Hoàng Đình Trung - Phó Giám đốc Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã giành
được quyền lãnh đạo cách mạng, trở thành nhân tố chủ yếu, có tính quyết định
đến mọi thắng lợi của cách mạng. Sau khi lãnh đạo nhân dân giành chính quyền,
thành lập nước (2-9-1945), Đảng CSVN trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà
nước và toàn xã hội. Khi đó, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với Nhà nước
được khẳng định là một nguyên tắc hoạt động cơ bản của Đảng và của cả hệ thống
chính trị ở nước ta. Đảng là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới
toàn diện đất nước, trong đó xây dựng Nhà nước pháp quyền như một chủ trương
được đặt ra gần như đồng thời với quá trình đổi mới đất nước. Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khẳng định “Quản lý nhà nước bằng pháp luật, chứ
không phải bằng đạo lý”, “phải quan tâm xây dựng pháp luật; từng bước bổ sung
và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và
hoạt động theo pháp luật”. Trước yêu cầu, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Đảng cần phải nhận thức và giải quyết tốt mối
quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Thực tiễn chính trị trên thế giới cho thấy, mọi
sự bất ổn về chính trị của các quốc gia, dân tộc hiện nay xuất phát phát từ một
nguyên nhân quan trọng đó là việc giải quyết chưa đúng mối quan hệ giữa Đảng
cầm quyền và Nhà nước. Tuy nhiên, cho tới nay, xét về mối quan hệ giữa Đảng
với Nhà nước nói riêng và các bộ phận trong hệ thống chính trị ở nước ta nhìn chung
mới dừng lại ở nguyên tắc cơ bản cả về phía Đảng và Nhà nước. Về phía Đảng, các
nguyên tắc chung chưa được cụ thể hóa thành các quy tắc, quy định cụ thể trong
Đảng, trong Điều lệ Đảng để tổ chức thực hiện. Về phía Nhà nước, cơ chế Đảng
lãnh đạo Nhà nước cũng chưa được cụ thể hóa một cách đầy đủ thành các đạo luật,
các văn bản dưới luật, Chính vì vậy, trong thực tiễn, hàng loạt vấn đề đặt ra
cần được giải quyết như: Đảng lãnh đạo công tác cán bộ đối với Nhà nước như thế
nào? Phạm vi lãnh đạo đến đâu để không trái với nguyên tắc thể chế Nhà nước và
quyền dân chủ của nhân dân? Đảng lãnh đạo nhà nước thì trách nhiệm của Đảng
trước hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước như thế nào? Trên thực tế, tình
trạng Đảng bao biện làm thay, lấn sân và can thiệp sâu vào các công việc quản
lý của Nhà nước, hoặc buông lỏng sự lãnh đạo diễn ra khá phổ biến, chậm được
khắc phục, tình trạng đó càng xuống dưới thể hiện càng rõ hơn. Từ đó, làm suy
yếu năng lực lãnh đạo của Đảng, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước,
đặc biệt là tính pháp quyền của Nhà nước. Để xây dựng và hoàn thiện nhà nước
pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi điều quan trọng là phải nâng
cao nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước để không rơi
vào tình trạng Đảng lạm quyền, lấn át Nhà nước, trái lại phải phát huy vai trò
quản lý của Nhà nước. Song cũng không hạ thấp, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Để thực hiện
được yêu cầu trên, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt những nội dung
sau: Thứ nhất,
cần phải minh định và tiến tới luật hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Trong
điều kiện trở thành Đảng cầm quyền, Nhà nước trở thành công cụ quan trọng nhất
để Đảng thực hiện quyền lãnh đạo đối với xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng nhà
nước làm công cụ lãnh đạo của Đảng đặt ra vấn đề lý luận trong mối quan hệ giữa
Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý. Trong quan hệ đó phải xác định: Đảng cầm
quyền như không thể đồng nhất Đảng với chính quyền, Đảng không thể tự biến mình
thành nhà nước, mà phải thông qua bộ máy nhà nước, thông qua những cán bộ của
mình đã được nhân dân ủy quyền để thực hiện sự lãnh đạo. Đảng không trực tiếp
thực hiện quyền lực nhà nước mà chỉ lãnh đạo việc thực hiện quyền lực ấy thông
qua bộ máy nhà nước. Đây là sự khác biệt căn bản nhất giữa Đảng cầm quyền trong
