banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Nghiên cứu trao đổi

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH TỈNH NAM ĐỊNH THEO HƯỚNG TÍCH CỰC

Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng viên và học viên, trong đó, giảng viên giữ vai trò chủ đạo, học viên giữ vai trò trung tâm...

                                         ThS. Đinh Thị Oanh

                                                     Giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật

 

Giảng dạy lý luận chính trị là một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm trang bị cho học viên tri thức lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng một cách cơ bản, có hệ thống, giúp cho học viên xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học, nâng cao trình độ tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ chính trị chủ yếu của các trường Chính trị là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định 184 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy luôn là yêu cầu và nhiệm vụ của người giảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay, đổi mới phương pháp giảng dạy có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng của cả người dạy và người học. Là một giảng viên giảng dạy trong khoa Nhà nước - Pháp luật tôi xin trao đổi một số suy nghĩ về đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị - hành chính tại trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định như sau:

Nói đến đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực là nhằm khắc phục những hạn chế trong giảng dạy. Lâu nay, việc giảng dạy lý luận của chúng ta hầu như lên lớp nặng về thầy nói, trò ghi, chưa thực sự gây hứng thú và phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng viên và học viên, trong đó, giảng viên giữ vai trò chủ đạo, học viên giữ vai trò trung tâm.

Lâu nay công tác giảng dạy lý luận chính trị - hành chính ở trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định thường tập trung chủ yếu ở các phương pháp truyền thống như:

