banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Nghiên cứu trao đổi

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO, KIỂU MẪU Ở TỈNH NAM ĐỊNH

Ths. Phạm Tố Uyên – Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Trong nhiều năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã lan tỏa rộng khắp các địa phương trong tỉnh Nam Định. Ngày 18/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tính đến năm 2024, Nam Định có 199/204 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40/188 xã (chiếm 21,2%) được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, Giao Thủy là huyện đầu tiên của Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.  Nhờ huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của mỗi người dân trong xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể, Nam Định đã có được những cách làm hay, mới, rút ngắn con đường đạt đích nông thôn mới. Điều này đã hiện thực hóa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và tư tưởng của Hồ Chí Minh “lấy sức dân để làm lợi cho dân”.

Phát huy vai trò của nhân dân tỉnh Nam Định trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiễu mẫu chính là sự tham gia hiệu quả của người dân nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Điều đó được biểu hiện dựa trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, Nhân dân Nam Định là lực lượng trực tiếp đóng góp và đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiu mẫu đi vào cuộc sống với tinh thần xây dựng nông thôn  mới “không có điểm cuối cùng”.

Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nhân dân trên địa bàn tỉnh cụ thể hoá bằng các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, các chương trình an sinh xã hội, tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều phong trào thi đua tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tiêu biểu như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết sản xuất, thành lập các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội tổ hội nghề nghiệp; vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”, triển khai mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiễu mẫu...

Thứ hai, Nhân dân Nam Định là nguồn lực to lớn và quan trọng trong việc tiến hành chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiến tới xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng phát triển mạnh nông nghiệp, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và các hoạt động dịch vụ.

Nhân dân tỉnh Nam Định đã tích cực lao động, sản xuất để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiễu mẫu. Mỗi địa phương đều có sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, tiêu biểu như sản phẩm gạo Đài thơm 8 và Bắc thơm 7 là sản phẩm gạo chất lượng cao của Giao Thủy; sản phẩm lạc sen đỏ, khoai tây, củ cải của xã Giao Phong; sản phẩm muối sạch của xã Bạch Long, sản phẩm rau sạch ở xã Yên Cường, Yên Dương…

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất các loại cây trồng chủ yếu tăng khá, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,30%; ngành thủy sản tăng 4,05%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định. Sản xuất công nghiệp khởi sắc và duy trì đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 12,37%. Các hoạt động thương mại diễn ra sôi động hơn, chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa được đẩy mạnh góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: ngành bán buôn và bán lẻ tăng 9,64%; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,67%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,68%; hoạt động tài chính, ngân hàng tăng 6,93% [1].

Thứ ba, Nhân dân Nam Định là lực lượng trực tiếp xây dựng, giữ gìn và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao, kiễu mẫu.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), tỉnh đã xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ, chú trọng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; dự án sử dụng lao động trình độ cao; dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định. Những nhiệm vụ trên không thể hoàn thành nếu không có sự đoán kết, góp sức to lớn của người dân. Bởi, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống như đường giao thông, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi công cộng, trụ sở làm việc của các cơ quan huyện và các xã, thị trấn, đến nay hệ thống đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã được trải nhựa; đường giao thông thôn, xóm được bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được cứng hóa…

Thứ tư, Nhân dân Nam Định trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Việc góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đã được khai hiệu quả thông qua hình thức tiếp công dân, tổ chức đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân định kỳ và đột xuất. Từ năm 2014 đến hết tháng 6-2024, các cấp, các ngành, chính quyền trong tỉnh đã tiếp 32.293 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đề nghị, phản ánh, tỷ lệ tiếp nhận giải quyết trung bình 80%; các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức 28 hội nghị đối thoại, gặp gỡ với thanh niên, công nhân, thiếu nhi, phụ nữ, doanh nghiệp. Hàng nghìn cuộc góp ý đối với tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức, cơ quan đã được thực hiện. Nổi bật là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 237 hội nghị trực tiếp đóng góp và tiếp nhận 21.347 lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Liên đoàn Lao động tỉnh đã có trên 2.300 lượt ý kiến góp ý đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và rèn luyện tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống [2]

Qua những hoạt động này, người dân sẽ kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập trong việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương; những tồn tại, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh.

Thứ năm, Nhân dân Nam Định là chủ thể tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại các địa phương, cơ sở; và cũng là chủ thể chủ yếu xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa tinh thần tại địa phương, cơ sở.

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đã diễn ra sôi nổi ở hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh, có sự đóng góp, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân để xây dựng mô hình “camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông” ở tất cả các xã, thị trấn. Mỗi mô hình có tổng kinh phí khoảng từ 60-80 triệu đồng; tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy, Luật Nghĩa vụ quân sự...

Bên cạnh đó, nhân dân tỉnh Nam Định đã và đang tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội...

