Cách mạng công nghiệp là một cách gọi của việc phát triển khoa học kỹ thuật đến một mức độ có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của con người trong sản xuất. Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (hay cách mạng công nghiệp 4.0) diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý...
Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Trong lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano.
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0, con người nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta nói riêng dễ dàng tiếp cận tri thức của nhân loại; dễ dàng tiếp nhận và chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin chính thống và “thông tin rác”, làm thay đổi phương thức truyền đạt thông tin trong hoạt động công vụ cũng như hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của con người từ sản xuất đến dịch vụ, từ cá nhân đến xã hội… Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng không ngoại lệ. Do đó, việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nhằm đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cũng cần phải có những thay đổi để đáp ứng trong bối cảnh mới.
1. Về xây dựng chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính
Một là, cần nhận thức đúng về chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Trước hết cần khẳng định đây là chương trình đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, nghĩa là chương trình trang bị nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, chứ không phải là chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ ở trình độ trung cấp. Do đó, “trung cấp” ở đây không phải là một trình độ đào tạo như bậc học.
Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cũng không phải là chương trình sơ cấp lý luận chính trị “kéo dài”, “nâng cao”, mà nó được thiết kế để cung cấp “nhãn quan chính trị” cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, nghĩa là theo chức vụ, chức danh công tác của đối tượng người học. Chính vì thế, không thể đặt vấn đề liên thông trong đào tạo lý luận chính trị như các chương trình thuộc giáo dục quốc dân.
Hai là, đa dạng chương trình để phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau
Sẽ là lý tưởng nếu mỗi đối tượng khác nhau có một chương trình tương ứng. Tuy nhiên, điều đó là khó khả thi. Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là chương trình đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, lãnh đạo quản lý ở cơ sở. Ở cơ sở có thể hiểu đó là cấp cơ sở, tức là xã, phường, thị trấn; cán bộ lãnh đạo, quản lý của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, phường, thị trấn; lãnh đạo, quản lý phòng chức năng; các chi bộ, chi đoàn cơ sở… Đó là chưa kể chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính còn được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu thăng hạng, nâng ngạch bậc.
Vì thế, trong khi chưa thể xây dựng cho mỗi đối tượng một chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thì trước mắt có thể xây dựng 2 chương trình, đó là chương trình đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, lãnh đạo quản lý xã, phường, thị trấn và tương đương; chương trình đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương.
Ba là, giảm thời gian thực hiện chương trình
Đào tạo nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng có xu hướng giảm thời lượng chương trình nhằm rút ngắn thời gian đào tạo. Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cũng nằm trong xu thế đó.
Năm 1996, chương trình Trung học chính trị được ban bành, thực hiện 14 tháng. Đến chương trình Trung cấp lý luận chính trị (ban hành năm 2002) thực hiện 12 tháng. Năm 2009, banh hành chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, thời gian thực hiện 8 tháng. Đến năm 2014, chương trình chỉ còn 6 tháng. Trong tương lai, thời gian đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính có thể sẽ ít hơn 6 tháng.
Việc giảm thời gian đào tạo là xu thế tất yếu. Khi xã hội phát triển, lượng thông tin nhiều lên nhưng thời gian để tiếp thu thông tin sẽ giảm đi bởi có sự ghi nhớ và di truyền gen cho thế hệ sau và sự phát triển của khoa học công nghệ với những phương tiện ngày càng hiện đại. Mặt khác, xã hội phát triển sẽ khiến con người hoạt động với nhịp độ cao hơn. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, xã hội số gia tăng, kết nối con người với vạn vật được mở rộng thì phương thức lãnh đạo, quản lý của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng phải thay đổi, cách thức vận hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng thay đổi.
Trong xã hội công nghiệp 4.0, các thao tác của con người có thể được thực hiện sau một cú click chuột. Các cuộc họp, các buổi học đã được thực hiện trực tuyến. Điều này không chỉ giảm chi phí các nguồn lực mà còn tiết kiệm khá nhiều thời gian. Chính vì thế thời gian thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói riêng cũng cần được rút ngắn đến lượng vừa đủ để tiết kiệm thời gian cho hoạt động khác mà vẫn đảm bảo lượng thời gian cần thiết để thực hiện hoạt động đào tạo.
