xây
dựng cao. Vì vậy, các chủ trương, kế hoạch, phương án thực hiện đã được bàn bạc
dân chủ, nhân dân đóng góp ý kiến, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng và lợi ích
của quần chúng. QCND tham gia triển khai các nội dung chương trình, giám sát có
hiệu quả quá trình triển khai thưc hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Thực sự
đáp ứng quan điểm chung của Đảng “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân” và phải
do “nhân dân thực sự làm chủ”. QCND thể hiện vai trò làm chủ cùng với cấp ủy,
chính quyền địa phương thực hiện đạt kết quả cao các kế hoạch, đề án phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể công tác dồn điền, đổi thửa trong sản
xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Riêng đối với chương trình
xây dựng nông thôn mới, QCND đã chủ động góp 2.809 ha đất nông nghiệp (tương
đương 5.618 tỷ đồng) và 200 ha đất thổ cư (tương đương 1.000 tỷ đồng), trong đó
có 158 gia đình góp đất nông ngiệp từ 350m 2 trở lên, 66 hộ hiến đất thổ cư từ
150 m2 trở lên. QCND đã tích cực đóng góp nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ
tầng với số tiền lên tới 1.135,498 tỷ đồng (chiếm 18,17%) số vốn phục vụ chương
trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trong đó có 9 cá nhân ủng hộ 2 tỷ đồng
trở lên. Đến hết năm 2014 Nam Định hoàn thành xong kế hoạch đề ra về xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, trong đó có huyện Hải Hậu trở thành huyện
hoàn thành huyện nông thôn mới. QCND tại các
địa phương có tinh thần trách nhiệm và ý thức tích cực, chủ động trong việc
thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp
ủy, chính quyền địa phương. Hoạt động kiểm tra, giám sát trực tiếp của nhân dân
vào công việc chung của địa phương, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thực
hiện chính sách, chế độ nhà nước tại địa phương chất lượng ngày một nâng cao.
Góp phần rất lớn vào bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong xây
dựng nông thôn mới, thực hiện đúng chính sách xã hội tại địa phương. Thông qua
kiểm tra, giám sát QCND đã phát huy vai trò tích cực và có tính chất xây dựng trong
việc tố cáo, phê bình những sai phạm, hạn chế và yếu kém của cấp ủy, chính
quyền và cán bộ địa phương. QCND ở các xã đã biết sử dụng các công cụ pháp lý
bảo vệ quyền của mình như khiếu nại, tố cáo. Thực hiện quyền khiếu nại tố cáo
theo đúng trình tự và thủ tục theo quy định của luật. Từ 2006 đến nay thông qua
tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân đã giúp cho tỉnh
thực hiện khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của công dân với số tiền 2.467
triệu đồng và 10 ha đất; thu hồi cho nhà nước và tập thể số tiền 637.457 triệu
đồng và 1.841 ha đất, sử lý kỷ luật hành chính 75 đối tượng trong đó có 81 đảng
viên, chuyển xử lý hình sự 12 đối tượng do vi phạm chính sách và sai phạm trong
quản lý. Nhìn chung,
QCND tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã không ngừng khẳng định và phát
huy vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội ở cơ sở. Thể
hiện cụ thể từ nhận thức đến thực hành dân chủ ở cơ sở. Từ đó, phát huy sức
mạnh của QCND trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời góp
phần quan trọng vào xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh đáp ứng
yêu cầu quá trình dân chủ hóa trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Thứ tư, QCND tích cực, chủ động dồn điền, đổi thửa, tìm
tòi hướng sản xuất mới phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần, nâng cao dân trí đáp ứng yêu cầu của thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện Chỉ
thị số 07 – CT/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy và Kế hoạch 45/KH – UBND của UBND
tỉnh các huyện, thành phố đã chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác dồn
điền, đổi thửa để tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn tập trung sản
xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Trên cơ sở làm
tốt công tác xây dựng phương án, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân của các
cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. QCND tại các địa phương đã chủ động tìm hiểu,
nghiên cứu và tham gia trực tiếp với tinh thần trách nhiệm cao vào quá trình
xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện. QCND đã tích cực triển khai công tác
dồn điền, đổi thửa bảo đảm hiệu quả cao. Đến 31/12/2014 toàn tỉnh có 200 xã,
thị trấn triển khai dồn điền, đổi thửa, trong đó có 199 xã (99%) đã hoàn thành
giao đất tại thực địa. Số thửa bình quân trên một hộ giảm từ 4 xuống còn 1 đến
2 thửa/hộ, nhiều xã đạt 75 đến 80% số hộ chỉ còn 01 thửa/ hộ.Thông qua công tác
dồn điền, đổi thửa QCND đã đóng góp đất (bình quần 10 đến 15m/sào), góp công,
kinh phí (bình quân 150.000 - 200.000/hộ) để nâng cấp hệ thống giao thông, thủy
lợi nội đồng. QCND đã chủ
động nghiên cứu nắm bắt chủ trương của Tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và
phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trên cơ sở nắm bắt chủ
trương và các chính sách hỗ trợ của Tỉnh, huyện, QCND tại địa phương đã chủ
động phát huy vai trò làm chủ trong tìm tòi hướng sản xuất mới, chủ động thực
hiện liên kết trong sản xuất giữa các hộ gia đình thông qua các hình thức hợp
tác, liên kết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu của phát triển
kinh tế thị trường. Phát triển kinh tế trang trại, sản xuất trang trại của các
hộ gia đình tại các địa phương đã có bước phát triển mạnh. Đến 31/12/2014 toàn
tỉnh đã có 2.036 trang trại, gia trại; trong đó có 453 trang trại đạt tiêu chí
mới, tăng 147 trang trại so với năm 2011. Nhiều mô hình hình phát triển sản
xuất từ nhân dân được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đang được học tập, nhân
rộng trong tỉnh, điển hình như vùng kinh tế trang trại của xã Yên Nhân – Ý Yên,
Xã Xuân Tiến – Xuân trường, từ việc nhận thức đúng về chính sách dồn điền, đổi
thửa và chính sách hỗ trợ của tỉnh về vốn và kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu
kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, QCND đã chủ động lựa chọn cây trồng phù hợp
nhằm, tập trung phát triển vùng kinh tế trang trại VAC khép kín nhằm chuyển đổi
cơ cấu sản xuất sau dồn điền, đổi thửa đạt hiệu quả. Thu nhập bình quân của
nhân dân tại các địa phương này đạt bình quân từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm
đối với vùng trồng mầu và trên 200 triệu/ha/năm đối vùng trang trại VAC khép
kín. Như vậy, QCND tại
các địa phương của Nam Định đã phát huy vai trò làm chủ trong tìm tòi hướng sản
xuất mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội của gia đình, góp phần phát triển
kinh tế - xã hội đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới của địa phương và
tỉnh. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh ngày càng
được nâng cao, tạo điều kiện nâng cao trình độ văn hóa, trình độ dân trí của
nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Góp phần nâng cao năng lực
làm chủ của QCND trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực tiễn,
thực hiện dân chủ hoá ở nước ta đã khẳng định: Quá trình dân chủ hoá đạt được
hiệu quả cao khi quần chúng nhân dân (QCND) chủ động, tích cực tham gia vào quá
trình dân chủ hoá. Trong quá trình triển khai dân chủ, trọng tâm là thực hiện
Quy chế và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, QCND tại các địa
phương đã thể hiện vai trò trong thực hiện nội dung dân chủ, góp phần bảo đảm
quyền làm chủ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở
địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò của
QCND trong thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế: Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng trình độ dân trí, hiểu
biết và nhu cầu về dân chủ của một bộ phận lớn QCND còn thấp. Do đó, QCND chưa
phát huy đầy đủ vai trò trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một bộ phận QCND ở cơ sở chưa
thấy hết giá trị và ý nghĩa của thực hiện dân chủ, dẫn tới tình trạng coi nhẹ,
không quan tâm đến việc tìm hiểu chủ trương, quan điểm, quy định về dân chủ,
hoặc nếu có quan tâm thì cũng hời hợt, qua loa. Nhiều QCND có tâm lý hoài nghi,
không tin tưởng vào những giá trị thực thi của Quy chế và Pháp lệnh dân chủ,
coi đây hoạt động mang tính hình thức, không thiết thực. Không ít QCND còn có
quan điểm cho rằng: thực hiện dân chủ là công việc của cấp ủy và chính quyền,