Bên cạnh những kết quả đạt được nhờ phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiễu mẫu trên địa bàn tỉnh Nam Định, vẫn còn tồn tại một số khó khăn và hạn chế. Đó là nguồn lực kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, kiễu mẫu của thành phố, của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; các tiêu chí xây dựng cơ bản đã đạt nhưng sự đầu tư duy trì nâng chất còn gặp nhiều khó khăn như: tiêu chí môi trường, hộ nghèo, hộ tham gia bảo hiểm y tế... Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện các nội dung, tiêu chí thuộc lĩnh vực quản lý của các phòng, ban chuyên môn còn chưa thường xuyên. Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình chưa được thực hiện thường xuyên. Sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều mô hình phát triển sản xuất chưa thật sự bền vững; vẫn còn một số ít người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao, kiễu mẫu và có biểu hiện tự thoả mãn với những thành quả trước đó nên chưa tự giác tham gia thực hiện trong công tác chỉnh trang địa bàn, vệ sinh môi trường và một số ít người dân còn trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ của cộng đồng và Nhà nước…

Những hạn chế đó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như các cơ chế, chính sách để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiễu mẫu chưa đồng bộ, còn bất cập. Nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Rất ít các khoản hỗ trợ trực tiếp thu nhập, trừ chương trình xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự tập trung cao và quyết liệt trong việc quán triệt và triển khai thực hiện các tiêu chí, chưa phát huy hết trách nhiệm của hệ thống chính trị cùng với vai trò chủ thể của người dân.

Có thể nói, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy chỉ có phát huy vai trò của nhân dân mới đảm bảo sự thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Để làm được điều này, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông, vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hướng tới phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính người dân; khơi dậy ở người dân tinh thần tiếp tục chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, hoặc tư tưởng bằng lòng, thỏa mãn với những thành tích trước đó đã đạt được.

Thứ hai, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của nhân dân, cần khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân chủ động tham gia. Thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm đến lợi ích thiết thực của dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Thứ ba, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cán bộ chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương phải gương mẫu trong việc đóng góp tiền của, ngày công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời phải huy động sức dân một cách vừa phải, từng bước, phù hợp với điều kiện từng hộ gia đình, tránh tình trạng áp đặt hay nóng vội.

Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả hơn nữa quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao vai trò của người dân. Những vấn đề về công khai, thu chi ngân sách, về những khoản đóng góp của dân, về đầu tư, hỗ trợ phát triển của Nhà nước qua các chương trình dự án phải được sáng tỏ, minh bạch để người dân tin tưởng và có động lực tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “phong trào sản xuất kinh doanh giỏi”, “chung sức xây dựng nông thôn mới” với các hình thức hiệu quả. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tổ chức thực hiện hiệu quả các đợt dân vận tập trung với chất lượng cao hơn, toàn diện hơn, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia hơn.

Thứ năm, nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hóa, khuyến khích, động viên các lực lượng tham gia, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh, bảo vệ thuần phong mỹ tục ở nông thôn. Tăng cường xã hội hóa, quán triệt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, tiếp tục thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Xây dựng thành công chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sẽ tạo ra bộ mặt mới toàn diện hơn cho nông thôn, nâng cao đời sống cho nhân dân tỉnh Nam Định. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần việc phát huy vai trò của người dân, hướng đến mục tiêu phấn đấu, năm 2024 tỉnh có bốn huyện nông thôn mới nâng cao và một huyện nông thôn mới kiểu mẫu và mục tiêu Đại hội Đại biểu lần thứ XX đã đề ra: Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.

 

[1] Xem https://www.namdinh.gso.gov.vn/kinh-te-xa-hoi/kinh-te-tinh-nam-dinh-6-thang-dau-nam-2024-tang-truong-8-56-dung-thu-11-ca-nuoc-1101.html

[2] Báo Nam Định ngày 18/6/2024

(Nguồn: )

Thông tin khác

KINH NGHIỆM THỰC HÀNH DÂN CHỦ TRONG QUÁ TRÌNH CÁCH MẠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH QUA NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
XÂY DỰNG PHONG CÁCH GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY
MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC Ở MÔN KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ CỦA HÌNH THỨC THI VIẾT VÀ NHỮNG LƯU Ý ĐỂ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
TÌM HIỂU VỀ QUY CHẾ BẦU CỬ TRONG ĐẢNG HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH NHIỆM KỲ 2025 – 2030
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT – CẦN TRÁCH NHIỆM VÀ SỰ SÁNG TẠO CỦA MỖI GIẢNG VIÊN
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X NHIỆM KỲ 2024-2029
TÍNH KHOA HỌC VỀ NỘI DUNG KIẾN THỨC VÀ THỜI GIAN GIẢNG DẠY PHẦN TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
KHƠI DẬY NGUỒN LỰC VĂN HÓA TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ NGƯỜI DÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH
TỈNH NAM ĐỊNH NỖ LỰC NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TÍNH (PAPI) VÌ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN
PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com