Không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, internet, mạng xã hội với đặc điểm về tính mở, phạm vi tương tác đa chiều, không giới hạn về không gian, tích hợp nhiều tính năng đa phương tiện, nguồn tin phong phú, đa dạng,… đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người; tác động trực tiếp và mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân nói riêng, đến sự ổn định và phát triển của xã hội nói chung. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng internet (chiếm 79,1% dân số), cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á; số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số, chủ yếu là Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong 10 nước có số người dùng Youtube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% người dùng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên.
Với dã tâm là muốn xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những đặc điểm vốn là ưu thế nổi trội của không gian mạng, một “chiến trường” không tiếng súng để chống phá ta. Hiện nay, có hàng nghìn tài khoản ở các trang mạng xã hội; một số website, báo điện tử phản động trong và ngoài nước đang ngày, đêm đăng tải, chia sẻ dưới nhiều hình thức những thông tin sai sự thật, phản khoa học, phản cách mạng về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh đất nước. Các nhóm (group) tập hợp lực lượng, hướng dẫn phương thức chống phá vừa công khai, vừa bí mật. Với thủ đoạn đa dạng, tinh vi, các thế lực thù địch đã tập trung khoét sâu vào tình hình phức tạp ở Biển Đông; những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước; những khó khăn, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; sự tha hóa về đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; các sự việc nhạy cảm về chính trị, xã hội. Đây thực sự là “cơ hội”, mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, bóp méo thông tin đăng tải các luận điệu sai trái, thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - trong đó có trận địa không gian mạng - nhằm phòng, chống hiệu quả với chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng để tăng cường bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đảng ta khẳng định “Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn trong điều kiện phát triển bùng nổ của hệ thống thông tin, truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng”. Nghị quyết số 35-NQ/TƯ, ngày 25-10-2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” xác định, đấu tranh phòng, chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó đội ngũ giảng viên lý luận chính trị là lực lượng có vai trò nòng cốt, trực tiếp.
Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống những luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng trở thành “mặt trận” mới, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đặc biệt đối với giảng viên trường chính trị.
Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống các luận điệu sai trái, thù địch, đội ngũ giảng viên trường chính trị có vai trò rất quan trọng.
Giảng viên trường chính trị có khả năng và thường xuyên tham gia tiếp cận, nhận diện sâu rộng, kịp thời thông tin, luận điệu, từ đó chia sẻ, viết bài, bình luận phản biện và đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay.
Có thể nói, trên không gian mạng chứa nhiều thông tin, có cả thông tin khoa học, thông tin đại chúng và cả thông tin với quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị. Tuy nhiên, để chỉ ra đâu là thông tin sai trái, thù địch, cơ hội chính trị là công việc khó khăn, đòi hỏi chủ thể sử dụng mạng và khai thác thông tin trên mạng phải có trình độ và kinh nghiệm nhất định. Nếu người khai thác và sử dụng thông tin trên mạng không có kiến thức và trình độ sẽ không biết đâu là thông tin phản ánh đúng, đâu là thông tin phản ánh sai sai lệch tình hình, dẫn đến tin rằng các thông tin được đăng tải trên mạng đều khoa học, đều phản ánh đúng hiện thực. Từ đó, những cá nhân sử dụng mạng lại là những người chia sẻ thông tin sai trái, cơ hội chính trị trên không gian mạng một cách không chủ đích.
Giảng viên trường chính trị khi tham gia mạng hoàn toàn có khả năng phân tích, nhận định đâu là quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; chỉ ra nguyên nhân dẫn sai trái do chủ thể cung cấp thông tin hạn chế về trình độ tri thức khoa học hay do chủ thể cố tình đưa thông tin sai trái lên không gian mạng.
