Tóm tắt: Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết “Học tập suốt đời” đặt ra yêu cầu, nhu cầu, nhiệm vụ, suy nghĩ và hành động mới với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư viết: "Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành những người hữu dụng" vững bước tiến vào thời kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình. Từ thông điệp của Tổng Bí thư bài viết dưới đây tập trung phân tích thực trạng văn hoá đọc của học viên Trường Chính trị Trường Chinh, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao văn hoá đọc và cũng là khẳng định học tập suốt đời là đòi hỏi cấp thiết của mỗi học viên góp phần xây dựng nền tảng tri thức để đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng cho sự nghiệp công hiến tiến bước vào kỷ nguyên mới.
Từ khoá: Văn hoá đọc; Học viên trường Chính trị Trường Chinh; Nền tảng tri thức; Giải pháp nâng cao văn hoá đọc.
Văn hóa đọc đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tri thức, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho cán bộ, đảng viên trong bối cảnh xã hội hiện đại. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên là học viên tại các trường chính trị tỉnh nói chung và trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua văn hoá đọc giúp giúp cán bộ, đảng viên thực hiện được sứ mệnh học tập suốt đời nhằm mở rộng tri thức, tiếp cận thông tin đa chiều cập nhật kiến thức mới về lý luận chính trị, kinh tế, xã hội, hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Từ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề, hiệu quả công tác, kỹ năng giao tiếp. Việc đọc sách giúp tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận tri thức và phát triển bản thân, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.
Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục lý luận chính trị, là một cơ sở đào tạo quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Vì vậy, tạo môi trường học tập chất lượng rất cần phát triển văn hóa đọc, đó cũng là quá trình tự đào tạo, tự học tự nghiên của học viên. Một bộ phận học viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đọc, chủ động và quan tâm để tìm kiếm tài liệu trong thư viện nhà trường để nâng cao kiến thức phục vụ học tập và rèn kỹ năng đọc tích luỹ kiến thức. Học viên Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định có xu hướng ưa chuộng các thể loại sách báo liên quan đến lý luận chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, lịch sử và văn hóa. Sự phát triển của công nghệ thông tin mang đến nhiều nguồn tài liệu trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp cận thông tin. Ngoài ra, một số học viên cũng quan tâm đến các thể loại sách báo về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tin học và ngoại ngữ. Chính thời đại công nghệ số cũng đặt ra yêu cầu cao về khả năng tiếp cận, xử lý và ứng dụng thông tin. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có trình độ lý luận chính trị vững vàng, kiến thức chuyên môn sâu rộng, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo.
Văn hóa đọc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị của học viên trường chính trị tỉnh Nam Định. Cụ thể: Việc đọc báo, tạp chí, các tài liệu nghiên cứu giúp học viên cập nhật thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Giúp học viên tiếp cận với những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại, những tấm gương đạo đức sáng ngời trong lịch sử và cuộc sống. Qua đó, học viên có thể tự bồi dưỡng, hoàn thiện nhân cách, xây dựng lối sống trung thực, giản dị, liêm khiết, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Việc đọc các tác phẩm kinh tế, xã hội, lịch sử giúp học viên hiểu sâu sắc về truyền thống văn hóa, lịch sử xây dựng quê hương đất nước từ đó bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Văn hóa đọc tạo nền tảng tri thức vững chắc cho sự nghiệp cống hiến và phụng sự Tổ quốc của học viên là cán bộ, đảng viên học trung cấp lý luận chính trị tại tỉnh Nam Định. Cụ thể, việc đọc các tài liệu lý luận chính trị, văn bản pháp luật, sách chuyên ngành giúp học viên nắm vững kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công tác. Việc tiếp cận với các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp học viên hiểu sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác. Học viên đọc báo, tạp chí, các tài liệu nghiên cứu giúp họ cập nhật thông tin từ thực tế từ đó có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và tư duy phản biện, khả năng phân tích, đánh giá các vấn đề về các vấn đề để tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp một cách hiệu quả. Việc đọc các tài liệu lý luận chính trị giúp học viên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ đó có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong môi trường học tập tại Trường Chính trị Trường Chinh sẽ giúp quá trình đào tạo cán bộ, đảng viên tỉnh nhà có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực công tác hiệu quả. Đồng thời, góp phần lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, xây dựng một xã hội học tập văn minh, tiến bộ giúp cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu của công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học viên xem việc đọc sách, tài liệu và coi đó là nhiệm vụ bắt buộc, chưa thực sự đam mê và chủ động. Thời đại công nghệ thông tin phát triển làm cho học viên bị xao nhãng đọc tài liệu sách truyền thống, các bài viết khoa học mà bị lôi cuốn vào các thông tin ngắn, sống động trên thiết bị công nghệ. Ngay cả việc đọc và nghiên cứu giáo trình trong các buổi học, giờ thảo luận trên lớp cũng là việc khó khăn đối với họ. Nhiều học viên chỉ đọc tài liệu sách báo khi có yêu cầu của chương trình học hoặc khi cần tìm kiếm thông tin phục vụ học tập hoặc công việc. Ngay cả việc giảng viên yêu cầu học viên nghiên cứu các tài liệu trong danh mục tài liệu bắt buộc cũng như tài liệu tham khảo cũng rất khó khăn với họ. Tình trạng đọc của học viên diễn ra chỉ để đối phó với các kỳ thi, kiểm tra đánh giá…
Nguyên nhân của những tình trạng trên là họ không nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc hoặc không có hứng thú với việc đọc. Do đặc thù công việc và thời gian học tập hạn chế, nhiều học viên gặp khó khăn trong việc dành thời gian cho việc đọc sách, tài liệu. Thời đại công nghệ thông tin cũng đặt ra thách thức về việc chọn lọc thông tin, khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách khách quan, khoa học. Sự phát triển đa dạng của các loại hình dịch vụ trên Internet khiến cho thời gian đọc tài liệu của học viên phần nào bị ảnh hưởng. Tình trạng đọc đối phó, chỉ đọc trong các kì thi, kiểm tra chưa được giải quyết triệt để. Công tác thông tin - thư viện vẫn còn một số hạn chế, bất cập về cơ sở, nguồn tài liệu điều đó cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận tri thức của học viên. Để khắc phục hạn chế trên cần có những giải pháp hiệu quả nâng cao văn hóa đọc cho học viên nhà trường trong bối cảnh hiện nay.
