Trong toàn bộ sự nghiệp hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò xã hội của người phụ nữ. Theo Người, trình độ chính trị, văn hóa, điều kiện sống của phụ nữ phản ánh trình độ văn minh của xã hội, do vậy trong Di chúc để lại cho Đảng, nhân dân và con cháu muôn đời sau, Người căn dặn: Đảng ta phải tiếp tục sự nghiệp giải phóng phụ nữ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cần chú ý thực hiện hai điều: một là, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo; hai là, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Theo Người, thực hiện được hai điều này là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”[1].
Nhận thức sâu sắc điều này nên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định, vận động và phát huy vai trò của phụ nữ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, giải phóng phụ nữ, đưa phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị và những công việc của đời sống xã hội là một trong những mục tiêu chiến lược của cách mạng. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” tiếp tục khẳng định quan điểm: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực.
Trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong những năm qua, các cấp ủy đảng của tỉnh Nam Định đã luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo quản lý các cấp, coi đó là một công tác trọng tâm của công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng, là một nhiệm vụ trọng yếu trong chương trình công tác của các cấp ủy đảng. Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XIX ngày 20 tháng 10 năm 2016 xác định mục tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ cán bộ nữ như sau: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý; cán bộ thuộc diện BTV cấp ủy cấp huyện; lãnh đạo sở, ban, ngành quản lý; cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã: Tỷ lệ cán bộ nữ từ 15% trở lên; tỷ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức là nữ ở các cơ quan cấp tỉnh là 5.319 người, chiếm 56% tổng số cán bộ, công chức, viên chức; cấp huyện là 15.668 người, chiếm 76,7%. Đến nay, toàn tỉnh có 38 cán bộ nữ thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 97 cán bộ nữ thuộc diện Ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh quản lý; 60 cán bộ nữ là cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn. Nhiệm kỳ 2015-2020, có 8/55 (chiếm tỷ lệ: 14,55%) cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 63/543 (chiếm tỷ lệ 11,94%) đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố, đảng bộ trực thuộc; 563/3.341 đồng chí, chiếm 16,85% tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn. Số cán bộ đại biểu Quốc hội là 2/8 người, chiếm tỷ lệ 25%. Tham gia HĐND nhiệm kỳ 2016-2020, ở cấp tỉnh có 13 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 19,4%; cấp huyện có 96 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 24,3%; cấp xã là 1.323 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 22,2% cao hơn 2,2% so với nhiệm kỳ 2011-2016 (20,2%)[2].
Giai đoạn hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi và ban hành Quyết định 445-QĐ/TU, Quyết định 275-QĐ/TU, Kết luận số 02-KL/TU về bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Qua đó, việc bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ nữ ứng cử đảm bảo dân chủ, đúng quy trình, nguyên tắc, quy định, chất lượng cán bộ được nâng lên và đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý quan trọng trong hệ thống chính trị. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã bổ nhiệm 67 lượt cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và quyết định; 372 lượt cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh quản lý, quyết định.
Như vậy, có thể thấy tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp ở tỉnh Nam Định đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Song vai trò và vị thế của phụ nữ đối với công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị chưa tương xứng với tiềm năng, sự bất bình đẳng giới đối với việc tham chính của phụ nữ trong hệ thống chính trị vẫn còn. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đã thấp lại chủ yếu đảm nhận vị trí cấp phó, thừa hành, giúp cho cấp trưởng là nam giới đặc biệt ở cấp cơ sở. Hơn nữa, những nữ cán bộ nắm giữ được những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị thường đã nhiều tuổi, không có nhiều thời gian để phát huy hết năng lực của mình. Tuổi đời cao cũng báo động về sự hẫng hụt, thiếu đồng bộ về đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, trước hết do một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác cán bộ nữ; công tác quy hoạch cán bộ nữ còn lúng túng trong phương pháp, cách làm. Công tác luân chuyển cán bộ nữ còn hạn chế, số lượng ít; một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn ngại điều động, tiếp nhận cán bộ nữ đến công tác tại cơ quan, đơn vị. Việc ban hành các văn bản để cụ thể hóa các quan điểm chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ nữ ở cơ sở yếu, thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong nhận thức và trong thái độ, hành vi của không ít người, kể cả cán bộ, đảng viên. Đồng thời, gánh nặng gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phấn đấu của phụ nữ nói chung và nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng.
Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở tỉnh Nam Định cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ khi tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thực hiện công tác tư tưởng đối với toàn thể cán bộ, đảng viên để xây dựng quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện công việc này. Việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng về cán bộ nói chung và nữ cán bộ nói riêng cần bám sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Nam Định. Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Theo đó, cấp uỷ các cấp, nhất là người đứng đầu, phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp uỷ khoá mới; đồng thời có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài.
Thứ ba, có chính sách nữ cán bộ đúng và tổ chức thực hiện tốt sẽ là một động lực thúc đẩy, cổ vũ động viên cán bộ đem tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Thực hiện chính sách cán bộ đối với nữ cán bộ phải đồng bộ, trong đó chính sách đãi ngộ vật chất và động viên tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ tư, bản thân đội ngũ nữ cán bộ tỉnh Nam Định phải không ngừng tự vươn lên về mọi mặt. Trong giai đoạn hiện nay, người phụ nữ muốn tham gia lãnh đạo, quản lý phải tích cực, thường xuyên tự giác học tập, rèn luyện; gắn lý luận với thực tiễn, lăn lộn trong thực tiễn, gần dân, lắng nghe lợi ích và tôn trọng ý kiến của nhân dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân…
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi như hiện nay, nền chính trị Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, trong đó có vấn đề nâng cao năng lực và sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu bình đẳng giới và công bằng xã hội, lý luận và thực tiễn cách mạng đòi hỏi phải đặt vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền chính trị hiện đại và coi đó là một bộ phận không tách rời của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh./.
[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 12, Nxb.CTQG, Hà Nội, 523
[2] Báo Nam Định, ngày 19 tháng 9 năm 2019
|