banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Nghiên cứu trao đổi

MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC Ở MÔN KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Ths. Mai Thị Thanh Hương – Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị hiện nay, môn học Kỹ năng lãnh đạo, quản lý có vai trò hết sức quan trọng. Môn học này gồm 11 chuyên đề nhằm trang bị những kỹ năng cơ bản và hết sức cần thiết cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở như hoạt động lãnh đạo và quản lý; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng tuyên truyền, vận động; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ; kỹ năng điều hành công sở; kỹ năng soạn thảo văn bản… Từ đó, giúp người học nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ sở.

Đây là môn học không thuần túy thiên về lý luận mà còn có tính chất hướng dẫn “thực hành”, gắn với thực tế. Môn học này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ người học bởi đa số học viên đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và dự nguồn. Do đó, nếu họ không được trang bị tri thức lý luận và vận dụng nó để thay đổi phương pháp làm việc thì họ không thể nâng cao hiệu quả công việc và đảm đương tốt nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, việc giảng dạy hay, hấp dẫn đối với môn học này hiện một thách thức đối với giảng viên, kể cả giảng viên có kinh nghiệm lâu năm. Bởi giảng dạy lý luận chính trị từ trước đến nay vẫn luôn bị quan niệm là khô khan, cứng nhắc, chưa thực sự gây hứng thú và phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý dù nhận được sự quan tâm lớn từ người học nhưng thực tế vẫn có những bài giảng khiến học viên cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi. Học viên lười trả lời các câu hỏi, ngại thảo luận các tình huống giảng viên đưa ra. Vẫn còn tình trạng học viên làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học. Do đó, làm thế nào để giảng dạy môn học này một cách cuốn hút và tăng cường sự hợp tác của học viên đã trở thành vấn đề được nhận thức và đặt ra từ lâu, trở thành nỗi trăn trở của đội ngũ giảng viên các trường Chính trị, trong đó có giảng viên trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định.

Trong thực tế giảng dạy bộ môn, có một số hạn chế mà giảng viên thường mắc phải khiến bài giảng không lôi cuốn, hấp dẫn và chưa kích thích được tính tích cực học tập của học viên:

Thứ nhất, nhiều giảng viên chưa thực sự coi trọng việc phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của người học. Quá trình giảng dạy thường được thực hiện theo kiểu thông tin một chiều, người thầy thuyết trình một cách say sưa từ đầu đến cuối buổi, học viên là người tiếp nhận, không có sự trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học. Việc ít sử dụng các phương pháp tích cực, ít gợi mở để người học suy nghĩ, phát biểu ý kiến, dẫn đến người học thụ động, không hưng phấn. Trong thực tế, học viên không thể ghi nhớ hết những gì giảng viên trình bày trên lớp và thậm chí nhớ rất ít. Học viên chỉ có thể tập trung trong khoản thời gian 20 đến 25 phút đầu trong một tiết học nên nếu giảng viên chỉ thuyết trình theo phương pháp truyền thống thì khoản thời gian 25 phút sau học viên có thể ngồi yên lặng nhưng sau đó học viên sẽ làm việc riêng và không chú ý đến nội dung bài giảng.

Thứ hai, một số giảng viên còn thiếu kiến thức thực tế nên ít có ví dụ, tình huống để liên hệ, chứng minh, để vận dụng nội dung lý luận. Từ đó khiến nội dung giảng dạy khô cứng, người học khó tiếp thu. Nhiều ví dụ giảng viên sử dụng đã cũ, không còn phù hợp với hiện thời. Có giảng viên đưa quá nhiều kiến thức vào bài giảng, khiến học viên không tiếp thu được hết nội dung giảng dạy.

Thứ ba, giảng viên chưa phát huy được vai trò của giáo án điện tử cũng như các phương tiện và đồ dùng dạy học. Việc soạn giáo án điện tử còn nhiều hạn chế và thường mắc các lỗi cơ bản như: slide quá nhiều chữ như giáo án, sử dụng nhiều hiệu ứng khiến người học phân tâm, lạm dụng hình ảnh… gây rối mắt. Nhiều giảng viên lại thiên về trình diễn thông tin, đồng nhất phương pháp giảng dạy hiện đại với phương tiện hiện đại.

