Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam chính là nhân tố để Hồ Chí Minh quyết tâm ra nước ngoài tìm con đường cứu nước mới, giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, tạo ra một sức mạnh mới cho dân tộc Việt Nam, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" [Hồ Chí Minh:Toàn tập, t6.tr17].
Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan và kế thừa truyền thống yêu nước tương thân, tương ái, thương người, vì nghĩa, trọng đạo đức, Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý chí đi ra nước ngoài tìm một đường lối cứu nước, cứu dân. Sau khi tìm được đường lối cứu nước theo khuynh hướng vô sản và theo chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh cho rằng: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác- Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Như vậy, chủ nghĩa yêu nước truyền thống là yếu tố khởi nguồn nhưng không phải là yếu tố duy nhất kết thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, thành hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói cách khác: Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân văn, khoan dung Việt Nam.
Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là nét đặc sắc và biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chính nhờ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Hồ Chí Minh mà ngay từ đầu thế kỷ XX, tinh thần yêu nước Việt Nam được khơi dậy thành công và toàn dân tộc Việt Nam mới được tổ chức, đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng đất nước “Chủ nghĩa yêu nước là động lực lớn của dân tộc” [sdd,tập1, tr466-467].
Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trở thành người cộng sản đầu tiên ở Châu Á giải quyết thành công phong trào đấu tranh, giải phóng dân tộc trên thế giới mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đề ra nhưng chưa thực hiện được. Người tán thành bỏ phiếu Quốc tế thứ ba, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”.
Cũng xuất phát từ lòng yêu nước truyền thống của Việt Nam, mà Quốc tế cộng sản phê phán Hồ Chí Minh, coi là hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 và cho rằng “ Nguyễn Ái Quốc là dân tộc chủ nghĩa”. Mất một thời gian rất dài, Nguyễn Ái Quốc mới khẳng định quan điểm, đường lối của mình là đúng đắn và tư tưởng Hồ Chí Minh được khẳng định, trực tiếp thành đường lối cách mạng Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (5/1941): “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, giải phóng không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” [Văn kiện Đảng TT, t7, tr113].
Như vậy, trong thực tiễn, tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh đã gắn bó chặt chẽ với tiến trình đấu tranh giải phóng đất nước và là một nhân tố tạo nên những chiến thắng trong công cuộc giành độc lập trước kia cũng như trong công cuộc chấn hưng đất nước, trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế hiện nay. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là, phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về thực hiện chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam. Đó là cả quá trình đấu tranh, cống hiến cho cách mạng, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, Người không có mục đích gì riêng tư cho bản thân mình. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên Việt Nam là tôi như đứt một đoạn ruột". “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì dân mình mới được ấm no, Tổ quốc mới được giàu mạnh”.
Ngày nay, thế giới có nhiều biến động. Cách mạng công nghiệp 4.0 làm biến đổi nhanh chóng nền công nghiệp ở mọi quốc gia với tốc độ cấp số nhân. Nó không chỉ làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống xã hội mà còn làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống con người.
Đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao và tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bên cạnh những thành tựu cơ bản, đất nước phải đối mặt với những thách thức lớn: các thế lực phản động xuyên tạc, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Dịch bệnh Covi19 đang hoành hoành, tăng nhanh về số người nhiễm và lan ra trên toàn thế giới ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội trong nước và toàn cầu. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là chủ nghĩa yêu nước có vai trò như thế nào trong tình hình mới? Làm thế nào để phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa thế giới.
Vậy để phát huy giá trị yêu nước truyền thống Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, cần phải:
Một là, tiếp tục xây dựng con người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng XHCN, có phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn cao, giữ gìn văn hóa truyền thống.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân khẳng định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để làm cho mỗi người Việt Nam, trước hết là từng cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tình trạng tham nhũng, lãng phí đang là quốc nạn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân và đảng viên đối với Đảng và Nhà nước, trực tiếp đe dọa sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Thực hiện nghiêm túc chỉ thị 05-CT/TW về “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII là biện pháp cực kỳ quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, là sự phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Hai là, đổi mới phương pháp giáo dục đối với thanh, thiếu niên về chủ nghĩa yêu nước truyền thống bằng nhiều hình thức như: tình yêu thương giữa con người với con người, tình cảm trách nhiệm với gia đình, cha mẹ, anh em, đồng loại. Tính cố kết cộng đồng, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” “ một miếng khi đói bằng một gói khi no ”… có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội.
Trong thời đại ngày nay, thanh thiếu niên Việt Nam sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước, đất nước thịnh hay suy chính nhờ vào sự học tập của các em“Thế hệ trẻ ngày nay tiếp nối sự nghiệp của lớp người đi trước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà để rửa nỗi nhục nghèo khổ, mở ra một trang sử mới rạng rỡ cho non sông Việt Nam quang vinh sánh vai cùng các dân tộc khác trên thế giới". Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò chủ nhân tương lai đất nước của thanh niên Việt Nam mà còn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế về nhận thức của thanh niên hiện nay trước ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, du nhập văn hóa ngoại lai và âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Do đó cần phải đổi mới phương pháp giáo dục thanh, thiếu niên trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Ba là, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân với đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam trên nền tảng dân chủ, đồng thuận toàn xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đó chính là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên tầm cao mới để Việt Nam bước vào một gai đoạn mới hội nhập và toàn cầu hóa.
Bốn là, chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực thù địch lợi dụng thời cơ để chống phá cách mạng. Chúng thông qua mạng xã hội, các trang website của phản động lưu vong, một số báo mạng xưa nay vốn thiếu thiện chí với Việt Nam ở hải ngoại, chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, tác động nhằm “nắm dòng dư luận” tiến tới mục tiêu làm chệch hướng đường lối, chủ trương của Đảng ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Mục đích vẫn là muốn lôi kéo những người thiếu bản lĩnh, nhẹ dạ, theo ý đồ chính trị của chúng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ XHCN mà nhân dân ta dày công xây dựng. Trước tình hình đó, chúng ta càng phải tăng cường bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao sự giác ngộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng ta chỉ có thể giành thắng lợi bằng sự vượt trội kẻ thù về sức mạnh chính trị tinh thần, mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa hơn 50 năm, nhưng tư tưởng yêu nước truyền thống của Người đến nay vẫn mang giá trị thực tiễn. Hơn lúc nào hết tư tưởng của Bác ngày càng phải được phát huy và nhân rộng trong toàn thể dân tộc Việt Nam cả hiện tại và tương lai, làm cho chủ nghĩa yêu nước chân chính được phát huy cao độ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện mình thực sự có lòng yêu nước chân chính, biết đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Làm tốt được điều đó, chủ nghĩa yêu nước sẽ nhất định phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ mới, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
|