Nguyễn Thị Huyền Trang
Giảng viên khoa
LL Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch
Hồ Chí Minh luôn dành sự ưu ái đặc
biệt cho thế hệ trẻ, với
tầm nhìn chiến lược và tình thương yêu trìu mến Người đánh giá rất cao vai trò
của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Người nhấn mạnh: “Thanh
niên là rường cột của đất nước, là tương lai của dân tộc và hạnh phúc của mỗi
gia đình”. Chính bởi vậy, trong suốt cuộc đời mình Bác luôn quan tâm tới vấn đề giáo
dục, đào tạo toàn diện cho các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta đã
thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng đào tạo, phát triển toàn diện cho thế
hệ trẻ cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe và nghề
nghiệp, đồng thời tạo mọi điều kiện để thanh niên có việc làm, phát huy hết khả
năng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Tuy nhiên, đất nước đang bước
vào thời kỳ đổi mới, đứng trước những yêu cầu và thách thức mới, việc giáo dục
toàn diện cho thanh niên cần phải được đẩy mạnh để xây dựng được đội ngũ thanh
niên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Từ nhu cầu của thực tiễn chúng ta phải đi tìm bài học từ
trong lý luận. Việc trở lại học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo
dục toàn diện cho thanh niên để nâng cao chất lượng thanh niên là một giải pháp
rất đúng đắn bởi lẽ những tư tưởng của Bác là sự tổng kết về mặt lý luận và
kiểm chứng thực tiễn về hoạt động giáo dục cả trong và ngoài nước.
Theo tư tưởng
Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục toàn diện cho thanh niên bao hàm cả “đức”
và “tài” và cụ thể là sự hội tụ cả bốn phẩm chất đức, trí, thể, mỹ. Trong thời
đại ngày nay, những tiêu chí đó vẫn còn giữ nguyên giá trị, tuy nhiên, chúng ta
cũng có sự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới nhưng không làm mất đi giá
trị cốt lõi trong tư tưởng của Bác.
Trước hết,
phải giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chế độ xã hội chủ
nghĩa bị sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu, chủ nghĩa đế quốc cùng các thế lực phản
động khác đang ra sức tấn công làm xói mòn niềm tin xã hội chủ nghĩa và lý
tưởng cách mạng ở thanh niên thì việc giáo dục lý tưởng và củng cố niềm tin
cách mạng của thanh niên đối với chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa sống còn. Nhưng
nhiệm vụ này chỉ được thực hiện hiệu quả được trên cơ sở đổi mới quan niệm và
phương pháp giáo dục thanh niên.
Giáo dục lý tưởng cho thanh niên phải gắn liền với
việc tổ chức, giảng dạy tốt các môn khoa học cơ bản, bao gồm những nguyên lý cơ
bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên trong các
trường học, đặc biệt phải làm cho thanh niên nhận thức được hệ thống lý luận trên
là di sản vô giá của dân tộc và nhân loại tiến bộ, là chân giá trị của thời đại
chúng ta. Đồng thời phải giáo dục cho thanh niên những nét đẹp truyền thống của
dân tộc Việt Nam
cũng như truyền thống cách mạng vẻ vang của lịch sử dân tộc.
