banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC: “BÓNG MA CỘNG SẢN” ĐE DỌA LOÀI NGƯỜI!1

Ths. Phạm Tố Uyên - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Trước những thành tựu rực rỡ của chủ nghĩa xã hội từ sau cuộc khủng hoảng, sụp đổ của mô hình chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch lo ngại về sức ảnh hưởng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay nên chúng tiếp tục điên cuồng chống phá, xuyên tạc bằng mọi thủ đoạn. Một trong những luận điệu trâng tráo, bịp bợm, trắng trợn là họ rằng, thuật ngữ “cộng sản” ngay từ lúc xuất hiện trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo đã xuất hiện dưới hình thức là một sự đe dọa xã hội loài người với tên gọi: “bóng ma cộng sản” đầy đen tối, u ám và đau khổ; rằng “Bóng ma cộng sản đe dọa loài người[1]; “bóng ma cộng sản dần dần trở thành sự thật và đã ám hại 2/3 nhân loại trong suốt thời gian kéo dài hơn 150 năm, bóng ma đã hiện hình thành một mỹ nhân đầy quyến rũ, nhưng khi quyến rũ xong thì nó lộ mặt1; rằng “chủ nghĩa cộng sản là huyền thoại do C.Mác vẽ ra như một thiên đường là do cuộc đời của C.Mác quá nghèo khó vì thế đã sinh ra lòng ghen ghét, khiến Mác đi đến quyết định dùng hết khả năng và đời mình để tạo ra một huyền thoại dùng làm vũ khí để trả thù chứ không phải để cứu vớt nhân loại”1 … (!).

Thế nhưng, nếu ai đã từng đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng biết rằng cái “bóng ma cộng sản” được C.Mác và Ph.Ăngghen viết ngay những dòng đầu tiên của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - nguyên văn đầy đủ là: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu; bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các thế lực châu Âu cũ, Giáo hoàng và Nga Hoàng. Mét-tec-ních và Ghi đô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức đều liên hiệp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó… Từ đó rút ra hai kết luận: Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở châu Âu thừa nhận là một thế lực. Hiện nay, đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một tuyên ngôn của đảng mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”[2].

Như vậy, sự ra đời của “bóng ma cộng sản” được nảy sinh từ sự khiếp sợ, lo ngại của các thế lực phong kiến, tư sản, tôn giáo ở châu Âu, chứ đâu phải chủ nghĩa cộng sản xuất hiện dưới hình thức đe dọa siêu hình là một “bóng ma”. Đó là do các thế lực phong kiến, tôn giáo, tư sản tự đặt ra, tự nghĩ ra - điều đó cũng thể hiện sức ảnh hưởng to lớn trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân do những người cộng sản lãnh đạo ngày càng phát triển, lan rộng ở các quốc gia châu Âu và đang thu hút, lôi cuốn sự quan tâm, thức tỉnh của hàng triệu quần chúng lao động bị áp bức, bị bóc lột.

Vì thế, để đấu tranh quyết liệt với những luận điệu đơm đặt, lừa bịp, vô liêm sỉ đó và khẳng định sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, cần chú ý mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, về mặt lý luận

Cần khẳng định ý nghĩa, giá trị lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết về giá trị thặng dư. Mặc dù ra đời đã hơn 170 năm nhưng đến nay chưa có học thuyết nào vượt qua học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác. Khi nghiên cứu quá trình phát triển của xã hội loài người, Mác rút ra kết luận: “sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”[3]. Trong các hình thái kinh tế - xã hội, sự vận động và mâu thuẫn về kinh tế dẫn đến sự vận động và mâu thuẫn trong chính trị và xã hội. Về kinh tế, đó là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Từ đó, biểu hiện về mặt chính trị là mâu thuẫn giữa giai cấp tiên tiến đại diện cho lực lượng sản xuất đang phát triển và giai cấp bảo thủ đại diện cho quan hệ sản xuất lạc hậu. Mâu thuẫn giữa hai giai cấp này dẫn đến đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, để xóa bỏ quan hệ cũ đã lỗi thời, xác lập quan hệ sản xuất mới. Thực chất đây là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Mâu thuẫn này tất yếu dẫn đến cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản (hay nói cách khác là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân) để xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và xác lập quan hệ sản xuất cộng sản chủ nghĩa.

