banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Nghiên cứu trao đổi

TÂM SỰ GIẢNG VIÊN TRẺ

Trong cái rét ngọt ngào của tháng 11, hướng tới ngày tri ân những nhà giáo Việt Nam, tri ân những người làm công tác giáo dục, lòng tôi lại miên man những cảm xúc không nói thành lời...

Vũ Thị Hồng Nhung

Giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật

 

Trong cái rét ngọt ngào của tháng 11, hướng tới ngày tri ân những nhà giáo Việt Nam, tri ân những người làm công tác giáo dục, lòng tôi lại miên man những cảm xúc không nói thành lời. Các cụ ta thường nói về "cái duyên với nghề" tức là đôi khi nghề nghiệp đến với ta như một mối duyên lành chứ không phải do ta tính toán từ trước, với tôi, có lẽ điều đó thật đúng.

Mối duyên đó bắt đầu từ đâu? Ngược dòng thời gian tôi về lại với thời thơ ấu, ngày đó tôi thường xem thời sự với Ông nội nhưng không hiểu chính trị là gì? Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch nước... có chức năng, nhiệm vụ gì, sao nhiều ban, ngành thế? Tôi hỏi Ông tôi nhưng dường như câu trả lời của Ông không giúp tôi thoả trí tò mò của mình. Tôi tự nhủ rằng lớn lên mình sẽ tự tìm hiểu. Thời gian trôi đi, học phổ thông, tôi được học chuyên văn, chính môi trường văn học đã vun đắp cho tôi tình yêu đất nước, yêu con người, tôi luôn nhắc nhở mình phải sống nhân văn hơn. Tôi được học lịch sử Việt Nam và luôn tự hào về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, biết ơn những người đã ngã xuống để chúng tôi cũng như thế hệ mai sau có cuộc sống hoà bình, tôi được biết đến chủ nghĩa anh hùng cánh mạng trong văn học, những áng thơ văn bất hủ của vĩ nhân thời đại trước từ Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh... Họ không chỉ là nhà chính trị đại tài mà còn là nhà văn lớn của dân tộc, dường như chất thép và chất thi sĩ hoà quyện trong con người của những nhà chính trị đã giúp họ trở thành những vĩ nhân của mọi thời đại. Từ lòng yêu nước và khao khát tìm hiểu về chính trị, về nhà nước, tôi đã trở thành sinh viên Học viện Hành chính. Nơi đây đã giúp tôi trả lời dần những câu hỏi ngày ấu thơ, tôi được học nhiều ngành luật, được học kiến thức quản lý nhà nước...

Tốt nghiệp đại học, là sinh viên mới ra trường thì từ học để biết đến học để làm là cả một quãng đường dài. Trúng tuyển vào làm giảng viên của trường Chính trị Trường Chinh là niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà của cả gia đình. Tôi được đứng trong đội ngũ nhà giáo, một trong những nghề cao quý được xã hội trân trọng. Tôi nhận ra mơ ước thực sự của mình chính là đây. Mơ ước được nghiên cứu khoa học, được tìm hiểu kho kiến thức chính trị - xã hội vô cùng rộng lớn. Là giảng viên, tôi được chia sẻ với học viên những kiến thức mình đã thu thập và tổng hợp được... để mỗi lần lên lớp tôi thấy mình trưởng thành hơn, thấy mình còn thiếu những gì, cần phải bổ sung ra sao, truyền đạt thế nào để học viên nắm bắt được vấn đề và vận dụng vào công việc thực tế.

Suy nghĩ là vậy nhưng thực hiện được không dễ, nhất là đối với giảng viên trẻ như tôi. Đặc thù của trường chính trị là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, mà cán bộ, công chức cấp xã là những người có nhiều kinh nghiệm thực tế, đặc biệt hầu hết là những người lớn tuổi, đáng tuổi anh, chị, cha, bác nên khi lên lớp tôi chưa được tự tin lúc đầu nhưng khi nhìn thấy những ánh mắt chăm chú của học viên, thấy học viên ghi chép lại những gì mình nói, tôi lại lấy lại tự tin và nhiệt huyết để giảng tốt hơn. Tôi luôn tự nhủ rằng lần sau mình sẽ phải giảng tốt hơn nữa, nói sâu hơn nữa những vấn đề học viên cần, đặc biệt là kiến thức về thực tiễn.

Nhà thơ Đức J.W.Goethe từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi”, thật đúng đối với công việc của cán bộ, công chức cấp xã. Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thì ai cũng phải thực hiện nhưng thực hiện như thế nào, chính sách, pháp luật đó có phù hợp không, có được lòng dân không, nguyện vọng của nhân dân như thế nào? Trong khi thực hiện phát sinh những vấn đề gì? Chỉ có trực tiếp thực hiện công việc như cán bộ, công chức cấp xã mới nắm bắt được. Như vậy, nhiệm vụ của người giảng viên chính trị không chỉ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giảng dạy kỹ năng lãnh đạo quản lý... mà người giảng viên còn phải nắm được chính sách, pháp luật đó được thực hiện trong thực tế như thế nào? Đây là những khó khăn, trăn trở của tất cả giảng viên giảng dạy chính trị đặc biệt với giảng viên trẻ như tôi. Mà muốn thực hiện được điều đó thì một trong những kênh thông tin quan trọng, đó là lắng nghe trao đổi của những người trực tiếp làm việc ở cơ sở, đó là cán bộ, công chức cấp xã. Giảng viên chính trị không phải là người thầy truyền đạt kiến thức một chiều mà còn phải lắng nghe những thông tin phải hồi từ nhiều nguồn khác nhau, từ học viên, từ đài, báo, từ đồng nghiệp...

Tôi biết không có con đường nào trải hoa hồng cho chúng ta bước đi,  con đường nào cũng có những khó khăn, thử thách. Mỗi con người đều có con đường của riêng mình và mỗi chúng ta là người tìm ra con đường đó. Tôi nhớ một câu nói rất hay của nhà văn Lỗ Tấn "Trên trái đất này làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi". Đúng vậy, con đường là do chúng ta lựa chọn, chúng ta mày mò mà ra, "chúng ta" chính là tình đoàn kết, chỉ có đoàn kết mới tạo ra con đường đi đúng đắn nhất. Cái tôi cá nhân kết hợp với cái chung của tập thể chính là điều làm nên tố chất của giảng viên chính trị.

Là giảng viên trẻ khoa Nhà nước - Pháp luật, trước hết tôi nghĩ mình cần sống tốt hơn, đọc nhiều sách báo liên quan đến kiến thức chuyên môn phục vụ bài giảng hơn nữa. Thứ hai, tôi cần học hỏi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy từ các chị trong khoa, cũng như giảng viên khác trong trường. Thứ ba, tôi mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho giảng viên trẻ chúng tôi được tiếp cận nhiều nguồn thông tin phục vụ giảng dạy hơn nữa để chúng tôi cung cấp những kiến thức mà học viên thực sự cần trong quá trình công tác. Thứ tư, tôi mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho giảng viên trẻ chúng tôi được học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để hoàn thiện bản thân, hoàn thiện đội ngũ giảng viên nhà trường.

Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, lòng tôi không khỏi xúc động, tự hào. Tôi tự hào được đứng trong đội ngũ giảng viên của trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định, tự hào được góp công sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có tâm, có tầm, có tài, xứng đáng là người phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội./.

(Nguồn: Phòng Khoa học - 19/11/2014)
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com