ThS. Vũ Ngọc Hoàng
Phó
trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh
Công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung và giảng
dạy lý luận chính trị - hành chính ở trường Chính trị tỉnh nói riêng đang đặt
ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải có những giải pháp thỏa đáng nhằm nâng cao chất
lượng đào tạo cán bộ. Hiện nay, trong quá trình thực hiện mục tiêu, đào tạo,
hoạt động giảng dạy ở nhà trường chưa coi trọng vai trò tự chủ, năng động, sáng
tạo của người học, còn mang nặng quan niệm cũ, phương pháp truyền thống, phương
pháp này không kích thích được người học. Để hỗ trợ cho phương pháp thuyết
trình vốn được coi là phương pháp truyền thống và cổ điển, đã có nhiều phương
pháp mới được thử nghiệm và áp dụng có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, đối với các trường đại học, cao
đẳng… có sự đồng đều về đối tượng đào tạo, có sự thống nhất về nội dung chương
trình. Đối với các trường Chính trị tỉnh, phải đồng thời thực hiện nhiều loại
hình đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung chương trình khác nhau. Đối tượng
đào tạo của trường Chính trị tỉnh là những cán bộ chủ chốt cơ sở. Họ là người
tổ chức lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà
nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội… ở cơ sở. Do đó đối
tượng đào tạo bồi dưỡng của trường Chính trị tỉnh có những nét đặc thù riêng.
Xuất phát từ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng mà chúng ta
tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp, đặc biệt đối với môn Kinh tế chính trị
Mác-Lênin là một môn khoa học xã hội, một bộ phận hợp thành chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng có vị trí, vai trò quan trọng trong mục
tiêu chiến lược về giáo dục đào tạo toàn diện của các trường nói chung và các
trường chính trị nói riêng nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính
trị và năng lực quản lý kinh tế - xã hội đảm bảo cho sự phát triển bền vững
đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế chính trị Mác-Lênin là môn khoa học nghiên cứu
bản chất các hiện tượng, các quá trình kinh tế trong một phương thức sản xuất
nhất định, phân tích các mối quan hệ bản chất bên trong của các hiện tượng và
quá trình kinh tế, nhằm tìm ra các quy luật kinh tế cơ bản để Đảng, Nhà nước
căn cứ vào và đề ra các chính sách và chương trình kinh tế - xã hội, xây dựng
xã hội tiến bộ hơn. Thành tựu đạt được trong những năm đổi mới vừa qua ở nước
ta chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo những quy luật kinh tế, nguyên lý
của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước. Vì vậy, tại Đại hội
lần thứ IX năm 2001 Đảng ta đã xác định: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng
Hồ Chí Minh nhằm nâng cao giáo dục toàn diện.
Nhận thức rõ điều này từng giảng viên giảng dạy môn Kinh
tế chính trị Mác-Lênin đã rất coi trọng việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Coi
việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin
là một yêu cầu khách quan, một nhu cầu tất yếu và không thể thiếu được của
người giảng viên để đáp ứng được yêu cầu của người học. Chính vì thế giảng viên
phải tìm ra các phương pháp mới trong đó phương pháp dạy học nêu vấn đề trong giảng dạy
kinh tế chính trị là một phương pháp phù hợp với đối tượng học viên của nhà
trường.
Có thể đưa ra
định nghĩa về phương pháp dạy học nêu vấn đề như sau: Phương pháp dạy học nêu vấn đề
là phương pháp dạy học đặt học viên trước một nhiệm vụ nhận thức thông qua những tình huống có vấn đề do
giảng viên đặt ra, học viên ý thức được vấn đề đó và kích thích ở họ tính tích cực, chủ động
tự giải quyết vấn đề một cách sáng tạo dưới sự giúp đỡ của giảng viên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học.
