banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Nghiên cứu trao đổi

MỘT VÀI TRAO ĐỔI VỀ VIỆC CẬP NHẬT NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO BÀI GIẢNG CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH

Nguyễn Thị Loan – Giảng viên Xây dựng Đảng

     Nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí cách mạng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, năng lực hành động cách mạng của từng cá nhân là mục tiêu chính trị quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là các cán bộ cơ sở và cán bộ dự nguồn của các trường Chính trị tỉnh. Bên cạnh chương trình “khung” với các chuyên đề đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn thành những giáo trình hoàn chỉnh, trong quá trình học, các học viên sẽ được cung cấp những kiến thức về các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới nhất của Đảng ở từng thời điểm và qua các kỳ Đại hội.

     Đối với các giảng viên, việc cập nhật thường xuyên nội dung Nghị quyết của các cấp ủy đảng trong bài giảng giúp trang bị cơ sở lý luận và kiến thức thực tiễn phong phú, phục vụ thiết thực cho việc tham chiếu vào các chuyên đề giáo dục lý luận chính trị - hành chính mà mình đảm nhiệm.

     Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ, trường Chính trị Trường Chinh luôn quán triệt giảng viên bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng ở từng nội dung Nghị quyết khi thực hiện các chuyên đề giảng dạy. Để giúp giảng viên được tiếp cận Nghị quyết sớm nhất, đầy đủ nhất, Ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên nhà trường được tham gia, nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết tại hội nghị do tỉnh tổ chức dành cho cán bộ chủ chốt. Nhà trường đã tổ chức các buổi hội thảo khoa học về nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định vào giảng dạy học phần Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; tổ chức hội thảo “Thành tựu và kinh nghiệm 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011)”. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật hệ thống những văn bản mới của Trung ương và của tỉnh trên trang website của nhà trường cũng là nguồn thông tin quý báu, giúp các giảng viên thuận tiện trong tra cứu, cập nhật vào bài giảng.

      Đặc biệt, để Nghị quyết thực sự đi vào bài giảng, nhà trường đã chỉ đạo các khoa chuyên môn và các giảng viên triển khai việc soạn, thông qua giáo án chương trình mới theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trên cơ sở bài giảng được thiết kế phải cập nhật các quan điểm của Nghị quyết và thực tiễn của đất nước, địa phương. Từng đơn vị khoa đã chủ động thực hiện sinh hoạt chuyên môn sâu, thống nhất phương án giảng dạy trong từng chuyên đề và môn học theo nguyên tắc đảm bảo yêu cầu về tính Đảng, tính khoa học, tính thời sự, tính chuyên nghiệp và tính sư phạm cao.

      Tuy nhiên, việc cập nhật và vận dụng các Nghị quyết của Đảng vào bài giảng ở mỗi giảng viên có những mức độ khác nhau. Thực tiễn giảng dạy cho thấy, phần lớn các giảng viên đã cập nhật và áp dụng rất tốt những nội dung mới, có liên quan trong các Nghị quyết, làm bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn, mang tính thời sự, tránh được sự rập khuôn kiến thức trong các giáo trình đã định sẵn. Tuy vậy việc cập nhật và áp dụng các quan điểm của Nghị quyết trong quá trình giảng dạy ở mỗi giảng viên lại có mức độ khác nhau, cách thức triển khai cũng khác nhau, do đó hiệu quả vận dụng không đồng đều.

     Qua thời gian công tác tại Trường, với tuổi nghề còn khá trẻ, bản thân tôi nhận thấy hiện tại có những băn khoăn, khó khăn nhất định trong việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các văn bản của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ địa phương vào trong các bài giảng của mình. Những băn khoăn, khó khăn đó xuất phát ngay từ việc lựa chọn nội dung, phương pháp hay cách thức vận dụng các nội dung của Nghị quyết vào bài giảng.

     Về lựa chọn nội dung của Nghị quyết cập nhật vào bài giảng.

     Đối với một giảng viên khi lên lớp đòi hỏi đặt ra là cần phải truyền thụ, trao đổi hoặc định hướng nghiên cứu với học viên hết những nội dung kiến thức đã được nêu ra trong giáo trình, nhưng nếu chỉ giải quyết hết những nội dung nêu trong giáo trình thì điều đó chỉ mới đáp ứng được tiêu chí “cần”, chứ chưa thỏa mãn tiêu chí “đủ”.

