Thực tiễn Việt Nam đầu thế kỷ XX đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó đòi hỏi trực tiếp, trước mắt là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; hướng đi nào cho cách mạng Việt Nam, do ai lãnh đạo và lực lượng nào thực hiện. Việt Nam đã đứng trước hai lựa chọn: một là, tiếp tục xây dựng chế độ phong kiến có sự cách tân phù hợp; hai là, đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong bài viết này, tác giả chủ yếu đề cập tới việc vì sao Việt Nam không lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.
Thứ nhất, giai cấp phong kiến đã hết vai trò lịch sử
Đầu thế kỷ XX, khi triều đình nhà Nguyễn chính thức quy hàng thực dân Pháp và biến nước ta trở thành thuộc địa; đã có rất nhiều các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa diễn ra sôi nổi với các khuynh hướng khác nhau ở khắp ba miền đất nước nhưng đều thất bại, làm cho cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc. Chế độ phong kiến và giai cấp phong kiến đã lỗi thời, từ chối sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp, không có khả năng thống nhất toàn bộ phong trào đấu tranh của dân tộc về một mối, thể hiện qua các phong trào đấu tranh lẻ tẻ. Đồng thời chính những người lãnh đạo các phong trào này cũng chưa xác định được bước đi tiếp theo, hơn nữa họ cũng mới chỉ đề cập tới việc giúp vua - “Cần Vương” mà chưa nói tới vấn đề tự do, hạnh phúc của nhân dân. Điều này cho thấy, không thể giành độc lập dân tộc bằng việc tiếp tục đi theo chế độ phong kiến mà cần phải có hướng đi mới phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam lúc đó.
Thứ hai, giai cấp tư sản Việt Nam không đủ khả năng để lãnh đạo cách mạng
Tư sản Việt Nam hình thành và phát triển trong quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Một bộ phận gắn chặt quyền lợi với thực dân, đế quốc, tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế của chính quyền Pháp, trở thành tư sản mại bản. Một bộ phận là giai cấp tư sản dân tộc không dính líu với đế quốc, hoặc dính líu rất ít, có mâu thuẫn với tư bản Pháp và triều đình phong kiến. Họ bị đế quốc, phong kiến ngăn trở cho nên họ cũng muốn chống đế quốc và phong kiến nhưng mặt khác họ là giai cấp bóc lột nên cũng sợ bị giai cấp bóc lột nổi lên đấu tranh. Thực tế lịch sử cho thấy giai cấp tư sản Việt Nam nói chung và tư sản dân tộc Việt Nam nói riêng yếu về kinh tế, phụ thuộc lại ra đời muộn so với giai cấp công nhân. Cho nên dù có tinh thần yêu nước chống đế quốc và phong kiến họ cũng không thể làm lãnh đạo vững chắc cho một phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ để giải phóng dân tộc.
Phong trào cách mạng ở Việt Nam từ sau thế chiến thứ nhất, những người tư sản trí thức và tư sản lớp dưới đi theo con đường nghị viện tư sản ở các nước phương Tây cũng tỏ ra “không chắc chắn, non yếu”, theo kiểu hăng hái nhất thời, “bạo động non” như cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân Đảng ở đầu năm 1930. Đồng thời chính sự xâm lược của thực dân Pháp với chính sách ngu dân đã kìm hãm, ngăn cản quá trình nhận thức của người dân nói chung và giai cấp tư sản nói riêng, không cho những tư tưởng mới được truyền bá vào Việt Nam. Như vậy, muốn làm cách mạng tư sản phải có giai cấp tư sản lãnh đạo, giai cấp tư sản ở nước ta lúc đó đã có nhưng yếu cả về thế và lực, luôn bị chèn ép, không đủ sức để lãnh đạo nhân dân làm cách mạng tư sản giành độc lập dân tộc, nên chúng ta không thể lựa chọn con đường này.
