banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Nghiên cứu trao đổi

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Ths. Nguyễn Thị Nga – Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tóm tắt:

Công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và cũng là một trong những nhiệm vụ lớn của người giảng viên trường chính trị. Mỗi giảng viên cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tiếp thu, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng đất nước hiện đại, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, trước những sự kiện chính trị xã hội trọng đại của đất nước và địa phương đang diễn ra và sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, Telegram… đã đặt ra những yêu cầu mới về công tác tuyên truyền, vận động nói chung và đối với hoạt động tuyên truyền, vận động của giảng viên trường chính trị nói riêng. Bài viết đề cập những cách thức giúp tăng cường hiệu quả công tác này trong kỷ nguyên mới.

Từ khóa: tuyên truyền, vận động, giảng viên, kỷ nguyên mới.

Tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng để truyền bá, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy tính sáng tạo, động viên quần chúng Nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, là vũ khí sắc bén trong việc cung cấp và định hướng thông tin trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình trong nước và quốc tế, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Trong kỷ nguyên mới công tác tuyên truyền, vận động có nhiều điểm đáng lưu ý là:

Kênh thông tin chính thống, chủ yếu vẫn là báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó truyền thông số, internet và mạng xã hội đang ngày càng chiếm ưu thế, trở thành một phương tiện phổ biến trong công tác tuyên truyền tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo quần chúng Nhân dân. Các cơ quan, tổ chức hiện nay thường sử dụng trang fanpage để chuyển tải những thông tin chính thức về tình hình các mặt của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng thời, trở thành kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin từ người dân, qua đó nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Các lãnh đạo và các thành viên của các cơ quan, tổ chức cũng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram) như một kênh thông tin để trao đổi, trả lời những vấn đề còn chưa rõ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.

Đối tượng tiếp nhận thông tin tuyên truyền, vận động là người dân có trình độ ngày càng cao, họ cũng sử dụng nhiều kênh, nhiều hình thức (các trang fanpage của các cơ quan, tổ chức; mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram) và các phương tiện hiện đại (máy điện thoại thông minh, máy tính các loại) để tiếp cận và phản hồi thông tin. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức thì ngoài việc tiếp nhận các thông tin tuyên truyền, vận động từ các kênh bên trên thì còn một kênh quan trọng khác là từ các giảng viên trường chính trị khi họ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở đây.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến tốc độ lan truyền  “tin giả”, tin có nội dung “xấu, độc” một cách nhanh chóng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội và uy tín của Đảng và Nhà nước; Thông tin trên mạng xã hội khó kiểm soát; khả năng lộ bí mật cao và dễ phát tán thông tin nhạy cảm; Xuất hiện nhiều tài khoản ảo, nặc danh, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý; Dễ bị lôi kéo bởi tâm lý “đám đông”, chẳng hạn: “người có sức ảnh hưởng” trong xã hội, nếu có “tư tưởng sai lệch” cũng có thể “dẫn dắt dư luận”, tạo ra hiệu ứng “phản đối các chính sách” dù chưa hiểu rõ đúng - sai. Điều này có thể làm việc tiếp nhận thông tin chính thống, có giá trị của người dân gặp khó khăn, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức hoang mang, dao động; làm cho công tác tuyên truyền, vận động cũng bị ảnh hưởng ….

Trong bối cảnh như vậy những người làm công tác tuyên truyền, vận động cần phải làm tốt các nội dung:

