Tóm tắt: Trước những thủ đoạn, chống phá ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường của các thế lực thù địch đang chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, việc tăng cường đấu tranh làm thất bại quan điểm sai trái trên không gian mạng trong bài “thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” - chương trình Trung cấp lý luận chính trị là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, đòi hỏi giảng viên phải xác định rõ và nắm vững phương hướng, yêu cầu, đề cao trách nhiệm, định hướng tuyên truyền vào nâng cao chất lượng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Từ khóa: quan điểm sai trái trên không gian mạng; thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
1. Tính tất yếu tăng cường đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng thông qua bài học “Thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng không gian mạng để thay đổi phương thức và tăng cường hoạt động chống phá. Chúng coi không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Những quan điểm sai trái trên không gian mạng ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân; gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do vậy, cần vạch trần những thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa quan điểm sai trái, qua đó, đề xuất các biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh, góp phần vào cuộc đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.
Việc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó có các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đảng ta khẳng định: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại, gắn lý luận và thực tiễn… kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận và rèn luyện thử thách cán bộ để nâng cao bản lĩnh chính trị”[1]. Do đó, trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, các trường chính trị cấp tỉnh phải tăng cường đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Giảng viên trường chính trị là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, tính chiến đấu luôn thể hiện trên từng bài giảng. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, giảng viên trường chính trị góp phần làm sáng tỏ những giá trị bền vững, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kịp thời ngăn chặn, đập tan âm mưu của các thế lực thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam. Sức chiến đấu của người đảng viên trong giảng viên trường chính trị sẽ góp phần định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội, bồi đắp khả năng nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều, có đủ sức “đề kháng”, “miễn dịch” với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch.
Bài “Thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” là bài học trong Môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Sự tiếp cận kỹ năng thu thập và xử lý thông tin sẽ là cơ sở quan trọng để rèn luyện các kỹ năng: kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định; kỹ năng điều hành công sở; kỹ năng phối hợp công tác; kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; kỹ năng tuyên truyền, vận động… Hay nói cách khác, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin là cơ sở và tiền đề để phát triển các kỹ năng còn lại. Điều này khẳng định vị trí, vai trò quan trọng kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Nội dung của kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong giáo trình được trình bày theo hướng mở. Điều này giúp cho giảng viên khai thác thuận lợi và linh hoạt những vấn đề thời sự nóng bỏng trong nước và thế giới. Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào bài kỹ năng thu thập và xử lý thông tin là để nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính cập nhật, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn của bài giảng; hướng đến cung cấp cho học viên những nhận thức mang tính phương pháp luận để nhận diện, đánh giá và xử lý thông tin thất thiệt góp phần làm thất bại âm mưu phá hoại cách mạng Việt Nam.
2. Một số biện pháp nhằm tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng thông qua bài “Thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”
Thứ nhất, đối với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn theo dõi, kiểm tra sát sao việc thực hiện nội dung, chương trình của khoa chuyên môn; thực hiện việc kiểm tra đột xuất, định kỳ để nắm tình hình giảng dạy và học tập ở các lớp; thực hiện công tác kiểm tra giáo án để có biện pháp chỉ đạo về chuyên môn phù hợp góp phần nâng cao chất lượng dạy, học.
Chỉ đạo khoa chuyên môn thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, để trao đổi, chia sẻ thông tin, thống nhất cách soạn, giảng, xác định đúng trọng tâm, phân bố thời gian cho phù hợp, tăng tính thực tiễn của từng bài giảng và có những bài tập tình huống phù hợp gắn trong bài giảng để nâng cao hiệu quả dạy, học. Qua sinh hoạt chuyên môn ở các khoa nhằm phát hiện một số nội dung còn bất cập trong giáo trình để thống nhất nhận thức, có biện pháp chỉ đạo về chuyên môn phù hợp, thống nhất.
Thứ hai, ngay từ khâu soạn giáo án, cần thiết kế nội dung phù hợp để tăng cường đấu tranh làm thất bại quan điểm sai trái trên không gian mạng.
- Đối với khái niệm thông tin, cần phân biệt rõ thông tin trong hoạt động lãnh đạo, quản lý với các nguồn tin từ bên ngoài trong đó có thông tin từ các thế lực phản động và thù địch gây ảnh hưởng đến hoạt động lãnh đạo, quản lý.
- Đối với các nguồn tin, cần đánh giá độ tin cậy của các nguồn thông tin. Mỗi nguồn tin đều có ưu điểm và hạn chế, yêu cầu về kỹ năng của người lãnh đạo, quản lý là phải kết hợp nhuần nhuyễn và linh hoạt các nguồn tin để tăng hiệu quả của thông tin. Cần đặc biệt lưu ý nguồn tin không chính thức bởi vì phải có kỹ năng khắc phục hạn chế của nguồn tin này để không trở thành nạn nhân của các thế lực thù địch trong mưu đồ phá hoại cách mạng Việt Nam.
- Phân tích vai trò của thông tin để thấy được sự cần thiết phải lan tỏa những thông tin chính thống, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, khẳng định niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Đối với kỹ năng thu thập thông tin, chú ý rèn luyện kỹ năng phân biệt tin thật và tin giả trên mạng xã hội. Đây là một việc làm cần thiết, thường xuyên của người dùng mạng xã hội hiện nay.
- Đối với nội dung thảo luận, cần thiết kế theo hướng mở để học viên rèn luyện kỹ năng thu thập và xử lý thông tin. Nội dung thảo luận là những vấn đề mang tính thời sự, có liên quan đến hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
- Giảng viên phải xác định rõ và nắm vững phương hướng, yêu cầu, đề cao trách nhiệm, định hướng tuyên truyền vào nâng cao chất lượng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Đối với kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, giảng viên cần nắm rõ các biện pháp và vận dụng một cách linh hoạt nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của học viên, góp phần nâng cao năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.
Thứ ba, tăng cường phổ biến, quán triệt Luật An ninh mạng[2], nâng cao ý thức tuân thủ kỷ luật phát ngôn của Đảng. Ý thức về vai trò trách nhiệm của giảng viên trường chính trị, mỗi cá nhân cần nâng cao bản lĩnh, tinh thần cảnh giác cách mạng, nâng cao nhận thức đúng đắn, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái để không bị các thế lực thù địch, phản động dụ dỗ, lôi kéo, cài bẫy trong các bình luận, phát ngôn, trên không gian mạng góp phần phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ tư, nắm vững hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển trong thu thập và xử lý thông tin. Giảng viên cần có giác quan chính trị nhạy bén, tư duy lôgic, biện chứng, lập luận sắc sảo, có sức thuyết phục để đấu tranh phản bác có hiệu quả với những quan điểm, tư tưởng phủ nhận, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Xác định “xây” đi đôi với “chống”, chống là phê phán, phản bác; xây là vận dụng, là bổ sung, phát triển. Do vậy, phải phân biệt, nhận diện rõ tư tưởng phản động với những sai lầm, lệch lạc do trình độ nhận thức... không được mơ hồ, lẫn lộn, dao động, hoài nghi, mất cảnh giác hoặc vội vàng kết luận, dễ mắc sai lầm chủ quan, võ đoán.
Có thể nói, với lực lượng, phương thức, thủ đoạn, công nghệ chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt, các thế lực thù địch đang chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, việc tăng cường đấu tranh làm thất bại quan điểm sai trái trên không gian mạng trong bài “thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, Tập 2, Tr. 235-236
[2] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, NXB Lý luận Chính trị
|