Đây vẫn là học thuyết khoa học, sáng tạo, đúng đắn nhất trong việc luận giải tiến trình đi lên của lịch sử loài người, là cơ sở lý luận cơ bản nhất để luận giải cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bên cạnh đó, từ việc đi sâu vào nghiên cứu và phân tích học thuyết về giá trị thặng dư, Mác đã rút ra được những quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nó đã tạo ra những tiền đề về vật chất, kinh tế, xã hội phủ định chính nó. Quy luật này tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản thay thế bằng xã hội mới cao hơn. Sự tác động của quy luật này làm cho mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất và tính chất tư nhân về tư liệu sản xuất trong quan hệ sản xuất của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu sắc. Nó không chỉ tạo ra những tiền đề xã hội mà quan trọng là đã tạo ra những tiền đề vật chất, kinh tế cho sự phủ định chủ nghĩa tư bản và khẳng định sự ra đời tất yếu, khách quan của chủ nghĩa cộng sản.

Những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin là luận cứ khoa học chắc chắn đập tan sự xuyên tạc, bóp méo về cái gọi là “sự đe dọa siêu hình của bóng ma cộng sản” từ các thế lực thù địch.

Thứ hai, về mặt thực tiễn

Chủ nghĩa tư bản hiện nay đã tận dụng sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ để có những điều chỉnh, thích nghi nhưng bản chất không hề thay đổi, vẫn tồn tại nhiều bất ổn, khuyết tật. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì các mâu thuẫn nội tại của nó càng sâu sắc; xu thế xã hội hoá sản xuất ngày càng trở lên không thể chịu đựng nổi trong vỏ bọc của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Bởi lẽ, cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản là quan hệ bóc lột của các nhà tư bản đối với công nhân làm thuê. Quá trình đó đã tạo ra sự chênh lệch giàu và nghèo giữa các nước trên thế giới và chính trong lòng các nước tư bản. Bản chất này biểu hiện ngay từ khi chủ nghĩa tư bản mới ra đời. C.Mác chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản ra đời gắn liền với quá trình tích lũy nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản. Thực chất, đó là quá trình tích lũy tiền tệ nhờ vào những biện pháp ăn cướp, tước đoạt đối với những người sản xuất hàng hóa nhỏ và nông dân tự do; nhờ vào hoạt động buôn bán, trao đổi không ngang giá qua đó mà thực hiện bóc lột, nô dịch đối với những nước lạc hậu.

Hơn nữa, chủ nghĩa tư bản là thủ phạm chính gây ra các cuộc chiến tranh thế giới với mục đích tranh giành thị trường, cũng là nơi khởi nguồn cho các cuộc chiến tranh và chạy đua vũ khí trên thế giới, để lại cho loài người những hậu quả nặng nề. Điển hình là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã làm 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương. Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939- 1945) do các nước đế quốc tiến hành đã làm chết 61 triệu người tại các nước Đồng minh. Sau đó là cuộc chiến tranh lạnh do chủ nghĩa đế quốc khởi xướng diễn ra trong 5 thập kỷ, đây là thời gian căng thẳng chạy đua vũ trang lớn nhất trong lịch sử loài người. Từ đó đến nay, chủ nghĩa đế quốc tiếp tục tiến hành các cuộc chiến tranh đơn phương, gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân các nước trên thế giới. Trong khi đó các nước xã hội chủ nghĩa ra đời, đứng đầu là Liên Xô đã anh dũng đấu tranh chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt Quân đội và nhân dân Liên Xô đã có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức, quân phiệt Nhật, cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa đã trở thành trụ cột của hòa bình, ổn định thế giới, có công lao to lớn ngăn chặn, không để xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân.