Bên cạnh đó, giảng viên trường chính trị là những người trực tiếp và chủ yếu giảng dạy, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những tri thức đó được chuyển tải và thẩm thấu vào người học qua các hình thức dạy học, nghiên cứu khoa học, đấu tranh chống các quan điểm sai trái và các hoạt động khác. Người học ngày càng mở rộng nhận thức, nắm vững bản chất khoa học xã hội. Xây dựng và hoàn thiện các phương pháp, kỹ năng nhận thức và hoạt động khoa học, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn công tác và đấu tranh cách mạng; là cơ sở quan trọng, bền vững nâng cao giác ngộ chính trị và xây dựng bản lĩnh chính trị.
Để đội ngũ giảng viên trường chính trị phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong việc đấu tranh chống lại sự chống phá của các thế lực thù địch, mỗi giảng viên cần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, trong công việc và cuộc sống.
Thứ nhất, mỗi giảng viên phải giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác – Lênin, vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Không ngừng nghiên cứu, học tập và quán triệt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần thấy được rằng, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng giảng viên phải là công việc thường xuyên, liên tục và đi trước một bước, bởi lẽ giảng viên có làm tốt khâu này thì mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền đối với học viên.
Giảng viên phải có thói quen tự giác nghiên cứu lý luận, nghị quyết, chỉ thị của đảng, tổng kết thực tiễn để nâng cao nhận thức; thường xuyên viết bài nghiên cứu khoa học để làm sáng tỏ những nội dung của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bài viết có thể đăng ở các báo, tạp chí trung ương và địa phương, cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang tin điện tử của trường chính trị, tọa đàm, hội thảo,… Dù ở cách tiếp cận nào, cấp độ nào, những bài viết khoa học cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp vào thành công của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bên cạnh đó, giảng viên cũng phải nâng cao kỹ năng, ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Khi thể hiện ý kiến, bình luận các nội dung trên mạng xã hội, giảng viên cần dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để thể hiện vai trò tích cực, giảng viên cần tăng cường viết bài, chia sẻ cho các trang facebook của tỉnh; website, fanpage, trang facebook của nhà trường nhằm góp phần phản bác trước những quan điểm lệch lạc, sai trái, xuyên tạc.
Thứ hai, thông qua hoạt động giảng dạy, giảng viên tuyên truyền đến các đối tượng học viên, giúp nâng cao nhận thức và cùng nhau hành động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Giảng viên cần lồng ghép quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các nội dung giảng dạy phù hợp. Trong đó, giảng viên cần giúp học viên hiểu rõ nguyên nhân, cách thức và nội dung của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những vấn đề cơ bản theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW.
Giảng viên cần hiểu rõ những nội dung cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, giúp học viên hiểu được tính khoa học, cách mạng, chân chính của học thuyết này. Đồng thời, định hướng để học viên nhận biết những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch dùng để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong giai đoạn hiện nay, giảng viên cần tập trung làm rõ những nội dung đang được các thế lực thù địch tập trung chống phá: sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa Mác đã lỗi thời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0,…
Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, con người, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cần được tuyên truyền, lan tỏa đến học viên trong quá trình giảng dạy làm cho những giá trị tốt đẹp của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người được giữ gìn, học tập, vận dụng đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giảng viên cần nêu cao trách nhiệm định hướng cho học viên những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt về con người, thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Hồ Chí Minh, tiến tới phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phá hoại phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để làm mất đi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân ta.
Ngoài ra, giảng viên khi lên lớp cần nắm vững, truyền đạt đúng đắn, đầy đủ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng nội dung liên quan. Trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị, điều cần thiết và quan trọng là giảng viên giúp học viên thấy được những thành tựu to lớn mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đạt được trong quá trình đấu tranh cách mạng và trong thời kỳ đổi mới. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được là hết sức to lớn, có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của con đường mà chúng ta lựa chọn là đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Chính những thắng lợi to lớn trên tất cả lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội là minh chứng hùng hồn, đập tan luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng là một việc hết sức khó khăn và phức tạp. Vì vậy, từng cán bộ giảng viên trường chính trị tỉnh cần nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu, tích cực tham gia vào sự nghiệp này bằng những việc làm cụ thể, vừa là trách nhiệm những cũng là niềm tự hào của giảng viên trường chính trị./.
|