Thứ tư, một số giảng viên thiếu phương pháp sư phạm. Giọng nói đều đều, buồn tẻ, không có điểm nhấn khiến người học buồn ngủ. Có giảng viên nói quá nhanh làm người học khó theo kịp nội dung, có giảng viên lại nói quá chậm gây nhàm chán. Nội dung lý luận chính trị vốn khô khan mà người giảng không có phương pháp sư phạm tốt thì không thể tạo hứng thú cho học viên, khiến người học rất khó tiếp thu. Một số giảng viên chưa bao quát lớp, ít tương tác với học viên tạo cơ hội cho họ làm việc riêng, không chú ý đến bài giảng…

Từ một số hạn chế giảng viên thường gặp phải, để nâng cao chất lượng bài giảng, thu hút sự chú ý và tăng cường sự hợp tác của học viên cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, giảng viên phải thực sự coi trọng việc phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của người học thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực. Giảng viên cần lên kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị gì? Phải thiết kế phương án giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của người học, thể hiện ở việc xây dựng các câu hỏi, bài tập thảo luận, tình huống … để thu hút sự chú ý và tăng cường sự hợp tác của người học. Trong quá trình lên lớp, giảng viên phải khuyến khích, tạo cơ hội cho học viên tham gia tích cực vào quá trình học tập; giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, thúc đẩy quá trình học của học viên; gợi mở, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, đối thoại có trách nhiệm giữa giảng viên và học viên.

Thứ hai, mỗi giảng viên muốn có bài giảng hay, cuốn hút trước hết phải có kiến thức chuyên môn sâu. Đây là năng lực cơ bản, là điều kiện để “biết mười dạy một”. Học viên của trường chính trị được tiếp cận và hiểu biết rất nhiều thông tin từ thực tiễn công tác. Do đó, giảng viên phải chinh phục họ bằng kiến thức sâu rộng của mình, điều đó còn tạo ra uy tín cho người thầy, mà nhất là những giảng viên trẻ. Muốn vậy, mỗi giảng viên phải tự học, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao hiểu biết, có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực để bài giảng phong phú và giàu sức thuyết phục.

Ngoài ra, để lôi cuốn học viên thì bài giảng của giảng viên cần phải liên hệ với thực tế. Giảng viên phải gắn lý luận với thực tiễn, không lý luận suông, “dạy chay” mà phải làm cho người học thấy được vai trò “ngọn đèn pha” của lý luận đối với thực tiễn; gợi mở cho người học áp dụng lý luận vào lĩnh vực công tác và cuộc sống. Muốn vậy, giảng viên phải thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức thực tiễn thông qua những con đường khác nhau. Phải phải nắm vững nội dung lý luận, từ đó lựa chọn đúng thực tiễn làm ví dụ.  Những vấn đề thực tế được chọn đưa vào bài giảng phải là những vấn đề hay, mang tính thời sự.  Khi đưa ví dụ thực tiễn phải phân tích, chứng minh được một cách thuyết phục để người học thấy được s soi rọi của lý luận vào trong thực tiễn.

Thứ ba, việc sử dụng giáo án điện tử và các phương tiện dạy học khác để hỗ trợ giảng dạy là điều cần thiết nhằm làm phong phú nội dung bài giảng, giúp thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu của học viên. Qua đó giúp giảm nhẹ công việc của giảng viên và giúp buổi giảng của học viên trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn. Khi đưa phương tiện dạy học vào giảng dạy, giảng viên có điều kiện để nâng cao tính tích cực, độc lập của học viên. Tuy nhiên để sử dụng các phương tiện này hiệu quả, giảng viên phải khắc phục được những lỗi thường gặp khi soạn giáo án điện tử: lỗi phông chữ, màu sắc, lỗi sử dụng hình ảnh, hiệu ứng,… Để thiết kế một bài giảng điện tử đúng về nội dung và đẹp về hình thức, giảng viên phải có kiến thức, kỹ năng sử dụng máy vi tính, các phần mềm hỗ trợ, khai thác tốt thông tin, dữ liệu để đưa vào bài giảng…Chẳng hạn: khi giảng bài Kỹ năng xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý, giảng viên có thể nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại để cung cấp các video về các tình huống chính trị xã hội từng xảy ra ở Việt Nam (như: điểm nóng Trại Gáo – Giáo sứ Mỹ Yên - Nghệ An…), qua đó hình thành cho học viên các kỹ năng cần thiết trong xử lý tình huống.