còn nhân dân chỉ là người được hưởng. QCND không có vai trò, mặc dù nhân dân
luôn có nhu cầu dân chủ. Dẫn tới thái độ trông chờ ỷ lại vào sự lãnh đạo cấp ủy
và điều hành của chính quyền địa phương trong triển khai các nội dung mở rộng
dân chủ. Bên
cạnh đó, một bộ phần QCND ở nhiều địa phương lại có nhận thức lệch lạc, thiếu
khách quan, thiếu khoa học về dân chủ, về thực hiện Quy chế và Pháp lệnh dân
chủ ở cơ sở, cố tình hiểu sai, lợi dụng việc thực hiện dân chủ và hạn chế về
trình độ nhận thức của QCND pháp luật để kích động, gây rối nhằm chuộc lợi cá
nhân. Gây ra những vụ, việc mất trật tự an ninh nông thôn, làm xáo động cuộc
sống tại địa phương. Một bộ phần lớn QCND chưa có hiểu biết đầy đủ
ý nghĩa của thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nên chỉ chú trọng tới chăm lo phát triển
kinh tế, tìm kiếm việc làm và làm ăn kinh tế thuần túy trước mắt. Từ đó ít quan
tâm tới những vấn đề chính trị, tới hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa
phương. Công tác phát triển Đảng ở các xã rất khó khăn. Các buổi tuyên truyền,
giáo dục pháp luật trong đó có nội dung của Quy chế và Pháp lệnh dân chủ tại
các thôn xóm thì số lượng nhân dân tham gia cũng không nhiều chủ yếu là cán bộ
thôn xóm và đảng viên trong chi bộ. Hạn chế thứ hai cần phải nói đến đó
là vẫn còn một bộ phận không nhỏ QCND thiếu ý thức và trách nhiệm trong thực hiện quyền làm chủ của mình. Cụ thể là: Thứ nhất, QCND chưa chủ động và ý thức trách nhiệm chưa cao trong
tham gia vào xây dựng Đảng, chính quyền
địa phương. Vai trò của
QCND trong triển khai dân chủ thể hiện trước hết ở việc quần chúng tham gia vào
việc xây dựng Đảng và Chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế những năm qua
cho thấy: QCND có ý thức chưa cao, thậm chí còn thiếu trách nhiệm, thờ ơ với
công tác xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền. Chất lượng tham gia bầu cử Hội
đồng nhân dân các cấp, trong đó có Hội đồng nhân dân địa phương của một bộ phận
lớn QCND còn thấp. Tại các buổi tranh cử của các ứng cử viên được Mặt trận tổ
quốc các cấp tổ chức tại địa phương, số lượng QCND tham gia ít, chủ yếu là đại
biểu được mời đích danh, cán bộ thôn - xóm, tổ dân phố. Một bộ phận tương đối lớn trong
quần chúng còn thiếu trách nhiệm trong lựa chọn đại biểu của mình. Cụ thể,
trong quá trình bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tình trạng một người bỏ phiếu
thay cho nhiều người vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ tại các xã, phường trong Tỉnh,
tâm lý dòng họ, làng xóm vẫn chi phối lớn đến việc lựa chọn đại biểu của nhân
dân. Thứ hai, QCND chưa thể
hiện đầy đủ và hiệu quả vai trò của mình trong đánh giá, nhận xét cán bộ, giúp
cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác cán bộ. Từ 2013 đến
2014, tại cấp xã trong toàn tỉnh Nam Định đã tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm
đối với cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ nhân dân. Ở một
số xã, việc đánh giá vẫn thiếu khách quan và bị chi phối nhiều bởi quan hệ họ
hàng, dòng tộc. Vì vậy, nếu lấy kết quả đánh giá, nhận xét đó là tiêu chí cho
việc xây dựng quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ sẽ chưa thể bảo đảm
hiệu quả và chất lượng, gây khó khăn cho cấp ủy và chính quyền khi thực hiện
Quy chế và Pháp lệnh dân chủ về công tác cán bộ ở các xã. Đối với các
đơn vị phường, xã thuộc Thành phố Nam Định và các thị trấn ý thức trách nhiệm
của QCND, nhất là đội ngũ đảng viên tại chi bộ phần lớn thiếu tinh thần phê
bình, coi thường và làm hình thức việc đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, đảng
viên tại nơi cư trú. Ban mặt trận tại các tổ dân phố, thôn, xóm được quy định
tham gia giám sát, đóng góp ý kiến nhận xét cán bộ, đảng viên. Song thực tế,
hoạt động của Ban mặt trận chủ yếu vẫn là hình thức, tình trạng e ngại, nể nang
là phổ biến, chưa thực sự phát huy vai trò của QCND vào đánh giá cán bộ. Thứ ba, QCND thiếu chủ động và thiếu trách nhiệm trong công tác
kiểm tra, giám sát, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo nhằm đấu tranh với hành
vi vi phạm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong những
năm qua, thực tế hoạt động kiểm tra, giám sát trực tiếp của QCND ở các xã,