Nhưng để áp dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề trong dạy
học môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin trong nhà trường cần có những điều kiện cụ
thể như sau:
Thứ nhất, đối với bản thân người giảng viên giảng dạy bộ môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin. Trong
giảng dạy người giảng viên luôn phải nắm chắc, hiểu sâu sắc những tri thức kinh tế chính trị học và phải có kiến thức sâu rộng
về mọi lĩnh vực có liên quan đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, để luôn đưa ra được những vấn
đề về mặt lý luận và thực tiễn thiết thực đối với học viên. Có như vậy người giảng
viên mới có thể tiến hành một bài giảng chất lượng tốt.
Thứ hai, đối với mỗi học viên khi tham gia lớp học ngoài việc tập
trung nghe giảng trên lớp học viên về nhà phải nghiên cứu giáo trình và sưu tầm
tài liệu, tự học sáng tạo và chủ động, tìm ra những vấn đề mới về thực tiễn để
kết hợp với kiến thức lý luận đã được nghiên cứu sao cho lý luận phải gắn với
thực tiễn thì quá trình học tập mới thu được kết quả như mong muốn.
Thứ ba, về phía nhà trường, Ban Giám đốc phải
luôn quan tâm tạo điều kiện về phương tiện dạy học và có chính sách khuyến kích
giảng viên nhà trường áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, phù hợp để nâng
cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Qua việc nghiên cứu lý
luận về sử dụng phương pháp dạy học
nêu vấn đề trong dạy học kinh tế chính trị Mác-Lênin, là giảng viên
tôi thấy vai trò to lớn của phương pháp nêu vấn đề trong dạy học nói chung,
trong dạy học kinh tế chính trị Mác-Lênin nói riêng. Trong phương pháp này
người học đóng vai trò trung tâm, là chủ thể nhận thức, do đó quá trình học tập
của họ mang tính tự giác, tích cực, chủ động để chiếm lĩnh tri thức bằng hành
động của mình, qua đó góp phần hình thành tư duy, kỹ năng, kỹ xảo cho bản thân.
Trong phương pháp đó, giảng viên đóng vai trò chủ đạo, là người định hướng, dẫn
dắt, uốn nắn, là trọng tài khoa học điều khiển quá trình nhận thức của học
viên, do vậy người giảng viên có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Như vậy từ thực tiễn
quá trình nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp dạy học nêu vấn đề đối với môn kinh tế chính trị tôi thấy
đem lại hiệu quả như sau:
Một là nâng cao hiệu quả dạy học kinh tế chính trị:
Hiệu quả dạy học là
sản phẩm đạt được sau quá trình dạy học đáp ứng thực tiễn của đất nước và phù
hợp với tình hình thế giới. Hiệu quả dạy học ở các trường Chính trị tỉnh là
cung cấp cho xã hội đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, có đủ tri thức và năng
lực cũng như khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh của xã hội, là cơ sở cho sự
phát triển xã hội.
Ngày nay, dưới tác
động mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đã làm cho lượng thông
tin tăng lên gấp bội. Cùng với bùng nổ thông tin thì sự lão hoá tri thức cũng
tăng nhanh trong khi thời gian học tập của học viên ở trường Chính trị tỉnh có
hạn,... thì đào tạo học viên theo phương thức cũ sẽ không theo kịp đòi hỏi thực
tiễn năng động của nền kinh tế. Do vậy đòi hỏi hiệu quả dạy học mới không chỉ
dừng lại ở cung cấp tri thức mà quan trọng là phát triển khả năng tư duy, hình
thành những kỹ năng và kỹ xảo cần thiết để học viên làm chủ tri thức, tạo ra
tri thức mới và rèn luyện bản lĩnh của tư duy. Phương pháp nêu vấn đề với đặc
điểm là phát triển tiềm lực sáng tạo, hình thành cấu trúc của hoạt động sáng
tạo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của dạy học hiện nay.
Hai là tích cực hoá hoạt động dạy của giảng viên.