Thứ ba, do chính cuộc xâm lược của thực dân Pháp, nó đã thể hiện bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Khi mở cánh cửa tư bản chủ nghĩa ra, chúng ta đã phải đối mặt với đế quốc Pháp, nếu chúng ta lựa chọn tư bản chủ nghĩa vậy có đúng đắn không, khi mà ta đã nhìn thấy bản chất của tư bản Pháp. Nhân dân Việt Nam nhìn thấy bản chất của tư bản chủ nghĩa thông qua chính sách cai trị của thực dân Pháp. Khi vào xâm lược nước ta, chúng biến nước ta thành thuộc địa, thi hành chính sách ngu dân, đầu độc nhân dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện hủy hoại giống nòi ta. Thực dân Pháp cướp hết ruộng đất của nhân dân làm đồn điền trồng cao su hay tạo thành những vựa lúa lớn, nông dân bị mất đi tư liệu sản xuất và bị biến thành những người làm thuê. Chúng không xóa bỏ chế độ phong kiến vẫn giữ nguyên ông vua nhưng không có quyền lực, chỉ là bù nhìn. Về kinh tế, thực dân Pháp không cho kinh tế nước ta phát triển theo chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng cũng không phải là nền kinh tế của chế độ phong kiến làm cho xã hội Việt Nam chỉ là mớ lộn xộn, nền kinh tế mất định hướng, què quặt và dị dạng, không thể phát triển. Như vậy, lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX đứng trước hai sự lựa chọn nhưng đã không thể lựa chọn con đường nào. Điều này cho thấy, cần phải có một hướng đi mới, con đường cách mạng mới để đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, quá trình hoạt động và tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc
Muốn đánh thắng kẻ thù thì phải hiểu được kẻ thù của chúng ta như thế nào, phải hiểu thật đúng, thật đầy đủ về kẻ đang cướp nước mình, vì thế Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây, sang Pháp - sào huyệt của chủ nghĩa tư bản để tìm hiểu về sự thật ẩn dấu sau khẩu hiệu “bình đẳng - tự do - bác ái”. Đó là cách làm đi tìm con đường, chân lý cách mạng chứ không phải tìm người cứu trợ hay cầu viện bất cứ một nước nào, đây chính là sự đổi mới, táo bạo, đột phá trong tư duy độc lập, tự chủ đồng thời cũng thể hiện phương pháp, tầm nhìn chiến lược về con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - một sự chuyển biến tư tưởng hợp thời, hiện đại. Có thể thấy, quyết định này sẽ đưa lại một sự đảo lộn tương xứng rất sâu xa trong đời sống chính trị của xã hội Việt Nam sau này. Lịch sử đặt ra yêu cầu mới và Nguyễn Tất Thành là người hiện thực hóa nó, bằng tư chất, trí tuệ và mẫn cảm chính trị đặc biệt của mình.
Nguyễn Ái Quốc đã khảo sát và nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản trên đất Mỹ, Anh, Pháp và cách mạng vô sản ở nước Nga. Người đã nghiên cứu kỹ lưỡng các cuộc cách mạng này và có sự lựa chọn phù hợp cho cách mạng Việt Nam. Khi nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản Người đã kết luận, đây là những cuộc cách mạng không đến nơi, sau khi cách mạng thành công người dân lao động không được làm chủ cuộc sống của mình, họ vẫn phải sống cuộc sống vất vả, lầm than. Cách mạng tư sản nổ ra và đã thành công ở Mỹ, Pháp đã mấy trăm năm nhưng những người lao động vẫn đang tính làm cách mạng lần nữa. Vì thế, cách mạng tư sản không đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Khi Nguyễn Ái Quốc tìm đến, khảo sát thực tiễn ở Liên Xô thì Người đã có sự lựa chọn chính xác về con đường cho cách mạng Việt Nam, đó là con đường theo hướng cách mạng vô sản. Người đã đánh giá rất cao cuộc cách mạng tháng Mười Nga, đó là cuộc cách mạng mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, đáp ứng những nhu cầu, lợi ích cơ bản của người dân. Và Người khẳng định: Việt Nam muốn độc lập, tự do phải đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga.
Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh không chỉ giải quyết giải đòi hỏi bức thiết của xã hội Việt Nam là độc lập dân tộc, mang lại tự do cho người dân mà còn giúp chúng ta xóa bỏ áp bức về chính trị của ngoại bang và xóa bỏ sự áp bức, bóc lột của giai cấp để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách triệt để. Sự lựa chọn này mang giá trị kép, thể hiện lòng yêu nước - thương dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời cũng là sự lựa chọn duy nhất đúng của chính lịch sử Việt Nam.
Trải qua hơn 90 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự dẫn lối, soi đường của Tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời đã giành được nhiều thắng lợi to lớn mang tầm vóc thời đại và đặc biệt thành tựu của hơn 35 năm đổi mới đã mở ra cơ đồ, tiềm lực và nâng tầm vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành tựu ấy đã chứng minh cho sự lựa chọn tất yếu của lịch sử Việt Nam, con đường duy nhất đúng đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội./.
|