Thứ tư, giảng viên phải rèn luyện phương pháp sư phạm. Cùng với kiến thức sâu rộng mà giảng viên có được, đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của bài giảng. Một giờ học hay không chỉ phụ thuộc vào lượng kiến thức giảng viên cung cấp mà còn phụ thuộc vào phong cách, ngữ điệu lời nói, cách nhấn trọng âm và việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ của giảng viên… Giảng viên phải thu hút người học bằng ngôn ngữ trong sáng, khả năng truyền đạt, biết sử dụng ngữ điệu, cường độ, âm lượng, nhịp độ, sự ngừng giọng… để tạo sự hấp dẫn cho bài giảng. Cùng với đó, giảng viên phải có tác phong, cử chỉ hành động phải phù hợp để học viên hứng thú theo dõi và tiếp thu bài tốt. Giảng viên không nên đứng một chỗ cả buổi, nên có sự thay đối tư thế phù hợp, thỉnh thoảng nên đi lại. Bởi nhiều khi học viên mệt mỏi, buồn ngủ không phải vì bài giảng kém hấp dẫn mà một phần vì họ cả buổi chỉ nhìn có một điểm khiến mắt mỏi. Do đó, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần sử dụng hiệu quả ngôn ngữ hình thể như ánh mắt, nụ cười tạo sự thân thiện, gần gũi với người học, cần có sự thay đổi tư thế phù hợp, hãy di chuyển nhưng tránh đi lại quá nhiều để bao quát lớp học và tránh nhàm chán cho người học. Quan trọng nhất, giảng viên phải là người biết truyền đạt kiến thức bằng cả trái tim và sự nhiệt huyết của mình. Sẽ không thể có một bài giảng hay nếu giảng viên thiếu đi sự nhiệt huyết bởi người truyền lửa phải thực sự là người có lửa.

Để tăng cường sự hợp tác của người học, giảng viên cần biết khích lệ sự tham gia của họ bằng cách đặt câu hỏi gợi mở, kích thích tư duy của người học. Khi học viên trả lời, giảng viên cần khen ngợi các câu trả lời hợp lý của học viên để khơi lên ngọn lửa học tập ở họ, tránh chỉ trích hay chê bai câu trả lời của học viên vì như thế sẽ làm cho những học viên khác không dám phát biểu. Trong quá trình học viên trả lời, giảng viên cần có những cử chỉ để khuyến khích người học như: mỉm cười, gật đầu với những ý kiến đúng... Làm như vậy, giảng viên sẽ kích thích được tính tích cực của học viên, khiến họ thích phát biểu, dù câu trả lời của họ có thể chưa đúng.

Áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị nói chung, giảng dạy môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý nói riêng là vấn đề được Trường Chính trị Trường Chinh rất quan tâm hiện nay. Để áp dụng các phương pháp này, mỗi giảng viên cần không ngừng học hỏi, trau dồi để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình mới./.

(Nguồn: )

Thông tin khác

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ CỦA HÌNH THỨC THI VIẾT VÀ NHỮNG LƯU Ý ĐỂ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
TÌM HIỂU VỀ QUY CHẾ BẦU CỬ TRONG ĐẢNG HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH NHIỆM KỲ 2025 – 2030
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT – CẦN TRÁCH NHIỆM VÀ SỰ SÁNG TẠO CỦA MỖI GIẢNG VIÊN
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X NHIỆM KỲ 2024-2029
TÍNH KHOA HỌC VỀ NỘI DUNG KIẾN THỨC VÀ THỜI GIAN GIẢNG DẠY PHẦN TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
KHƠI DẬY NGUỒN LỰC VĂN HÓA TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ NGƯỜI DÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH
TỈNH NAM ĐỊNH NỖ LỰC NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TÍNH (PAPI) VÌ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN
PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP CHỨC SẮC, TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỈNH NAM ĐỊNH THEO LỜI BÁC DẠY
ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CUỘC THI " NAM ĐỊNH - 60 NĂM THEO DẤU CHÂN BÁC" - NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG NGHỊ QUYẾT 28- NQ/TW NGÀY 17/11/2022 HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ " ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI"
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GẮN VỚI TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI Ở TỈNH NAM ĐỊNH
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com