Để nâng cao văn hóa đọc của học viên Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía nhà trường, giảng viên và học viên:
- Giải pháp từ phía nhà trường:
Nhà trường cần tăng cường đầu tư cho thư viện, xây dựng thư viện số, bổ sung và đa dạng hoá các nguồn tài liệu, các đầu sách báo đa dạng và phong phú. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc.
Tổ chức các hoạt động khuyến khích đọc sách, tổ chức các buổi giới thiệu sách, toạ đàm về sách, tạo môi trường đọc sách thân thiện, khuyến khích học viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến sách. Tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo về tầm quan trọng của văn hóa đọc cho học viên trường Chính trị Trường Chinh gắn liền với thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đưa việc đọc sách vào chương trình học tập và đánh giá kết quả học tập của học viên. Xây dựng môi trường đọc sách thân thiện, đa dạng và phong phú. Phát huy vai trò của thư viện, phòng đọc của nhà trường.
- Giải pháp từ phía giảng viên:
Giảng viên cần khuyến khích học viên đọc sách báo bằng cách giới thiệu
các tài liệu tham khảo, tổ chức các giờ thảo luận liên quan đến nội dung gắn bài học với các tài liệu tham khảo đó.
Giảng viên cần đổi mới phương pháp dạy tích cực hướng học viên vào tập trung các hoạt động khuyến đọc, cần tích hợp việc đọc sách, tài liệu gắn với nội dung bài giảng, khuyến khích học viên tìm hiểu thêm thông tin từ sách để làm phong phú kiến thức và có cơ hội vận dụng kiến thức từ các tài liệu, sách, báo vào thực tiễn. Khuyến khích học viên tăng cường sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm các công cụ hỗ trợ đọc sách như phần mềm đọc sách, ứng dụng ghi chú...
Giảng viên cần là người yêu thích đọc sách, có thói quen đọc sách thường xuyên và chia sẻ niềm đam mê đọc sách với học viên. Giảng viên cần không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin từ sách, báo và các nguồn tài liệu khoa học để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
- Giải pháp từ phía học viên:
Thực hiện theo lời dạy của Tổng Bí thư, tự học tập suốt đời để nâng cao trình độ bản thân. Tự giác và chủ động hình thành thói quen và rèn kỹ năng đọc sách hàng ngày, biến việc đọc sách trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Áp dụng những kiến thức và kỹ năng học được từ sách vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công tác.
Học viên cần xác định rõ mục tiêu đọc sách của mình, nâng cao kiến thức phục vụ học tập các môn học trong chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị tại trường và phục vụ chuyên môn nhằm mở rộng hiểu biết về lý luận chính trị, hoặc phát triển kỹ năng tư duy.
Học viên cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn sách báo phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình, đồng thời dành thời gian đọc sách báo một cách thường xuyên. Cần xây dựng kế hoạch đọc sách cá nhân, lập kế hoạch đọc sách cụ thể, phân bổ thời gian đọc hợp lý và lựa chọn những cuốn sách phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Khai thác tối đa nguồn tài liệu phong phú của thư viện nhà trường, bao gồm sách, báo, tạp chí, tài liệu điện tử... Sử dụng các trang web, diễn đàn, mạng xã hội uy tín để tìm kiếm thông tin và tài liệu tham khảo.
Như vậy, việc học tập suốt đời là vô cùng quan trọng đối với học viên của Trường Chính trị Trường Chinh. Nâng cao văn hóa đọc, học viên sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, tôi tin rằng Trường Chính trị tỉnh Nam Định sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao văn hóa đọc cho học viên là cán bộ, đảng viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh nhà giàu tri thức, dũng cảm, trách nhiệm, vững vàng, sáng tạo, cống hiến./.
|