     Để đáp ứng được tiêu chí “đủ”, đòi hỏi người giảng viên cần phải liên hệ thực tiễn, cập nhật, đưa những kiến thức bên ngoài lồng ghép vào trong bài giảng để hầu hết học viên đều hiểu, nắm nội dung của bài, có khả năng vận dụng kiến thức đã được học vào thực tiễn công tác của địa phương, đơn vị mình và của cá nhân mình. Vậy cần phải đưa vào bài giảng những nội dung gì? Liều lượng bao nhiêu là “đủ”? Đây là một câu hỏi khó đối với không ít giảng viên, và càng khó khăn hơn khi đó là những giảng viên tuổi đời, tuổi nghề còn “khá trẻ”, ít kinh nghiệm thực tiễn như chúng tôi. Nếu liên hệ quá ít sẽ không phản ánh hết nội dung muốn đề cập, ngược lại nếu lựa chọn quá nhiều sẽ vô tình biến bài giảng của mình thành một bài báo cáo Nghị quyết, chứ không phải một bài giảng.

     Qua các buổi dự thính, trao đổi và kinh nghiệm bản thân, thiết nghĩ việc lựa chọn các nội dung chính để truyền đạt sao cho phù hợp đòi hỏi những nội dung đó cần phải làm rõ được vấn đề cơ bản sau: Phải toát lên được những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong Nghị quyết; phân tích xâu chuỗi với những nội dung Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng trước đây để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng trên các phương diện lớn và các lĩnh vực cụ thể cũng như trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Đảng. Trên cơ sở giúp học viên hiểu đúng và nắm vững nội dung đã được trình bày trong các Nghị quyết; giảng viên định hướng học viên xây dựng chương trình kế hoạch ở địa phương/ đơn vị mình, định hướng nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với vị trí công tác trên các lĩnh vực cụ thể đúng theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.

     Chẳng hạn, khi giảng các chuyên đề về “Đường lối, chính sách của Đảng & nhà nước về các lĩnh vực đời sống xã hội”, giảng viên phải nghiên cứu và cập nhật vào bài giảng của mình những thông tin mới nhất có trong các văn bản đánh giá thành tựu của địa phương, đất nước trong thời gian qua và những nhiệm vụ, giải pháp quản lý, phát triển kinh tế - xã hội theo các chỉ tiêu phát triển giai đoạn 5 năm 2021-2025. Tùy theo đối tượng học viên mà nhấn mạnh thực tiễn liên quan đến lĩnh vực hay địa phương mà học viên công tác. Chính điều này sẽ giúp học viên nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, liên hệ với những yêu cầu, điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để lựa chọn, xác định và thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đó trong nhiệm kỳ tiếp theo.

     Một ví dụ khác khi tiến hành giảng dạy các chuyên đề về công tác Xây dựng Đảng theo chương trình mới ban hành năm 2021, bên cạnh Báo cáo chính trị Đại hội XIII, giảng viên cần căn cứ vào các Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, các báo cáo tổng kết về công tác xây dựng Đảng của tỉnh trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XIX và phương hướng, nhiệm vụ khóa XX. Trong đó, chú trọng nhấn mạnh những điểm mới của chủ đề Đại hội, những quan điểm, mục tiêu và định hướng xây dựng Đảng; lý giải rõ tại sao Đại hội lại đề ra quan điểm, mục tiêu và định hướng đó trên cơ sở lý luận và thực tiễn gắn với tình hình công tác xây dựng Đảng ở phạm vi đất nước và địa phương. Cập nhật, bổ sung những điểm mới trong các quy định, kết luận, hướng dẫn của Trung ương như Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021, Quy định số 24 QĐ/TW ngày 30/7/2021, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021, Quy định số 41 QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021; Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021… và của tỉnh, lồng ghép, minh họa thực tiễn công tác xây dựng Đảng của đất nước và của tỉnh ở các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, công tác dân vận và kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng… vào các bài giảng thì tiết dạy sẽ sinh động, phong phú về nội dung, học viên sẽ dễ tiếp thu, dễ vận dụng vào thực tiễn công tác của mình.

      Về phương pháp vận dụng các nội dung của Nghị quyết vào bài giảng.

     Bên cạnh khó khăn trong lựa chọn nội dung Nghị quyết để cập nhật vào bài giảng thì việc lựa chọn phương pháp, cách thức phù hợp để lồng ghép, chuyển tải nội dung ấy vào bài giảng cũng là một vấn đề khó khăn không kém mà không ít giảng viên đang gặp phải. Để làm tốt khâu này, có thể thực hiện một số biện pháp sau:

     Thứ nhất, giảng viên trước tiên phải là người thấm nhuần các quan điểm của Đảng được thể hiện trong các Nghị quyết về mọi mặt đời sống xã hội của đất nước và địa phương. Bởi lẽ, giảng viên có thấm nhuần, có hiểu thấu đáo quan điểm của Đảng thì mới thổi được “hồn” Nghị quyết vào bài giảng, mới truyền được ngọn lửa cách mạng, cái tinh túy của trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của Đảng và nhân dân vào trong nhận thức chính trị của cán bộ.

