Từ khóa: Điểm mới, nghị quyết về đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng; hệ thống chính trị; giai đoạn mới.
Vai trò lãnh đạo, vị trí cầm quyền của Đảng được Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên chính thức dùng “khái niệm kép” “phương thức lãnh đạo, cầm quyền” của Đảng mà không phải là “phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền” hay “phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền”của Đảng. Việc sử dụng “khái niệm kép” này chứng tỏ, giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay cơ bản là giống nhau (nên không tách bạch riêng phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền), nhưng có sự khác biệt nhất định (nên phải bổ sung từ “cầm quyền” sau từ “lãnh đạo”). Việc bổ sung từ “cầm quyền” là để: Một là, nhấn mạnh phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng là Đảng cầm quyền, Đảng vừa có quyền lãnh đạo, vừa phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình; Hai là, nhấn mạnh trọng tâm cầm quyền của Đảng là đối với Nhà nước.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất: Việc ban hành chủ trương, nghị quyết của Đảng đã bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ, gắn với xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt.
Thứ hai: Phong cách, lề lối làm việc của nhiều cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở được đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, v.v.
Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân”.
Với những thành tựu đạt được trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành TW khóa X về “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị” thì Nghị quyết 15-NQ/TW cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế và nguyên nhân trong đổi mới phương thức lãnh đạo là: Một là, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Hai là, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; Ba là, công tác thể chế hóa, cụ thể hóa chưa đầy đủ, chưa kịp thời thành pháp luật của Nhà nước về một số chủ trương, nghị quyết của Đảng. Việc ban hành nghị quyết của một số tổ chức đảng chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi. Bốn là, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nghị quyết chưa nghiêm, hiệu quả thấp, vẫn còn tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của một số tổ chức đảng. Năm là, Công tác giáo dục, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự tiên phong, gương mẫu.
Trước tình hình đó, Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị TW 6 khóa XIII ban hành và khẳng định:“Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. So với Nghị quyết số 15-NQ/TW khóa X có nhiều điểm mới, bổ sung nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, tác động nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ, đảng viên. Trong Nghị quyết 28-NQ/TW đã bổ sung “cầm quyền” và “trong giai đoạn mới” vào nội dung “Tiếp tục đổi phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” để thành“Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Về quan điểm. Nghị quyết 28-NQ/TW khóa XIII đã xác định:
Một là, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Quan điểm này đã làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, quan điểm cũng khẳng định nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Hai là, phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc.
Quan điểm đã xác định:Vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển, kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.
Ba là, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ các phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đây là quan điểm khẳng định sự cần thiết phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền trong tình hình hiện nay.
Về mục tiêu, Nghị quyết 28-NQ/TW khóa XIII nhấn mạnh 3 mục tiêu lớn:
Thứ nhất: Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Thứ hai: Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hoá, cụ thể hoá thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp. Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Thứ ba: Xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Về nhiệm vụ giải pháp: Nghị quyết 28-NQ/TW nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
1- Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng.
Về giải pháp này, bổ sung thêm cụm từ “Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết”. Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành cần lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Tiếp tục hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng; khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không rõ trách nhiệm, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện.
2 - Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.
Đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
3 - Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ.
Về tổ chức bộ máy: Giải pháp cũng bổ xung thêm“Phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Khắc phục tình trạng cấp dưới hỏi cấp trên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung không rõ trách nhiệm khi có vướng mắc”.
Về công tác cán bộ: Ngoài những nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ, thì nghị quyết bổ sung thêm cụm từ “Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền” trong hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu.
Giải pháp trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài vào làm trong hệ thống chính trị Trung ương thêm cụm từ: “Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.
Đối với việc đánh giá cán bộ Nghị quyết 28-NQ/TW đã bổ sung thêm điểm mới là “Thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở giúp cán bộ nhận diện nguy cơ, không mắc sai lầm, kịp thời khắc phục khuyết điểm. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng”.
4 - Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Trong đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao kỹ năng kiểm tra, giám sát, điểm mới nữa được nghị quyết bổ sung thêm về giải pháp là “chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn” và “Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm”.
5 - Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
6 - Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Giải pháp này đề ra điểm mới bổ sung thêm cụm từ “ Rà soát, phát hiện, khắc phục những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản của Đảng đã ban hành, hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp” nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cải cách hành chính, phương pháp làm việc của cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Tóm lại: Nghị quyết 28-NQ/TW về “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong gia đoạn mới” là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng cộng sản cầm quyền. Những điểm mới được bổ sung trong nghị quyết lần này đã minh chứng Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội ngày càng được củng cố vững chắc hơn. Những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ngày càng phản ánh đúng thực tế cuộc sống đặt ra, phù hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng đi theo./.
|