Phải tăng
cường giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, bởi lẽ đạo đức là nền tảng quan trọng nhất của mỗi
con người. Đạo đức được thể hiện rất sinh động trong đời sống hàng ngày. Đó là
lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tôn trọng phụ nữ, có đạo nghĩa với thầy cô
giáo, hòa thuận với anh chị em, thật thà, trung thực, đó còn là sự nhận thức và
chấp hành tốt nếp sống văn minh nơi công cộng, đấu tranh chống lối sống thực
dụng, ích kỷ, coi thường đạo lý, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc…
Thanh niên Việt Nam ngày nay có vinh dự được sinh
ra và lớn lên trong thời đại Hồ Chí Minh. Đạo đức, lối sống và cuộc đời của
Người là tấm gương sáng ngời cho tất cả chúng ta noi theo. Những phẩm chất đạo
đức của Người là sự kết tinh tinh hoa truyền thống dân tộc nhưng vẫn phù hợp với
tinh thần cách mạng của thời đại. Để đối đầu với mặt trái của cơ chế thị trường
và nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, việc giáo dục cho thanh niên tinh
thần đạo đức của Hồ Chí Minh là một yêu cầu, một nội dung quan trọng hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã dạy, con người cần có cả tài và đức, “Có tài mà không có đức thì thành người vô dụng, có đức mà không có tài
thì làm việc gì cũng khó”. Do đó cần phải đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức
vào trong trường học cho thanh niên một cách thiết thực tránh tình trạng chung
chung và bệnh hình thức. Nội dung giáo dục đạo đức phải nêu bật được những phạm
trù cơ bản cũng như những đặc trưng của đạo đức xã hội chủ nghĩa như cái thiện -
cái ác, lương tâm - nghĩa vụ, cái tốt - cái xấu…. Để làm tốt điều đó thì những hành
động thực tế như sự gương mẫu của các bậc cha mẹ, thầy cô, các nhà lãnh đạo các
cấp là quan trọng nhất.
Cần thiết
phải giáo dục kiến thức văn hóa, kỹ thuật, nghề nghiệp làm hành trang cho thanh
niên bước vào đời. Thanh niên là vốn quý của đất nước và là lực lượng xã
hội to lớn để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song qua việc
phân tích thực trạng đội ngũ lao động trẻ hiện nay cho thấy còn nhiều vấn đề
phức tạp cần phải được quan tâm, giải quyết. Hồ Chí Minh đã từng nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì
vậy, chúng ta phải trú trọng việc giáo dục kiến thức văn hóa cơ bản cho thanh
niên, giúp họ có những kiến thức nền tảng quan trọng trong bước đầu lập thân,
lập nghiệp.
Giáo dục kiến thức văn hóa phải đi liền với đào tạo kỹ
thuật, nghề nghiệp và đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp cho thanh niên. Theo Trung
tâm Thông tin nghiên cứu lý luận của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lực
lượng công nhân kỹ thuật trẻ có trên 1,7 triệu người, nhưng chỉ có 70 vạn người
được đào tạo qua trường lớp (chiếm 40%). Do đó, phải đẩy mạnh đào tạo, bồi
dưỡng kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh niên thông qua các trường đại
học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề… Tuy nhiên, việc dạy nghề phải gắn liền
với khả năng giải quyết việc làm để tránh khỏi tình trạng ngành thừa vẫn thừa,
ngành thiếu vẫn thiếu.
Giáo dục sức
khỏe và thể chất, yêu cầu không thể thiếu trong giáo dục toàn diện cho thanh
niên. Bác Hồ đã dạy: “dân cường thì nước thịnh”, muốn làm được mọi sự thì trước hết phải
có sức khỏe, sức khỏe là cơ sở duy trì và phát triển trí tuệ một cách bình
thường. Đối với thanh niên - nguồn nhân lực chủ đạo của đất nước thì bên cạnh
đòi hỏi về mặt tri thức, họ cần phải có một thể chất tốt để có thể gánh vác sự
nghiệp xây dựng nước nhà giàu mạnh. Chăm lo phát triển phong trào thể dục thể
thao trong nhà trường và ngoài xã hội cho thanh niên là trách nhiệm của nhà
trường, của ngành giáo dục và của toàn xã hội hiện nay.
Những tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về
giáo dục toàn diện cho thanh niên đã, đang và sẽ mãi mãi tỏa sáng trong suốt
hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trước bối cảnh thời đại và
quốc tế ngày nay, những tư tưởng đó lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Thấm
nhuần và quán triệt sâu sắc những lời dạy đó sẽ giúp thanh niên chúng ta có thêm
niềm tin và sức mạnh để xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh. Đây cũng chính là biểu hiện sinh động của phong trào toàn
dân “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” mà trong đó
có thanh niên là lực lượng đi đầu./. |