nhà nước pháp quyền so với đảng cầm quyền dưới chế độ đảng trị cần nhận thức
đầy đủ. Một lẽ tất yếu khách quan, trong
điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, quyền lực của Đảng phải được quy định
bởi pháp luật. Do vậy, đã đến lúc cần nghiên cứu và xây dựng luật về sự lãnh
đạo của Đảng. Đạo luật này phải xác định rõ ranh giới pháp lý giữa chức năng
lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của Nhà nước, cũng như trách nhiệm,
thẩm quyền của từng chủ thể. Một nguyên tắc cần phải tính đến khi xây dựng bộ
luật là khi giao quyền lực cho chủ thể nào thì phải gắn cho chủ thể đó một
trách nhiệm tương ứng với quyền lực được giao. Quyền lực càng cao, trách nhiệm
phải càng lớn. Đồng thời phải bảo đảm yếu tố kiểm soát quyền lực một cách hiệu
quả, tránh tình trạng lạm quyền do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Phải bảo
đảm cơ chế kiểm soát từ phía nhân dân đối với hoạt động của Đảng và đảng viên. Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh
đạo của Đảng đối với Nhà nước theo hướng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng,
bảo đảm tính thực quyền của nhà nước trong quản lý xã hội. Bên cạnh những tiến
bộ đáng kể đã đạt được hơn 30 năm đổi mới, phương thức lãnh đạo của Đảng đối
với nhà nước còn những yếu kém, tình trạng đảng can thiệp quá sâu vào công việc
Nhà nước chưa được hạn chế đúng mức. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên là đòi hỏi cấp bách
trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta. Đổi mới phương thức
lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải chú ý; mục tiêu cao nhất của đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là nâng cao năng lực lãnh đạo
của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước phải đồng thời với phát huy tính thực quyền, chủ động và sáng
tạo của Nhà nước, của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối phát
triển đất nước do đảng đưa ra; đổi mới phải tiến hành đồng bộ với việc đổi mới,
sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng;
phải bảo đảm Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng phương pháp dân chủ. Thứ ba, Đảng phải lãnh đạo và cầm
quyền trên cơ sở pháp luật. Một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền là
pháp luật ngự trị tối cao trong đời sống xã hội. Pháp luật của Nhà nước không
chỉ là công cụ quản lý của nhà nước, mà còn
là phương tiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đối với xã hội và
kiểm soát quyền lực nhà nước. Dưới sự ngự trị của pháp luật, không một cá nhân
nào, dù là người đứng đầu quốc gia hay dân thường; không một tổ chức nào dù là
đảng cầm quyền hay nhà nước được đứng trên pháp luật, vượt ra ngoài phạm vi
điều chỉnh của pháp luật. Đối với một đảng cầm quyền, pháp luật là phương thức
tốt nhất để Đảng đưa chủ trương, đường lối của mình vào đời sống thực tiễn và
đảm bảo vai trò lãnh đạo. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng là
lực lượng lãnh đạo, nhưng lại là một bộ phận trong hệ thống chính trị. Do vậy, mọi
tổ chức và hoạt động của Đảng phải tuân thủ, thậm trí phải gương mẫu đi đầu
trong việc chấp hành pháp luật. Chúng ta hướng đến các giá trị pháp quyền và để
bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền
thì Đảng phải lãnh đạo và cầm quyền theo pháp luật.
Như vậy, vấn đề đặt ra ở nước ta
hiện nay là Đảng CSVN lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền có gì mâu thuẫn
không? Sự lãnh đạo của Đảng thế nào để vừa thực hiện được các mục tiêu chính
trị của Đảng, vừa xây dựng được Nhà nước pháp quyền XNCN. Điều đó phụ thuộc
trước hết vào việc nhận thức và giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Đảng với
Nhà nước. Tuy nhiên, giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước luôn là một vấn
đề phức tạp nhất, tế nhị nhất và có tính then chốt đòi hỏi phải thực sự thận
trọng và có quyết tâm chính trị cao trong nhận thức cũng như trong thực tiễn./. |