Tóm tắt: Công tác dân vận luôn được xác định là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu tập hợp, vận động, phát huy cao nhất sức mạnh các tầng lớp nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.
Từ khóa: Tăng cường; công tác dân vận; Nam Định
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Ngày 15/10/1949, Bác Hồ viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Chỉ trong một bài báo ngắn gọn, Người đã nêu rất đầy đủ ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của công tác Dân vận trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Bác viết: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; ...”.
Thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 08/8/2022 về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các phong trào thi đua yêu nước trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp. Trong những năm qua, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh được tăng cường và đổi mới theo hướng vì Nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân; góp phần quan trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhờ dân vận khéo, Nam Định đã kêu gọi được sự tham gia của các tầng lớp trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Nam Định là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới năm 2019. Sau đó, Nam Định đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, “tỉnh Nam Định đã có 106/204 (52%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, huyện Hải Hậu 34 xã, Nghĩa Hưng 17 xã, Nam Trực 11 xã, Trực Ninh 10 xã, Vụ Bản 10 xã, Ý Yên 9 xã, Xuân Trường 7 xã, Giao Thủy 6 xã và Mỹ Lộc 2 xã. Đã có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”1.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vấn đề đặt ra trong công tác dân vận tại tỉnh Nam Định. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành chưa thật sự hiểu rõ, hiểu hết về công tác dân vận coi công tác tuyên truyền, vận động là của cơ quan dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiệu quả cải cách hành chính chưa cao. Sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành với Mặt trận và các đoàn thể trong công tác dân vận đội lúc chưa được nhịp nhàng, đồng bộ. Mặt trận và các đoàn thể chưa thực sự đổi mới được nội dung, hình thức, phương pháp tập hợp các đoàn viên, hội viên và nhân dân; công tác phát triển đoàn viên, hội viên còn chậm.
Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 08/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các phong trào thi đua yêu nước trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình hoạt động hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, bảo đảm nguyên tắc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đổi mới nội dung và hình thức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến nhân dân. Tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để vụ việc phức tạp kéo dài, khiếu kiện đông người.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; triển khai quyết liệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử. Xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên có hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đi cơ sở, gần gũi, sâu sát với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, dự báo trước tình hình để chủ động giải quyết kịp thời.
Thứ tư, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận, đặc biệt là việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Để đạt được mục tiêu trên, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có đạo đức cách mạng trong sáng, thật sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu.
Thứ sáu, tổ chức các hình thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp để nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, trong đó chú ý theo dõi những vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm, những diễn biến trên mạng xã hội để có hình thức giải quyết phù hợp. Trong giải quyết, phải quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cần phải xem mạng xã hội là môi trường hoạt động của công tác dân vận, phát huy những yếu tố tích cực của mạng xã hội để làm công tác dân vận. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải có ý thức tuyên truyền, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời có hình thức phù hợp để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc, xấu, độc trên mạng xã hội.
Đảng ta xem công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác dân vận để công tác này có thể “đi trước một bước”, làm cho nhân dân hiểu, nhân dân tin, nhân dân ủng hộ. Như vậy, “ý Đảng” mới phù hợp với “lòng Dân”, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển đất nước./.
https://baochinhphu.vn/nam-dinh-tien-phong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-102220503171621014.htm
|