Cùng với chức
năng quyết định, chức năng giám sát của HĐND xã có vị trí rất quan trọng bảo
đảm HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa
phương, thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và là một yêu
cầu cơ bản nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND xã.
Chức
năng giám sát của HĐND xã được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát của
HĐND. Trước đây các hoạt động giám sát của HĐND nói chung và HĐND xã được quy
định tại chương 3 Luật Tổ chức HĐND và UBND, tuy nhiên, hiện nay hoạt động giám
sát của HĐND được điều chỉnh bằng một luật riêng là Luật Hoạt động giám sát của
Quốc Hội và HĐND. Điều đó cho thấy, hoạt động giám sát của HĐND được đề cao
trong việc đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Theo luật,
HĐND xã thực hiện giám sát thông qua các
hoạt động:
Một là,
xem xét báo cáo công tác của thường trực HĐND, UBND xã
Xét
báo cáo, hoạt động giám sát trực tiếp quan trọng của HĐND xã. Trên cơ sở xem
xét báo cáo, HĐND kiểm soát tình hình thực thi Hiến pháp, pháp luật và các văn
bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND xã trong thực tiễn đời
sống xã hội, tăng cường trách nhiệm của thường trực HĐND, của những người đứng
đầu UBND và các ban ngành về lĩnh vực công tác trước HĐND.
Tuy nhiên, hoạt
động này hiện nay ở các xã trong thực tiễn vẫn còn một số hạn chế như: việc xem
xét báo cáo chủ yếu thông qua việc đại biểu đọc trước báo cáo; việc tham gia thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo
chưa nhiều; phần đa ý kiến thảo luận chung
chung, xuôi chiều, ít phản biện, đề nghị giải trình làm rõ các vấn đề trong báo
cáo. Bên cạnh đó, với các báo cáo mang tính chuyên sâu một số đại biểu HĐND xã do chưa
nắm vững các chính sách, pháp luật liên quan vấn đề phải giám sát, nhất là lĩnh
vực đầu tư xây dựng cơ bản, thu - chi ngân sách, chương trình mục tiêu… nên chưa có nhiều ý kiến đánh giá, thuyết
phục đối với các báo cáo. Nguyên nhân của tình trạng này là do ở một số đơn vị
xã đại biểu HĐND được bầu mang nặng tính cơ cấu hình thức, trình độ của đại
biểu không đồng đều, cá biệt có đại biểu HĐND xã mới chỉ đạt trình độ tiểu học.
Thứ hai, xét trả lời chất vấn của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân
Đây là việc
đại biểu HĐND và yêu cầu trả lời, làm
rõ về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND cùng cấp. Chất
vấn đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm
của các đại biểu dân cử với cử tri, đồng thời xác định trách nhiệm của người
đứng đầu các cơ quan chính quyền. Theo quy định, Người
bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu HĐND đặt ra,
không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định trách nhiệm, biện
pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập... nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng bị chất vấn.
Hoạt động chất
vấn và trả lời chất vấn qua các kỳ họp của HĐND xã hiện nay cơ bản các đại biểu đã
lựa chọn được những nội dung và những vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc
phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân để chất vấn, được đông đảo
cử tri và xã hội quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng chất vấn tại các kỳ họp HĐND xã còn chưa đạt
được kết quả mong muốn như: Câu hỏi chất
vấn của đại biểu chưa mang tính bao quát, chưa phản ánh được những vấn đề bức
xúc hoặc vấn đề lớn ở địa phương và chưa đi sâu vào trọng tâm vấn đề; việc trả
lời chất vấn của UBND còn chung chung, né tránh, chưa trả lời thẳng vào vấn đề,
chưa quy rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân và biện pháp khắc phục cũng như
thời gian thực hiện. Hiệu quả hoạt động giám sát thông qua xem xét việc trả lời
chất vấn chưa cao; chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản mới chỉ dừng lại ở việc
xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm, hứa hẹn khi trả lời chất vấn mà chưa đưa
ra được những giải pháp thực hiện phù hợp.
Ba là, xét văn bản của UBND có dấu hiệu trái với Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp
luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã
Đây
là hình thức HĐND giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm
pháp luật do các đối tượng chịu sự giám của HĐND ban hành. Để tiến hành tốt
nhiệm vụ trên, tại các kỳ họp HĐND cũng như giữa hai kỳ họp, thường trực HĐND,
các ban và từng đại biểu HĐND phải thường xuyên thực hiện giám sát các văn bản
thuộc thẩm quyền của mình nhằm có những kiến nghị, đề xuất kịp thời.
Thực tế, hoạt động này ở cấp xã hiện nay hầu như
chưa được HĐND xã thực hiện đầy đủ , nhiều văn bản, nội dung vi phạm chưa được
phát hiện và xử lý kịp thời.
Bốn là, giám sát chuyên đề
Giám sát chuyên đề, việc HĐND theo dõi, xem xét, đánh
giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo lĩnh vực hoặc một
nội dung chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm nhất định.
Theo quy định, căn
cứ chương trình giám sát, HĐND ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề
theo đề nghị của Thường trực HĐND với thành phần gồm
đại diện thường trực HĐND, đại diện Ban của HĐND về lĩnh vực phụ trách và một số đại biểu HĐND; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt
trận có thể được mời tham gia Đoàn giám sát.
Quá trình làm việc với các đối tượng chịu sự giám sát, Đoàn có quyền xem xét,
đánh giá kiến nghị xử lý trách nhiệm.. và tham mưu HĐND đánh giá chính thức tại
kỳ họp.
Trong giám sát chuyên đề ở HĐND
xã hiện nay, việc tổ chức giám sát đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu
thành viên của đoàn giám sát ít đại biểu có chuyên môn có hiểu biết sâu về lĩnh
vực giám sát; việc hình thành thêm 2 ban của HĐND cấp xã: ban kinh tế - xã hội
và ban pháp chế với cơ cấu đại biểu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên
môn, nghiệp vụ không đưa đến nhiều sự lựa chọn cho việc nâng cao chất lượng,
hiệu quả giám sát chuyên đề đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn. Hoạt động của
HĐND xã giữa hai kỳ họp nói chung và hoạt động giám sát chuyên đề chủ yếu do
Phó Chủ tịch HĐND xã chịu trách nhiệm.
Mặt khác, để hoạt động giám sát có chất lượng,
việc nắm bắt thông tin nhiều chiều có vai trò rất quan trọng. Thực tế nhiều
cuộc giám sát của HĐND thiếu thông tin, nhất là thông tin trái chiều do chủ yếu
nghe báo cáo của cơ quan là đối tượng giám sát, qua đó đoàn giám sát kết luận,
đánh giá; ý kiến, kết luận của Đoàn giám sát không được chấp hành nghiêm túc,
chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
Năm là, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu
tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu
Việc HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ
chức vụ do HĐND bầu là một hình thức giám sát hoạt động của các cá nhân thuộc
đối tượng bị giám sát. Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ
do HĐND bầu là hoạt động cần thiết góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám
sát của cơ quan dân cử. Hoạt động này sẽ đạt hiệu quả cao nếu việc lấy phiếu và bỏ phiếu khách
quan, trung thực và ngược lại chỉ mang tính hình thức. Kết quả lấy phiếu tín
nhiệm hiện nay ở hầu hết các xã đều đạt ở mức cao.
Như vậy, nhận thức đúng đắn về hoạt động giám sát của HĐND cũng như có cơ
chế nâng cao trách nhiệm thực hiện hoạt động giám sát của cá nhân, cơ quan, tổ
chức là một yêu cầu cấp bách hiện nay để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND
xã./. |