      Thứ hai, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần phát huy tính tích cực, chủ động của học viên thông qua việc yêu cầu họ tự nghiên cứu trước các nội dung trong bài học, đối chiếu với các nội dung có liên quan trong Nghị quyết để nhận thức bước đầu về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Nhiệm vụ tiếp theo là cùng thảo luận dưới sự hướng dẫn của giảng viên để rút ra bài học nhận thức chính trị theo mục tiêu của chuyên đề, khi đó sẽ hình thành ở học viên nhận thức thực tiễn chính trị và thôi thúc hành động cách mạng nhằm cụ thể hóa các quan điểm trong Nghị quyết. Chú ý chắt lọc các kiến thức cốt lõi gắn liền với thực tiễn đang diễn ra, kết hợp với việc lồng ghép các ví dụ thực tiễn sinh động để hướng dẫn học viên tiếp cận kiến thức một cách chủ động.  

     Đối với các chuyên đề nặng về tính lý luận nên tập trung ưu tiên vào mục tiêu giáo dục tư tưởng chính trị và thực tiễn chính trị hơn là chỉ cung cấp kiến thức có sẵn trong giáo trình. Điều này đòi hỏi giảng viên phải có sự đầu tư rất nhiều vào bài dạy, từ phương pháp luận chính trị cho đến thực tiễn cách mạng đã được thể hiện hết trong văn kiện.

     Thứ ba, giảng viên phải thường xuyên cập nhật, bổ sung những nội dung mới của các Nghị quyết vào bài giảng của mình, phân tích cho học viên thấy rõ những điểm mới về nội dung so với nhiệm kỳ trước và vì sao Đảng lại có sự đổi mới như thế, bởi điều đó sẽ giúp cho học viên nhận thức được yêu cầu không ngừng đổi mới mình về nhận thức chính trị và hành động cách mạng, đổi mới về phong cách, thái độ, tác phong làm việc, đổi mới về tư duy lãnh đạo, quản lý. Có như thế thì mục tiêu, nhiệm vụ mới của Nghị quyết mới được cụ thể hóa một cách triệt để và hiệu quả nhất.

      Giảng viên chủ động nghiên cứu thật kỹ lưỡng, tự quán triệt từng nội dung của Nghị quyết, kể cả các nội dung không có liên quan đến chuyên đề mình đang dạy, vì đây là chất liệu thực tiễn chính trị giúp làm rõ các nội dung trong các chuyên đề giảng dạy vốn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Ngoài ra, để cho tiết dạy sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu, giảng viên phải nghiên cứu kỹ từng vấn đề sẽ triển khai trong giáo trình, đồng thời tham chiếu với từng quan điểm, nội dung trong Nghị quyết để minh họa kiến thức thực tiễn, làm cho các nội dung giảng dạy gần gũi với cuộc sống hơn, dễ hiểu hơn, thực tế hơn, từ đó mới nâng cao được trình độ lý luận chính trị của cán bộ, biến lý luận thành hành động cách mạng.

      Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu giảng viên giảng dạy các chuyên đề thiếu “chất liệu” Nghị quyết và yếu tố thực tiễn, chỉ rập khuôn theo giáo trình sẵn có thì học viên sẽ rất khó tiếp thu, họ sẽ thấy kiến thức khô khan, mang tính hàn lâm, từ đó nảy sinh tâm lý ngại học chính trị, khiến cho mục tiêu đào tạo cán bộ khó đạt hiệu quả.

       Như vậy, trong quá trình giảng dạy, bản thân mỗi giảng viên cần phải chủ động nghiên cứu, học tập, chiếm lĩnh mọi vấn đề cốt lõi trong nội dung của từng Nghị quyết, khéo léo lồng ghép, minh họa vào nội dung bài giảng của mình, sao cho mỗi vấn đề lý luận đều được minh họa bằng thực tiễn sinh động, mỗi nội dung truyền đạt phải trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Có như thế, công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng mới đảm bảo hiệu quả tốt và Nghị quyết của Đảng mới thực sự đi vào cuộc sống./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

3. Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

(Nguồn: )

Thông tin khác

SỰ LỰA CHỌN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX
CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN CÓ MÂU THUẪN VỚI MỤC TIÊU TIẾN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM HAY KHÔNG?
TÌM HIỂU ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI
XÂY DỰNG GIAI CẤP CÔNG NHÂN THEO ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
NHỚ ƠN HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM
PHÁT HUY TÍCH CỰC CHỦ ĐỘNG CỦA HỌC VIÊN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
ĐOÀN THANH NIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH HỌC TẬP TINH THẦN TỰ HỌC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH
MỞ RỘNG THẨM QUYỀN BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CHO CHÍNH QUYỀN CẤP HUYỆN, XÃ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CẦN LƯU Ý KHI TRÌNH BÀY THỂ THỨC VĂN BẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 30/2020/NĐ-CP VỀ CÔNG TÁC VĂN THƯ
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI
ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC MỚI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
PHỤ NỮ THAM GIA LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CÁC CẤP Ở TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com