Bốn là, giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thảo luận.
Đối với chương trình đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thì mục tiêu là trang bị kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số nội dung của quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, người cán bộ lãnh đạo, quản lý dễ dàng tiếp cập các tri thức, kiến thức liên quan. Người học chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cơ bản là những người có trình độ, lại có sự hỗ trợ của công cụ công nghệ nên có thể tự tìm hiểu, tự tiếp nhận tri thức bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó con đường internet là con đường nhanh nhất, tiết kiệm và không giới hạn.
Tuy nhiên, vì không giới hạn nên thông tin trên internet đa dạng, phong phú và khó kiểm chứng. Thông tin đó không phải ai cũng biết chọn lọc và sử dụng để biến thành tri thức, nếu không bản lĩnh, nếu không vững lý luận thì rất dễ dẫn đến tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nhằm định hướng, dẫn dắt học viên thì chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cần phải được xây dựng theo hướng tăng cường tương tác giữa thày và trò. Chính vì thế, chương trình cần được thiết kế theo hướng giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thảo luận.
Tăng cường thảo luận cũng là phương pháp cơ bản để chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn. Người học là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, đang thực hiện nhiệm vụ trong thực tiễn, việc thảo luận sẽ giúp họ tìm kiếm được giải pháp cho vấn đề của chính họ, đồng thời giúp người khác học tập được kinh nghiệm để có thể áp dụng ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm là, xây dựng chương trình theo chuyên đề, không xây dựng chương trình theo môn học.
Hiện nay chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đang có sự hài hòa trong việc thiết kế chương trình theo môn học và học phần. Việc thiết kế chương trình theo môn học chỉ thực sự phù hợp với chương trình đào tạo chuyên môn, vì đòi hỏi khối lượng kiến thức nền tảng với lượng thời gian tương đối dài. Trong khi đó, chương trình thiết kế theo chuyên đề sẽ đảm bảo những kiến thức cần và thiếu của người học để bổ sung, nó phù hợp với việc đào tạo theo chức danh lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm. Bởi người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người đã tốt nghiệp chương trình chuyên môn (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học). Họ đi học chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là nhằm được trang bị kiến thức lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng thực thi công vụ. Do vậy, việc thiết kế chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính sẽ đảm bảo tính linh hoạt, tính cập nhật của người cán bộ, công chức.
Sáu là, xây dựng chương trình theo hướng mở.
Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện hành, có một học phần dành cho các trường chính trị cấp tỉnh biên soạn trên cơ sở tình hình thực tiễn ở địa phương. Thiết kế này đã có sự hướng đến tính đặc thù của từng địa phương nhằm biên soạn chương trình, giáo trình phù hợp.
Trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều vấn đề mới nảy sinh, thay đổi nhanh cần trang bị cho người học để họ kịp thời vận dụng trong công tác. Việc xây dựng chương trình có tính mở sẽ làm cho người học sẽ có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với hoàn cảnh công tác, điều kiện bản thân. Do vậy, khi xây dựng chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, ngoài những chuyên đề bắt buộc mà đối tượng nào cũng phải học, bên cạnh học phần thực tiễn địa phương mà trường biên soạn, cần có những chuyên đề tự chọn để người học hoặc trường chính trị cấp tỉnh lựa chọn cho phù hợp với công việc hoặc điều kiện cụ thể của địa phương.
2. Về biên soạn giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính
Một là, biên soạn giáo trình cần đảm bảo tính thống nhất.
Việc thiết kế, xây dựng chương trình theo chuyên đề có ưu điểm là tính linh hoạt, phù hợp với đào tạo theo vị trí, chức danh nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc. Tuy vậy, vì biên soạn theo chuyên đề nên nội dung giữa các chuyên đề có thể sẽ trùng lặp hoặc mâu thuẫn nhau. Do đó, khi biên soạn giáo trình cần phát huy vai trò của chủ biên chương trình nhằm thống nhất nội dung trong giáo trình, tránh sự trùng lặp hoặc mâu thuẫn nội dung trong các chuyên đề.