Thứ nhất, phải xác định rõ mục đích tuyên truyền, vận động

Mục đích của công tác tuyên truyền, vận động là cảm hóa, thuyết phục đối tượng, biến những kiến thức, giá trị tinh thần thành nhận thức, niềm tin, thúc đẩy đối tượng hành động theo những định hướng và nhằm mục tiêu nhất định. Định hướng tư tưởng chính trị là một việc làm thường xuyên của công tác tuyên truyền, đặc biệt trước bước ngoặt của cách mạng, trước những biến động phức tạp của đời sống chính trị quốc tế và trong nước, nếu không kịp thời định hướng sẽ gây hoang mang, dao động trong xã hội. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhằm biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học thành niềm tin, thành hành động cụ thể, xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, làm cho cuộc sống mỗi người ngày càng tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Chẳng hạn, trong giai đoạn hiện nay mục đích tuyên truyền, vận động là để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; để người dân ủng hộ, cán bộ, công chức đồng tình chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng, phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trịĐề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã;  tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về mục tiêu, yêu cầu của kỷ nguyên mới, trong đó nhân dân là trung tâm, là chủ thể gắn với cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; phải khơi dậy ý chí khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân để nhân dân thấy rõ mục tiêu của mỗi người dân khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới cũng chính vì lợi ích của toàn dân, lợi ích của từng cá nhân, của mỗi gia đình, của cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc và là trách nhiệm của mỗi người dân - chủ thể của đất nước trong kỷ nguyên mới. Các giảng viên trường chính trị trong quá trình giảng dạy cần xác định đúng đắn mục đích trên và lồng ghép vào bài giảng, trao đổi với học viên, là đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu của mình để họ hiểu rõ ý nghĩa các chủ trương của Đảng, Nhà nước từ đó chủ động triển khai các chủ trương và yên tâm công tác.

Thứ hai, phải nghiên cứu kỹ đối tượng tuyên truyền.

Người đi tuyên truyền, vận động phải nắm vững tâm lý của đối tượng được tuyên truyền. Tức là, người tuyên truyền phải xác định rõ đối tượng mình muốn truyên truyền, vận động là ai, họ có nhu cầu gì, tâm tư, nguyện vọng của họ như thế nào, đời sống vật chất, tinh thần của họ hiện tại ra sao….Trên cơ sở đó, người tuyên truyền hoạch định cụ thể nội dung, lựa chọn thời gian, địa điểm và cách thức, phương tiện tuyên truyền như thế nào cho phù hợp với nhận thức, điều kiện của họ. Khi bàn đến vấn đề này, Hồ Chí Minh đã từng dạy những người đi tuyên truyền, giáo dục: “Người đi tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem?. Nói cho ai nghe?. Nếu không vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem. Người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định sẽ thất bại. Chẳng những các người phụ trách, tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là những người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với quần chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy ai cũng phải học nói, nhất là học nói cho quần chúng hiểu”(1). Đối tượng tuyên truyền, vận động trước tiên của giảng viên trường chính trị là các cán bộ, công chức - những người sẽ lĩnh hội chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để từ đó triển khai thực hiện và tiếp tục tuyên truyền đến người dân; trong giai đoạn hiện nay khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống trị  họ còn là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp nhất. Vì vậy khi tuyên truyền, vận động giảng viên phải hết sức khéo léo, linh hoạt vừa cập nhật chủ trương mới, va nắm bắt tâm tư, vừa động viên tinh thần để đội ngũ cán bộ, công chức ủng hộ và yên tâm triển khai nhiệm vụ.

Thứ ba, người tuyên truyền, vận động phải lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp và cách thức tuyên truyền, tác động đến đối tượng phải thật hay và hấp dẫn, dễ tiếp nhận.

 Nội dung bài nói, bài viết, sản phẩm dùng để tuyên truyền, vận động muốn hay, có chất lượng, có ý nghĩa cần phải đảm bảo các tiêu chí: Đúng đắn về quan điểm và thông tin mới mẻ, phong phú, hấp dẫn, có ý nghĩa tích cực, tiến bộ, nhân văn và đặc biệt phải thiết thực, bổ ích đối với đối tượng, giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi, hướng đến cái chân, thiện, mỹ. Nội dung dù phong phú, sâu sắc đến mấy, nhưng người nghe không thể hiểu, không thể nhớ, không thể áp dụng được, không thiết thực và bổ ích, không tạo được dấu ấn thì không thể nói nội dung tuyên truyền đó là hay và có chất lượng được.

