Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Nhận thức vai trò to lớn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 26-NQ/TW là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn; Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 10/9/2008, Chương trình hành động số 23-Ctr/TU ngày 30/9/2008 để chỉ đạo tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết tới cán bộ chủ chốt của tỉnh; chỉ đạo ban thường vụ các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc tổ chức nghiên cứu, học tập Nghị quyết ở cấp mình và hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng học tập nghị quyết theo đúng yêu cầu, nội dung và thời gian quy định.
Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đã ban hành 06 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 08/11/2010 về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 19/9/2011 về việc tiếp tục dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17/7/2014 về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành 05 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2016 về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nam Định, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Nam Định đã đạt được những kết quả nhất định. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) với tinh thần nghiêm túc, tích cực, đồng bộ và quyết tâm cao, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng, hình thành và xác định được bước đi, cách làm phù hợp với đặc điểm thực tiễn của tỉnh; Với 100% số xã và 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM, tháng 10/2019 Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 và trở thành điểm sáng, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM; Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; Kết quả phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn: So với năm 2008, thu nhập tăng gấp hơn 3,5 lần, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm 70,3% tăng 33,7%, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,44 lần (giảm 0,3 lần); Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả; pháp lệnh dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tích cực, đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một số cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ, toàn diện. Một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nông nghiệp nhìn chung quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa đồng đều; giá trị xuất khẩu thấp; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tuy được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hoá, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận dân cư nông thôn còn khó khăn.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do:
Thứ nhất, một số quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và một số chính sách còn bất cập; bình quân diện tích đất nông nghiệp của các hộ thấp cùng với tâm lý giữ ruộng của người dân ở nông thôn làm cản trở quá trình tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Thứ hai, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm. Sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro trong khi năng suất lao động thấp so với công nghiệp, dịch vụ nên chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Thứ ba, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần nguồn lực rất lớn, trong khi tỉnh Nam Định chưa tự cân đối được thu chi ngân sách.
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa chủ động tổ chức triển khai kịp thời các nội dung của Nghị quyết; chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết và các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp; còn có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của cấp trên.
Thứ năm, một bộ phận người dân nông thôn không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, nhất là lực lượng lao động trẻ.
Tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng, Đảng bộ tỉnh Nam Định cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị và người dân về các vấn đề có liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, coi trọng việc phổ biến, nhân rộng các điển hình trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn.
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, lựa chọn, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả ở nông thôn, nhất là trong lĩnh vực nông thôn. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại; củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã theo hướng sắp xếp, chuyển đổi các hợp tác xã nông nghiệp hiện có theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã kiểu mới theo Luật trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Phát huy các thành quả và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2010-2020, tiếp tục có cơ chế tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở và bảo vệ môi trường ở nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu năm 2025: 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận là huyện NTM kiểu mẫu. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, kết hợp hài hòa với phát triển đô thị văn minh, hiện đại theo quy hoạch.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng, kỹ thuật trong xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Triển khai toàn diện chương trình phát triển khoa học công nghệ. Tiếp cận, ứng dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao... trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp của Tỉnh với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng hóa.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/10/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp đến năm 2020 và các năm tiếp theo... Trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và xây dựng NTM.
Để tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Đảng bộ tỉnh Nam Định xác định sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực: Tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
|