Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhận được rất nhiều danh hiệu khác nhau. UNESCO thì xướng danh Người là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận kiệt xuất” và còn rất nhiều danh hiệu khác mà bạn bề năm châu đã dành tặng cho Người. Nhưng dù không cần thêm vào những danh hiệu đó thì Bác của chúng ta cũng đủ vĩ đại, cả dân tộc và nhân loại đều thấy được tài năng và công lao của Người. Những danh hiệu trên chỉ như những điểm nhấn làm hoàn hảo hơn bức tranh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gần đây, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng: Muốn đánh đổ chế độ xã hội chủ nghĩa thì không chỉ tấn công vào hệ tư tưởng, cường điệu các sai lầm, khuyết điểm của Đảng Cộng sản, của cán bộ, đảng viên mà còn phải tấn công vào nền tảng tư tưởng, làm sụp đổ tận gốc niềm tin của quần chúng đối với con người cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì vậy, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào, tận dụng mọi diễn đàn trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại để bôi xấu, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Hồ Chí Minh.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau của các học giả phương Tây, họ cho rằng Hồ Chí Minh không có một hệ thống những vấn đề lý luận hoàn toàn mới mẻ, đi ngược lại những nguyên lý quen thuộc của nhân loại thì sao có thể gọi Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng. Đứng trước vấn đề này, chúng ta phải quay trở về với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin mà cụ thể là quan niệm của Lênin về các tiêu chí của một nhà tư tưởng để làm sáng tỏ vấn đề đó. Đây là một việc làm quan trọng tạo nền tảng ban đầu trước khi chúng ta đi vào tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lênin quan niệm rằng: Không phải ai hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng -lý luận đều có thể gọi là nhà tư tưởng, nhà lý luận. Lênin cho rằng: một người “chỉ xứng đáng với danh hiệu “nhà tư tưởng” khi nào họ đi trước phong trào tự phát, chỉ đường cho nó, khi nào họ biết giải quyết trước người khác tất cả các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và các vấn đề về tổ chức mà “những yếu tố vật chất” của phong trào húc phải một cách tự phát”.
Cũng theo Lênin: chỉ xứng đáng được gọi là nhà tư tưởng khi người đó “có được chuẩn bị đầy đủ về mặt lý luận”; “có được một tầm mắt chính trị bao quát, một nghị lực cách mạng, một tài ba tổ chức để có thể sáng lập một chính đảng chiến đấu trên cơ sở một phong trào mới”.
Như vậy, theo Lênin, chỉ xứng đáng là nhà tư tưởng khi đáp ứng đủ 4 điều kiện: Có sự chuẩn bị về mặt lý luận, có khả năng đi trước, dự báo, chỉ đường cho phong trào quần chúng; có được tầm mắt chính trị rộng lớn để giải quyết thành công mọi vấn đề sách lược, chiến lược của cách mạng (chiến lược là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài; sách lược là nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể); có tài ba về mặt tổ chức để có thể sáng lập một chính đảng cách mạng có sức chiến đấu mạnh mẽ; phải có một nghị lực phi thường để vượt qua mọi trở lực, khó khăn để thực hiện tư tưởng của mình.
Xét cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh thì Người hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu nhà tư tưởng theo những tiêu chí mà Lênin đưa ra.
Một là: Hồ Chí Minh có sự chuẩn bị về mặt lý luận:
Vào những năm đầu của thế kỉ XX, Hồ Chí Minh xuất hiện trong lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại như là một nhà lý luận tiên phong, người đầu tiên đề xuất con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, từ đó chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối, mở ra một thời kì mới, thời kì đấu tranh và giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Các phong trào yêu nước theo khuynh hướng phong kiến và tư sản đều thất bại. Nguyên nhân của sự thất bại đó là thiếu đường lối, tức là khủng hoảng về lý luận.
Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tức là đi tìm một học thuyết có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh của dân tộc đi tới mục tiêu đất nước độc lập, nhân dân hạnh phúc. Khi gặp luận cương của Lênin cũng là lúc Người bừng sáng về lý luận. Thấm nhuần lời dạy của Lênin “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, Hồ Chí Minh đã vừa hoạt động thực tiễn vừa từng bước nâng cao trình độ lý luận. Người đã nghiên cứu lý luận Mác-Lênin trong trường đại học phương Đông; ở Quốc tế cộng sản; sau đó vào làm nghiên cứu sinh tại viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế cộng sản. Người còn dịch rất nhiều tác phẩm lý luận ra tiếng Việt để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta.
Có kiến thức lý luận nhưng không biết vận dụng vào thực tiễn thì cũng không thể trở thành nhà lý luận. Nhờ nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng nó một cách sáng tạo vào điều kiện thực tế của Việt Nam và các nước thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã sớm viết nên những tác phẩm lý luận nổi tiếng như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường cách mệnh, đặc biệt là Chính cương, Sách lược vắn tắt và các văn kiện do Người khởi thảo tại hội nghị hợp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã đánh dấu sự hình thành hoàn chỉnh tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản: giành độc lập để đi tới chủ nghĩa xã hội.