Chất lượng tuyên truyền, vận động không chỉ phụ thuộc vào nội dung tuyên truyền mà còn phụ thuộc vào hình thức tuyên truyền, vận động. Cùng một nội dung nhưng được chuyển tải bằng những hình thức, phương pháp tuyên truyền khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau với những đối tượng khác nhau. Vì vậy, cùng với nội dung hay thì hình thức và phương pháp thể hiện phù hợp cũng được coi là một tiêu chí để xem xét chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động. Như trên đã đề cập, hiện nay việc tuyên truyền, vận động được thực hiện qua nhiều kênh, nhiều hình thức và tổ chức khác nhau: Trong sinh hoạt các đoàn thể chính trị – xã hội, các nhóm dân cư, qua các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, phát thanh, truyền hình…), qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, qua các thể loại văn học, nghệ thuật, bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, qua tuyên truyền miệng… Kinh nghiệm cho thấy mỗi hình thức, thể loại đều có những thế mạnh và những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào, thể loại nào thì tuyên truyền, vận động muốn đạt hiệu quả cao đều phải có phương pháp tốt, nghĩa là phương pháp phải phù hợp với nội dung và đối tượng. Ngôn ngữ thường dùng trong tuyên truyền, vận động dù nói hay viết, đều phải đảm bảo yêu cầu: Ngắn gọn, giản dị, rõ ràng, sinh động và hấp dẫn, phù hợp với quảng đại quần chúng nhân dân, để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực của việc thực hiện những yêu cầu này trong cách nói và cách viết của mình. Người dạy rằng: “Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế, phải làm sao cho dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm”(2). Để đạt được điều đó theo Hồ Chí Minh, trong tuyên truyền phải “nói thiết thực, nói đúng lúc. Khi trình độ dân trí đồng bào ta còn thấp, Hồ Chí Minh thường hay dùng phương pháp so sánh và đưa ra những ví dụ đơn giản, gần gũi với đời thường khi diễn đạt những vấn đề lý luận, chính trị trừu tượng, khô khan. Hồ Chí Minh còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động phải biết cách nói của quần chúng “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết”(3).

Đối với giảng viên trường chính trị khi tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cán bộ, công chức cần chuẩn bị nội dung bài giảng chu đáo, trong đó cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách mới; phải sử dụng thuần thục các phương tiện giảng dạy hiện đại (máy tính, máy chiếu …) để đưa nội dung tuyên truyền, vận động đến đội ngũ cán bộ, công chức hấp dẫn, lôi cuốn nhất; sử dụng các mạng xã hội để vừa thu thập thông tin vừa thực hiện tuyên truyền, vận động qua đó tuy nhiên trong quá trình sử dụng phải lưu ý đến mặt hạn chế, tiêu cực của các các mạng xã hội để tránh việc tiếp nhận và truyền đưa các thông tin xấu độc.

Trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống trị, trước thềm đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, trước nhiều biến cố khó lường về tình hình chính trị – xã hội trên trường quốc tế, cùng với việc các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách chống lại CNXH, để Đảng ta và nhân dân kiên định với con đường đã chọn, quyết tâm đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh trong xu thế hội nhập cần phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Công việc này phụ thuộc rất nhiều vào những người làm công tác tuyên truyền, vận động vì vậy họ cần làm tốt các nội dung nêu trên để góp phần làm tăng hiệu quả công tác này. Giảng viên trường chính trị với vai trò là người tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, công chức còn cần phải làm tốt hơn nữa để việc tuyên truyền, vận động đạt được kết quả cao hơn./.

 

 

 

 

 

 

 

(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t5, Nxb CTQG, H, 1996, tr300-301

(2),(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t11, Nxb CTQG, H, 1996, tr128

(Nguồn: )

Thông tin khác

NÂNG CAO VĂN HOÁ ĐỌC CHO HỌC VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH – NỀN TẢNG TRI THỨC VỮNG VÀNG CHO SỰ NGHIỆP CỐNG HIẾN
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CẤP TỈNH HIỆN NAY
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO, KIỂU MẪU Ở TỈNH NAM ĐỊNH
KINH NGHIỆM THỰC HÀNH DÂN CHỦ TRONG QUÁ TRÌNH CÁCH MẠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH QUA NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
XÂY DỰNG PHONG CÁCH GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY
MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC Ở MÔN KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ CỦA HÌNH THỨC THI VIẾT VÀ NHỮNG LƯU Ý ĐỂ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
TÌM HIỂU VỀ QUY CHẾ BẦU CỬ TRONG ĐẢNG HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH NHIỆM KỲ 2025 – 2030
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT – CẦN TRÁCH NHIỆM VÀ SỰ SÁNG TẠO CỦA MỖI GIẢNG VIÊN
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X NHIỆM KỲ 2024-2029
TÍNH KHOA HỌC VỀ NỘI DUNG KIẾN THỨC VÀ THỜI GIAN GIẢNG DẠY PHẦN TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
KHƠI DẬY NGUỒN LỰC VĂN HÓA TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ NGƯỜI DÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com