phường, thị trấn chất lượng còn rất thấp. Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, thiếu
hiểu biết về quyền giám sát của mình. Từ đó, phần lớn nhân dân bị động trong
việc tham gia giám sát hoặc hoạt động giám sát không thường xuyên, chưa toàn
diện. Tình trạng vi
phạm của nhiều cán bộ làm công tác chính sách xã hội ở các xã kéo dài nhiều năm
như ở Nam Hồng, Trực Ninh, phường Cửa Nam, Cửa Bắc, đã vi phạm chính sách tử
tuất, làm sai hồ sơ đối với đối tượng chính sách như thương binh, nhiễm chất
độc màu da cam, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà nước kéo dài trong nhiều
năm. Khi vụ việc được thanh tra và phát hiện thì phần lớn QCND tại các địa
phương đều khẳng định mình biết rõ vi phạm của cán bộ, nhưng lại ngại không tố
giác những sai phạm đến cơ quan có thẩm quyền hoặc vì lợi ích cá nhân đã bao
che cho sai phạm của cán bộ kéo dài. Tình trạng vi
phạm trong công trình xây dựng của QCND được tiếp tay của những cán bộ xã, ảnh
hưởng tới an toàn đê điều, an toàn giao thông và vi phạm quy hoạch sử dụng đất
nông nghiệp ở địa phương. QCND tại các địa phương đều bức xúc nhưng không chủ
động tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền, thậm chí còn tham gia vào những sai phạm
trên. Khi cơ quan cấp huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện sử lý gặp
phải sự chống đối quyết liệt của QCND. Trong xây
dựng hạ tầng cơ sở như đường, trường, trạm thuộc chương trình xây dựng nông
thôn mới, QCND tại các địa phương là lực lượng lao động trực tiếp tại các công
trình, nhưng khi phát hiện sai phạm cũng không chủ động tố giác, thờ ơ với sai
phạm. Thứ tư, QCND chưa
năng động, chủ động trong phát triển kinh tế, còn thụ động, trông chờ vào sự
chỉ đạo của chính quyền. Sau khi dồn điền đổi thửa, nhân
dân ở một số xã vẫn tổ chức tiến hành sản xuất theo cơ cấu như trước, chưa chủ
động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật
nuôi, chuyển đổi phương thức sản xuất trên diện tích canh tác được dồn đổi mặc
dù đã được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Kết quả điều tra xã
hội học cho thấy: 95% hội nông dân không muốn liên kết để phát triển sản xuất
quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Nhân dân chưa tích cực và chủ động trong chuyển
đổi quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tâm lý sản xuất nhỏ, ngại
thay đổi vẫn là tâm lý chủ yếu của người nông dân trong tỉnh. Đến nay, số lượng
các vùng chuyên canh và phát triển sản xuất trang trại của tỉnh còn rất khiêm
tốn, chưa đạt được yêu cầu mục tiêu đã xác định. Thứ năm, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước và
xây dựng đời sống mới của QCND chưa cao. Việc tiếp cận
tìm hiểu kiến thức về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở QCND rất hạn
chế dẫn đến ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh của QCND
chưa cao thể hiện ở: ý thức chấp hành nếp sống văn minh đô thị thấp, ý thức
tham gia vào sinh hoạt tổ dân phố, thôn, xóm; vi phạm quy định của địa phương
trong xây dựng. Việc tổ chức cưới hỏi, tang lễ trong đời sống xã hội của nhân
dân còn nhiều như ở Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng gây tốn kém và ảnh hưởng rất
lớn tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Ý thức chấp
hành pháp luật của QCND tại các xã thấp. Tình trạng, nhân dân vi phạm khi tham
gia giao thông diễn ra phổ biến, việc buôn bán và sử dụng pháo nổ vẫn diễn ra
nhiều năm, tình trạng sản xuất hàng giả, gian lận thương mại như trốn thuế,
không đóng góp các khoản phí, lệ phí diễn ra khá phổ biến tại các xã gây thất
thu lớn cho ngân sách địa phương. Tóm
lại, vai trò của QCND trong thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường,
thị trấn của Nam Định còn nhiều hạn chế. QCND chưa thực sự chủ động, tích cực
tìm hiểu về dân chủ và nhu cầu thực hành dân chủ thấp; thiếu chủ động trong
thực hiện các quyền làm chủ của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây
dựng hệ thống chính quyền địa phương, tham gia quyết định, đóng góp ý kiến về
vấn đền liên quan trực tiếp tới lợi ích nhân dân; ý thức pháp luật và chấp hành
pháp luật của QCND còn thấp. Do đó, nâng cao vai trò của QCND trong thực hiện
dân chủ ở cơ sở là cần thiết và là nhiệm vụ cấp bách đặt ra hiện nay./.
|