Dạy học nêu vấn đề đặt
ra yêu cầu cao đối với giảng viên không chỉ về trình độ văn hoá, trình độ trí
tuệ mà cả yếu tố đạo đức trong dạy học. Dạy học nêu vấn đề luôn trong bầu không
khí sáng tạo do đó chỉ cần một biểu hiện nhỏ trong việc không tôn trọng ý kiến
của học viên dù ý kiến đó sai
lầm thì dạy học nêu vấn đề sẽ thất bại. Tranh
luận là đặc điểm vốn có của dạy học nêu vấn đề. Ở đó giảng viên không những
chuẩn bị cho việc bác bỏ ý kiến sai mà còn phải tạo ra không khí thuận lợi cho
học viên phát biểu ý kiến phản đối.
Dạy học nêu vấn đề đặt
ra một loạt yêu cầu mới với trình độ nghiệp vụ về mặt tri thức của giảng viên
mà còn đòi hỏi ở kỹ năng sư phạm. Giảng viên chẳng những nắm vững tri thức
trong giáo trình mà còn am hiểu tường tận phương pháp luận nhận thức khoa học
nói chung và đặc thù của bộ môn kinh tế chính trị nói riêng. Trong khi theo dõi lôgíc triển khai
lời giải của học viên, giảng viên phải biết cách xây dựng. Những tình huống
xung đột để đưa học viên vào con đường tìm tòi đúng đắn. Trong dạy học nêu vấn
đề không chỉ cách học mang tính sáng tạo mà cách dạy cũng phải mang tính sáng
tạo, giảng viên luôn đóng vai trò là người tìm tòi chứ không chỉ đóng vai trò
của người trọng tài khoa học. Theo tôi, hoạt động tích cực của giảng viên trong
dạy học nêu vấn đề bao gồm:
+ Tích cực trong truyền thụ tri thức.
+ Tích cực vận dụng tri thức với thực tiễn kinh tế - xã
hội.
+ Tích cực rèn luyện kỹ năng sư phạm.
+ Thành thạo các phương pháp dạy học tích cực.
Ba là tích cực hoá hoạt động học của học viên.
Trong dạy học nêu vấn
đề học viên là chủ thể của nhận
thức, tự mình chiếm lĩnh tri thức, học
viên phải làm việc nhiều hơn phát huy mọi khả năng và năng lực để trong
một thời gian ngắn chiếm lĩnh được lượng tri thức nhiều nhất. Để làm được điều
đó thì hoạt động học của học viên không
chỉ diễn ra trên lớp mà còn hình thành được năng lực tự học, tự nghiên cứu ở
mọi không gian và thời gian. Thông qua dạy học nêu vấn đề sẽ lôi cuốn được học viên tạo ra niềm say mê và hứng
thú học tập, qua đó sẽ giúp học viên
liên hệ được tri thức với thực tiễn, xây dựng được tri thức mới, hình thành
những năng lực thành thạo đến mức tự động hoá trong việc liên hệ và vận dụng
tri thức của kinh tế chính trị. Theo tôi, tích cực hoá hoạt động học của học viên trong dạy học nêu vấn đề bao
gồm:
+ Tích cực tích luỹ tri thức .
+ Tích cực áp dụng tri thức vào thực tiễn kinh tế - xã
hội.
+ Tạo ra hứng thú và sự say mê học tập.
+ Hình thành và phát triển tư duy, kỹ năng, kỹ xảo.
Như vậy, vận
dụng phương pháp dạy
học nêu vấn đề vào dạy học môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin có ý nghĩa quan trọng vì nó đóng góp to lớn trong việc nâng
cao chất lượng học tập của môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin cũng như chất lượng đào tạo của nhà
trường.
Tóm lại: Đổi mới phương pháp giảng dạy là khâu
trọng tâm trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Kinh tế chính
trị Mác - Lênin và trường Chính trị tỉnh Nam Định nói chung. Để thực hiện
tốt công việc này, giảng viên cần xác định đúng đối tượng học viên của từng lớp
để lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp./. |