Qua các giai đoạn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn nắm vững quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, bổ sung và phát triển vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhân loại và đặc biệt là của chủ nghĩa Mác-Lênin để có sự chuẩn bị rất sâu sắc về mặt lý luận, tư tưởng, làm kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn.
Hai là: Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn chiến lược, bao quát thời đại:
Để trở thành nhà lý luận tiên phong có tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh đã hội tụ đủ ba loại vốn cơ bản: vốn trí tuệ siêu việt, vốn văn hóa rộng lớn và vốn sống thực tế vô cùng phong phú.
Về trí tuệ, Hồ Chí Minh đã được thừa hưởng của cha ông một trí thông minh xuất chúng, được bộc lộ từ nhỏ trong học tập, ứng xử và đối đáp thơ văn. Trí thông minh đó đã tạo nên ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành một đầu óc quan sát, phân tích, phê phán rất tinh tường, một tinh thần hoài nghi để khám phá, một bản lĩnh độc lập, tự chủ trong tư duy.
Người đã sáng suốt nhận ra hạn chế của con đường mà các bậc tiền bối đã đi, Người từ chối con đường sang phương Đông, một mình đi sang phương Tây không phải tư cách là thân sĩ, trí thức mà là người lao động. Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, trí tuệ của Người đã có điều kiện rèn luyện và phát triển: Người biết nhiều ngoại ngữ, chinh phục tất cả mọi người bằng sự tỏa sáng của trí tuệ.
Hồ Chí Minh đã trau dồi cho mình một vốn học thức, vốn văn hóa - lịch sử sâu rộng.
Hồ Chí Minh được thừa nhận là nhà lý luận tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bởi Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã tìm ra con đường thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản: là con đường kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, hơn nữa còn là người đầu tiên vượt lên trước những nhà lý luận cùng thời, đưa ra luận điểm: cách mạng giải phóng dân tộc có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và bằng thắng lợi đó giúp cho những người anh em phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn!
Như vậy: tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh là kết quả của sự nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời trên cơ sở một vốn văn hóa Đông Tây sâu sắc, một tri thức lịch sử và thực tiễn rộng lớn. Người đã kiên trì học tập và từng bước vươn lên đỉnh cao của trí tuệ thời đại để có được tầm nhìn xa, trông rộng như vậy.
Hồ Chí Minh có một vốn sống thực tiễn cực kì phong phú.
Người ra đi tìm đường cứu nước đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, đặt chân lên khoảng 30 nước. Người đã hòa mình vào cuộc sống của những người lao động nghèo khổ, của công nhân và của những người dân thuộc địa trên khắp thế giới, vì vậy Người đã thấu hiểu và có vốn thực tiễn phong phú để đấu tranh đem lại tự do, hòa bình, bác ái thực sự cho họ…
Khác với các nhà lý luận “bàn giấy” nhà lý luận Hồ Chí Minh đã hòa mình vào thực tiễn phong trào đấu tranh của thời đại, chiến đấu với tâm hồn và nghị lực của một chiến sĩ. Lý luận tiên phong của Hồ Chí Minh ra đời từ đó và con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cũng hình thành từ đó.
Ba là: Hồ Chí Minh là một thiên tài về tổ chức:
Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, là đảng của giai cấp công nhân ở một nước thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu. Khi đó giai cấp công nhân chiếm chưa đầy 2% dân số. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chính là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Người đã chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức để đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Người đã thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (Mặt trận Việt Minh) để đoàn kết được toàn dân tộc thành một khối tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh thắng kẻ thù.
Bốn là: Hồ Chí Minh là một người có nghị lực phi thường:
Được thể hiện trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến đấu chống ngoại xâm và xây dựng Tổ quốc. Một thanh niên 21 tuổi thời ấy dám một mình ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc chỉ với hai bàn tay trắng đơn thương độc mã.
Trên con đường ấy, Người gặp biết bao khó khăn mà không bao giờ nản chí. Phải làm rất nhiều nghề để sống, phải luôn tránh sự truy lùng của mật thám, viết bản yêu sách 8 điểm - tiếng nói của thanh niên yêu nước ở thuộc địa, nhiều lần bị bắt vào tù; nhận án tử hình, sự hiểu lầm của Quốc tế cộng sản…trong bất kì hoàn cảnh nào, Người cũng luôn giữ được ý chí sắt đá đó, vượt qua khó khăn để hướng về dân tộc, tìm con đường cứu nước cho dân tộc.
Khi đã tìm được con đường cứu nước, con đường cách mạng vô sản, trở về trong lòng dân tộc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, con đường cách mạng mà dân tộc ta thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, Bác vẫn bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam qua cơn sóng gió, qua những tình thế ngàn cân treo sợi tóc, lãnh đạo nhân dân chống lại các đế quốc thực dân mà các nước khác cũng phải nể sợ.
Như vậy có thể thấy, xét theo các tiêu chí mà Lênin đề ra về một nhà tư tưởng thì Hồ Chí Minh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu đó. Hoàn cảnh đất nước, thời đại và những tố chất cá nhân hiếm có ở Hồ Chí Minh đã tạo nên một nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam./.
|