Lê Thị
Như Hoa
Trưởng Phòng đào tạo
Do yêu cầu của sự nghiệp đào tạo
trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đổi mới một cách căn bản về nội dung và phương
pháp dạy học các môn khoa học Mác-Lênin, cũng như các môn khoa học khác đã
thành một nhiệm vụ bức thiết nhằm khắc phục sự chậm trễ và lạc hậu của khoa học
xã hội nói chung và các môn khoa học Mác-Lênin nói riêng.
Nếu những kiến thức chứa đựng trong
một bài giảng được xem là nội dung bài giảng, thì việc chọn lựa các kiến thức
để kết cấu thành nội dung sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm, làm bật lên chủ
đề, đồng thời sao cho tương xứng với trình độ nhận thức của từng đối tượng dạy
được xem là phương pháp - phương pháp chuẩn bị bài giảng.
Với mong muốn góp phần nâng cao chất
lượng giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng
sản Việt Nam, tôi xin mạnh dạn trao đổi cùng các đồng nghiệp một số suy nghĩ
của bản thân về “Phương pháp chuẩn bị bài giảng
Lịch sử Đảng” với mong muốn đưa ra những suy nghĩ và kinh nghiệm của
mình trong việc chuẩn bị bài giảng.
1, Công tác
tư liệu:
Trước khi đi vào soạn giáo án, công việc cần thiết đầu
tiên là công tác tư liệu. Đây là việc phải làm với bất cứ môn học nào. Người
giảng viên phải tập hợp những tư liệu, tài liệu phục vụ cho bài giảng. Đối với
môn Lịch sử Đảng, ngoài giáo trình chính thống, giảng viên còn phải tìm các văn
kiện, nghị quyết của Đảng và địa phương; những bài phát biểu của các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước; những kết luận, nghiên cứu mới nhất về khoa học Lịch sử
Đảng... Nói chung, đó là những tài liệu bằng văn bản. Ngoài tài liệu văn bản,
còn có tài liệu bằng hiện vật như: ảnh, băng hình, phim, các hiện vật lịch sử,
bản đồ, sơ đồ... Việc chuẩn bị và đưa được những tài liệu bằng hiện vật vào bài
giảng Lịch sử Đảng sẽ khắc phục được tình trạng “học chay” hiện nay, giúp người
học tiếp thu kiến thức lịch sử Đảng bằng nhận thức trực quan, khắc phục sự khô
cứng của môn học, làm cho giờ giảng trở nên sinh động. Tuy nhiên việc làm này
chưa được các giảng viên quan tâm áp dụng.
2, Giảng
viên cần nhận thức rõ sự giống và khác nhau giữa giáo trình và giáo án.
Chúng giống nhau về nguyên tắc soạn thảo phải đảm bảo
tính chính xác; về nội dung khoa học, nội dung tư tưởng của từng vấn đề được
viết ra.
Nhưng chúng khác nhau ở những nét chủ yếu sau:
Về nội dung, giáo trình bao gồm khối lượng kiến thức
đầy đủ cho đối tượng chiếm số đông trong cả nước; còn giáo án cần gia giảm
những kiến thức cần thiết cho phù hợp với trình độ và nhu cầu, đảm bảo tính lôgic,
mang tính thiết thực cao hơn cho người học ở mỗi địa phương, mỗi ngành.
Về hình thức trình bày: giáo trình có thể ngắn gọn,
còn giáo án phải thật chi tiết, phong phú hơn. Giáo án Lịch sử Đảng có thể còn
ghi chú cả các hình thức minh hoạ bằng giáo cụ trực quan (nếu có).
Về tư liệu, số liệu ở giáo trình có khi lạc hậu và
không sát với địa phương, còn giáo án phải đưa những tư liệu mới nhất, cập nhật
kiến thức với bài giảng, sát hợp với tình hình địa phương, đơn vị.
Như vậy: giáo trình là cơ sở rất quan trọng cho việc
soạn giáo án, nó cung cấp những nội dung cơ bản cho bài giảng, nó như bộ khung,
như cái sườn chính thống. Để có bài giảng tốt, người giảng viên phải “đắp xương,
đắp thịt” vào cái sườn đó bằng cách gia giảm về nội dung cho phù hợp với đối
tượng.
