Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Khoa Nhà nước - Pháp luật
Ngày
20/11/2014 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 8 đã thông qua
Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân với nhiều điểm mới tích cực và hai luật
này sẽ có hiệu lực vào 01/01/2016
1. Luật Hộ tịch
Đây là
lần đầu tiên có văn bản Luật để quy định về lĩnh vực này, trước đây chỉ là các
Nghị định và các Thông tư, nên hiệu lực thi hành còn hạn chế, thực hiện chưa
nghiêm; bên cạnh đó, vì được quy định trong nhiều văn bản, nên dẫn đến phức tạp, khó áp dụng.
Luật
Hộ tịch với rất nhiều nội dung mới, mang tính đột phá như:
Một là, Luật quy định việc ứng dụng mạnh
mẽ công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Ví dụ người được
đăng ký khai sinh được cấp Số định danh
cá nhân. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi cá nhân, không lặp lại
ở người khác; đây chính là số Thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.
Như vậy, với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh sẽ khắc phục
được tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai sinh, tùy tiện cải chính ngày
tháng năm sinh.
Hai là, với việc Luật cho phép xây
dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân
song song với cơ sở dữ liệu giấy, đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư, các Bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ba là, Luật có nhiều quy định nhằm hạn chế
sai sót, vi phạm có thể xảy ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch như:
quy định mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan hộ tịch, bỏ thẩm
quyền đăng ký hộ tịch của UBND cấp tỉnh để tập trung cho công tác quản lý Nhà
nước, bổ sung quy định cấm can thiệt trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ
tịch, quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch; bổ
sung những hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm trong đăng ký và quản lý hộ
tịch, đặc biệt là nghiêm cấm người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch
thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích; quy định
Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định của
Luật không có giá trị và phải thu hồi, huỷ bỏ ...
Đây là cơ sở để công tác đăng ký,
quản lý hộ tịch ở nước ta sẽ bước sang một giai đoạn mới, đi vào chính quy,
hiện đại; tình trạng không thống nhất, thiếu chính xác về thông tin hộ tịch của
cá nhân hay tùy tiện lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi hoặc trốn tránh pháp
luật sẽ không còn cơ hội để diễn ra.
2. Luật Căn cước công dân.
Luật
này gồm 6 Chương, 39 Điều, quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn
cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ Căn
cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan. Trong đó, điểm mới quan trọng nhất là việc quy định về thẻ Căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân hiện tại.
Cụ thể như sau:
Thẻ
Căn cước công dân cũng giống như Chứng minh nhân dân hiện tại là giấy tờ tùy
thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người
được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, thẻ căn cước công dân còn có ý nghĩa quốc tế khi được sử dụng thay
cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều
ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn
cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Thẻ Căn cước còn có ý nghĩa là
Giấy tờ thể hiện toàn bộ vấn đề về lai lịch, nhân dạng của công dân. Cụ thể là
số thẻ căn cước công dân chính là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là mã số dùng để
truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư và được cấp duy nhất
một lần cho một cá nhân. Như vậy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ Căn cước công
dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm bất
kỳ giấy tờ khác chứng nhận các thông tin nêu trên. Đồng thời, khi làm thủ tục
đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ căn cước công dân, trong đó có số định
danh của mình.
-
Thẻ Căn cước công dân cũng được cấp cho Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên như
Chứng minh nhân dân. Trẻ em dưới 14 tuổi vẫn được cấp Giấy khai sinh theo quy
định của Luật Hộ tịch năm 2014. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quyền được
khai sinh của trẻ em, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với bản
chất của việc cấp thẻ Căn cước công dân – khi các đặc điểm nhận dạng của một cá
nhân đã tương đối ổn định.
Luật
Căn cước công dân cũng đã mở rộng thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân cho các
cơ quan và đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Công dân có thể lựa
chọn một trong các nơi như cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; cơ
quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp tỉnh, hoặc Công an cấp huyện để
xin cấp thẻ Căn cước công dân và không mất lệ phí cấp thẻ. Cơ quan quản lý căn
cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại
xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường
hợp cần thiết. Đặc biệt, công dân có quyền yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác và
trả thêm phí dịch vụ chuyển phát. Quy định về thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân
linh hoạt hơn rất nhiều so với quy định cấp Chứng minh nhân dân hiện nay sẽ đáp
ứng nhu cầu cấp giấy tờ về căn cước công dân ngày càng tăng của công dân, đồng
thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục và góp phần cải cách
thủ tục hành chính.
Qua nghiên cứu nội dung của hai
văn bản luật trên đặc biệt là những điểm mới đã được đề cập trong bài viết cho
thấy nhiệm vụ của đội ngũ công chức chuyên môn trong lĩnh vực này được quy định
cụ thể hơn và nặng nề hơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và để hai Luật
trên thực sự là cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng quản lý xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao
dịch của nhân dân, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi
vi phạm pháp luật khác, đòi hỏi đội ngũ công chức Tư pháp - hộ tịch trong đó có
công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, nâng
cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm chắc nội dung các quy định pháp
luật nói trên./.
|