Đảm bảo tính thống nhất của giáo trình không chỉ mang tính kỹ thuật là phát hiện sự trùng lặp hoặc mâu thuẫn, mà cao hơn là việc xử lý sự trùng lặp hoặc mâu thuẫn đó. Xử lý sự trùng lặp hoặc mâu thuẫn nội dung giữa các chuyên đề không đơn giản là việc xóa bỏ nội dung trùng lặp, mâu thuẫn mà nó đòi hỏi phải có chuyên môn, sự am hiểu để chọn lọc nội dung, diễn giải một cách khoa học, tránh sự cắt giảm cơ học, mất tính logic của vấn đề.
Hai là, biên soạn giáo trình cần đảm bảo tính ổn định.
Tính từ năm 2009 đến nay, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã 3 lần sửa đổi (năm 2014, năm 2016, năm 2018) với nguyên nhân là chủ trương, đường lối của Đảng có sự thay đổi, chính sách, pháp luật của Nhà nước có sự thay đổi, giáo trình lạc hậu… Việc sửa đổi giáo trình là nhằm đảm bảo tính đúng đắn, kịp thời đưa chủ trương, pháp luật mới vào chương trình học tập. Có ý kiến cho rằng, việc cập nhật giáo trình phải được tiến hành thường xuyên, thậm chí theo từng năm. Đây là một quan điểm sai lầm. Việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi giáo trình vừa gây tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc, vừa phản ánh sự bất cập của giáo trình. Nếu chỉ chăm lo tính cập nhật của giáo trình thì giáo trình luôn lạc hậu vì công cụ cơ bản của lãnh đạo, quản lý là chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật luôn luôn được sửa đổi theo thời gian. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin được truyền đi rất nhanh và phát tán với nhiều biến thể thì dù giáo trình cập nhật theo năm vẫn sẽ không bảo đảm tính thời sự.
Lý luận chính trị - hành chính là những kiến thức cơ bản mang tính lý luận nên có tính bền vững. Giáo trình là tài liệu thể hiện những kiến thức cơ bản đó nên cũng phải có tính bền vững. Muốn vậy, việc biên soạn giáo trình tránh đi vào liệt kê các văn bản của Đảng, Nhà nước hoặc các con số, sự kiện mang tính thời điểm; tránh mô tả thực tế hoặc thực trạng của vấn đề… Việc cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật thực trạng, số liệu là việc làm của giảng viên trước mỗi buổi giảng.
Để giáo trình có tính ổn định thì việc biên soạn phải ở tầm khái quát, mang tính lý luận. Việc diễn đạt phải gắn gọn, súc tích, rõ nghĩa, tránh phân tích, kể lể rườm rà. Giáo trình ở dạng cô đọng thì việc soạn giáo án mới có ý nghĩa, mới buộc giảng viên không ngừng tìm hiểu, học hỏi để bổ sung cho bài giảng. Nếu giáo trình phân tích quá chi tiết, nội dung quá cụ thể thì giáo trình trở thành giáo án, vô hình trung giáo trình dày thêm về dung lượng nhưng giảm đi về sức sống.
Ba là, biên soạn giáo trình phải sát đối tượng người học.
Có một thực tế là giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay có một số nội dung chưa sát đối tượng người học. Mặc dù đối tượng người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở nhưng kiến thức trong giáo trình quá cao siêu, thể hiện ở tầm vĩ mô quốc gia, các vấn đề quốc tế. Đành rằng, trong thế giới phẳng, tri thức là không biên giới, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm, mô hình trên thế giới nhưng những nội dung đó cần được chuyển hóa để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và từng địa phương.
Đào tạo lý luận chính trị - hành chính là nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý. Hoạt động lãnh đạo, quản lý là nhằm phục vụ tổ chức và cá nhân trong xã hội. Do đó, nội dung giáo trình được biên soạn phải giúp người cán bộ, công chức vận dụng vào công việc thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Những tri thức trong giáo trình phải được người viết chọn lựa và thể hiện phù hợp với năng lực, vị trí công việc của đối tượng người học.
Tóm lại, cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra đã tác động ngày càng mạnh mẽ đến đời sống xã hội của con người. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ta muốn dù không cũng sẽ chịu ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó việc biên soạn chương trình, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cũng phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn./.
|