3, Cần nắm
vững đối tượng của khoa học Lịch sử Đảng
Có nắm vững
đối tượng mới xác định đúng nội dung cũng như trọng tâm, trọng điểm, không sai
lệch về nội dung bài giảng và không “lấn sân” sang lịch sử dân tộc. Thực tế này
không phải là không gặp phải. Bởi việc phân định ranh giới giữa môn Lịch sử
Đảng và Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại không dễ dàng, đơn giản nhưng lại ít được
chú ý. Nói là không dễ dàng là bởi vì,
Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc là hai môn lịch sử cùng nghiên cứu một giai
đoạn lịch sử do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lịch sử đấu tranh của Đảng
quyện chặt với lịch sử đấu tranh của dân tộc. Không có sự kiện lịch sử quan
trọng nào trong giai đoạn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và giữ vai trò
tổ chức, lãnh đạo cách mạng mà Lịch sử Đảng và Lịch sử dân tộc bỏ quan không
nghiên cứu đến. Vì vậy, để không bị lẫn lộn về nội dung giữa hai môn phải nắm
vững đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu của từng môn.
4, Về nội
dung kiến thức bài giảng
Từ việc xác định mục đích, yêu cầu của bài giảng để
xác định trọng tâm của bài. Từ đó tập trung vào làm nổi bật những nội dung quan
trọng của bài, không nên dàn trải kiến thức. Điều này xuất phát từ đối tuợng
giảng dạy. Chúng ta đều biết rằng học viên ở các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính phần lớn là những người
lớn tuổi, đã được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên
nghiệp, có trình độ văn hóa, có kiến thức lịch sử. Nếu bất cứ phần nào, mục nào
của bài giảng cũng dập khuôn như giáo trình, học viên sẽ cho rằng “giảng như
phổ thông”. Dẫn đến một hiện tượng là: bất cứ một sự kiện lịch sử nào khi được
hỏi đều trả lời theo một trình tự: nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa lịch sử, bài
học rút ra một cách máy móc, mà không hiểu được bản chất của vấn đề. Khắc phục
tình trạng trên, giảng viên có thể nghiên cứu sâu và tập trung trình bày những
nội dung cơ bản, cốt lõi nhất của bài; còn những phần khác chỉ gợi ý để người
học đọc giáo trình và tự nghiên cứu.
Lựa chọn những sự kiện lịch sử chính xác, điển hình đưa
vào bài giảng. Không có sự kiện bất thành lịch sử. Vì vậy, trong bài giảng Lịch
sử Đảng phải tái hiện chân thực những sự kiện như nó đã diễn ra trong thực tiễn
lịch sử. Việc đưa những sự kiện lịch sử vào bài giảng không chỉ làm cho bài
giảng thêm sinh động, hấp dẫn mà còn có ý nghĩa làm sâu sắc thêm nội dung.
Ví dụ: Khi phân tích bối cảnh lịch sử nước ta sau Cách
mạng tháng Tám 1945 như “ngàn cân treo sợi tóc”, giảng viên cần trình bày tương
đối chi tiết một số sự kiện lịch sử điển
hình như vụ Chèm, vụ Ôn Như Hầu để người học dễ hình dung.
Đưa những quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng, những
kết quả nghiên cứu mới làm phong phú, sâu sắc thêm nội dung bài giảng.
Đưa vào bài giảng những quan điểm, tư tưởng mới, những
tổng kết mới tránh lạc hậu về lý luận, hơn nữa tạo sự thống nhất về tư tưởng
chính trị trong toàn Đảng là một yêu cầu không thể coi nhẹ trong giảng dạy Lịch
sử Đảng. Để làm được điều đó, người giảng viên phải có ý thức thường xuyên nâng
cao trình độ, nắm bắt được những quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng, những
tổng kết mới nhất của các nhà nghiên cứu để đưa vào bài giảng.
Trên đây là những suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân
về phương pháp chuẩn bị bài giảng Lịch sử Đảng xin được trao đổi, chia sẻ với các
đồng nghiệp để cùng nhau tìm ra những cách làm hay, có hiệu quả, góp phần nâng
cao chất lượng giảng dạy./. |