- Phương pháp giảng giải: Đây là phương pháp diễn dịch đi từ cái chung đến cái riêng cụ thể. Thực hiện phương pháp này giảng viên cần nêu các định đề đã được kết luận, giải thích từng luận đề, sau đó dùng các luận cứ, luận chứng để minh họa chứng minh và giảng giải nội dung.
- Phương pháp quy nạp: Đây là phương pháp đi từ những điểm cụ thể, cung cấp các tài liệu, tư liệu, số liệu với vai trò là các luận cứ, luận chứng để dần dần chứng minh từng luận đề. Tiếp theo, các luận đề đã được chứng minh lại trở thành luận cứ để chứng minh một vấn đề chung.
Các phương pháp này nhìn chung chúng ta thấy diễn ra theo một chiều thầy giảng, học viên nghe và ghi chép, sau đó về học bài. Trong quá trình giảng rất ít có sự phản hồi thông tin ngược chiều của học viên. Sử dụng phương pháp truyền thống trong giảng dạy có nhiều ưu điểm: trong một thời gian ngắn giảng viên có thể chuyển tải được khối lượng thông tin nhiều cho học viên. Nhưng nếu chỉ sử dụng một phương pháp này trong giảng bài sẽ làm cho học viên trở thành đối tượng thụ động, không phát huy được tính chủ động sáng tạo, đôi khi gây ức chế về mặt tâm lý, học viên cảm thấy mệt mỏi và không tập trung vào nội dung của bài giảng.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị hiện nay thực chất là thay đổi hoạt động của người dạy và thay đổi hoạt động của người học. Cụ thể:
+ Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khắc phục hạn chế của phương pháp dạy truyền thống là truyền thụ một chiều mà cần kích thích, rèn luyện tư duy sáng tạo cho người học. Áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại cho người học như: phương pháp làm việc theo nhóm; phương pháp nghiên cứu tình huống,.. Đồng thời kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với việc sử dụng tối đa ưu thế của các phương tiện kỹ thuật hiện đại (như máy trình chiếu Projector) vào quá trình giảng dạy sẽ phát huy cao khả năng nhận thức của người học.
Giảm thiểu phương pháp truyền thụ một chiều, tăng cường các bài tập tình huống, thảo luận trên lớp cho học viên trên cơ sở có sự định hướng của giảng viên. Việc tự đọc, tự học, tự làm của học viên sẽ giúp cho học viên có được kiến thức và kỹ năng một cách vững chắc. Để thực hiện đổi mới theo hướng này đòi hỏi người dạy phải có quá trình chuẩn bị công phu, người học phải tự giác thực hiện.
+ Đổi mới phương pháp tự học. Học viên có thể dùng những vấn đề lý luận đã tiếp thu để thảo luận, tập phân tích, đánh giá những sự kiện, hiện tượng của đời sống chính trị, xã hội hay vận dụng vào công việc hàng ngày của chính mình. Hoặc bản thân học viên có thể đọc sách ghi chép theo cách riêng, làm bài tập, tham gia các hoạt động thực tế.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị tại trường Chính trị Trường Chinh theo hướng tích cực hiện nay còn gặp một số khó khăn vướng mắc như:
+ Đội ngũ giảng viên không đồng đều (về trình độ, về tuổi đời, về kinh nghiệm công tác).
Nói đến giảng viên trong môi trường chính trị từ xưa đến nay nhiều người vẫn quan niệm phải là những người “tóc đã điểm hoa dâm” và có bề dày kiến thức thực tiễn trong công tác. Nhưng hiện nay tổng số giảng viên của nhà trường là 37 giảng viên trong đó phần đa là giảng viên có tuổi đời còn trẻ kinh nghiệm công tác còn hạn chế, số giảng viên có kinh nghiêm công tác lâu năm đã nghỉ hưu. Điều này cũng là một trong các lý do tạo nên sự khó khăn trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà trường hiện nay.
+ Việc đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực với đối tượng người học vẫn còn có quan điểm trái ngược nhau.
Nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy hiện nay đều được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng trên thực tế học viên vẫn còn ngại chấp nhận vì đã quen với phương pháp thuyết trình “nghe, chép” thụ động, ngại phát biểu vẫn còn tồn tại trong đại đa số học viên.
+ Điều kiện phương tiện giảng dạy khi giảng viên đi giảng ở các Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại các huyện, thành phố còn thiếu và lạc hậu.
  Hiện nay việc trang bị các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy của nhà trường đã được chú trọng nhưng khi giảng viên đi giảng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị tại các huyện, thành phố thì vẫn còn thiếu, cũng có nơi thì máy móc lạc hậu và bị hỏng; điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của giảng viên.
Từ những nội dung nêu trên mà tôi thiết nghĩ việc đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực hiện nay cần tập trung vào một số vấn đề như sau:
Thứ nhất: Muốn đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hiện đại có kết quả, trước hết mỗi giảng viên phải tự mình nâng cao kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy, rút kinh nghiệm đồng thời phải bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu. Mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học, có phông kiến thức sâu rộng không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ hai: Muốn cho bài giảng được sinh động có sức thuyết phục đòi hỏi người giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn của địa phương hoặc của từng ngành cụ thể. Giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.
Thứ ba: Để góp phần thành công trong phương pháp giảng dạy tích cực, một trong những yêu cầu quan trọng là giảng viên phải biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy như: máy vi tính, soạn bài giảng PowerPoint, máy trình chiếu, chiếu video, bảng lật, bảng ghim…Khi sử dụng máy chiếu Projector đòi hỏi giảng viên phải nhận thức thấu đáo nội dung bài giảng, có khả năng khái quát cao (cô đọng kiến thức) và phải sử dụng thành thạo máy vi tính và máy chiếu. Khi sử dụng máy chiếu giảng viên sẽ linh hoạt hơn, tư duy và phong cách làm việc theo hướng hiện đại và cập nhật hơn. Học viên được tiếp cận với phương tiện kỹ thuật và nhờ đó mà tăng khả năng tiếp thu kiến thức qua nghe nhìn trực quan. Đương nhiên, sự giao tiếp giữa giảng viên và học viên cũng năng động và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng các phương tiện kỹ thuật bổ trợ, giảng viên cần tránh tình trạng lạm dụng thái quá.
Nói tóm lại, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực là trên cơ sở phương pháp truyền thống, chúng ta kế thừa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế bằng cách kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào bài giảng, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường./.
(Nguồn: Phòng Khoa học - 19/11/2014)

Thông tin khác

QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC TOÀN DIỆN CHO THANH NIÊN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ KHU DÂN CƯ
TÂM SỰ GIẢNG VIÊN TRẺ
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com