Chủ nghĩa tư bản còn tăng cường vơ vét tài nguyên, bóc lột công nhân các nước nghèo và tìm cách khống chế họ trong vòng phụ thuộc thông qua các con đường xuất khẩu tư bản, viện trợ, cho vay... Kết quả là các nước nghèo không những bị cạn kiệt về tài nguyên mà còn để lại những tổn thương vô cùng to lớn, bị mắc nợ không trả được, điển hình là các quốc gia ở Châu Phi, Châu Mỹ La tinh. Dù Châu Phi nổi tiếng về khoáng sản, nguyên vật liệu và các nguồn năng lượng nhưng lại rơi vào nghịch lý là châu lục nghèo nhất thế giới theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Không chỉ dừng lại ở đó, một căn bản trầm kha của chủ nghĩa tư bản mà Lênin gọi là “người bạn đường”: khủng hoảng kinh tế theo chu kì. Điều này cũng nói lên những giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, chủ nghĩa tư bản tất yếu phải được thay thế bằng chế độ kinh tế - xã hội mới. Đó là xã hội tốt đẹp mà trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[4] - xã hội cộng sản chủ nghĩa - giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Như vậy thì “bóng ma cộng sản” ấy sao có thể đe dọa loài người như sự vu cáo trắng trợn của các thế lực thù địch, phản động đã rêu rao!

Thực tiễn đấu tranh cách mạng đã chứng minh, C.Mác là nhà tư tưởng vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Chính C.Mác đã tự nguyện cống hiến cả cuộc đời mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng loài người khỏi áp bức, bóc lột, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới. Vì mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống vĩ đại đó mà C.Mác chấp nhận mọi thách thức, khó khăn, gian khổ, sẵn sàng cống hiến cả đời mình. Vì thế, những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động về những cống hiến của C.Mác, về “bóng ma cộng sản” là sự xuyên tạc sự thật, chúng ta phải kiên quyết lên án và bác bỏ những luận điệu sai trái phản động đó.

Đối với Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin chính là cơ sở lý luận để Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết định lựa chọn con đường mới với mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường phát triển mang tính đặc thù - con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách thức phát triển này cho phép giải quyết một cách triệt để mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp của xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Như vậy, con đường quá độ với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn - lịch sử dân tộc mang đậm tính đặc thù của Việt Nam đã được khẳng định. Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp với bối cảnh mới, tại Đại hội XIII (2021), Đảng ta khẳng định: “lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”[5]. Có thể nói, đường lối đổi mới đất nước cũng là cơ sở lý luận quan trọng để chúng ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thực tiễn Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, là một nước thuộc địa nửa phong kiến và cũng đã trải qua những cuộc thử nghiệm của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp để lựa chọn con đường cứu nước song đều thất bại. Việc tìm ra một hướng đi mới, một hệ tư tưởng mới soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi đã trở thành động lực, đòi hỏi bức thiết thôi thúc mạnh mẽ các nhà yêu nước thời kỳ này. Không những thế, lần đầu tiên khát vọng của nhân loại về một xã hội tự do, công bằng, bình đẳng, dân chủ đã trở thành hiện thực sau thắng lợi vang dội của Cách mạng Tháng Mười Nga với sự ra đời của Nhà nước Xôviết. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động từ thân phận bị áp bức, bóc lột đã trở thành chủ nhân xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới. Vì vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã trở thành biểu tượng và tạo động lực to lớn thôi thúc các dân tộc thuộc địa noi theo, trong đó có Việt Nam. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của những người cộng sản Việt Nam và con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội càng có thêm cơ sở thực tiễn để lựa chọn.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn nêu trên đã giúp cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”[6]. Thực tiễn đã chứng tỏ con đường cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội là hết sức đúng đắn, sáng tạo; đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế do Đảng ta khởi xây, lãnh đạo, tổ chức thực hiện rất phù hợp với nhịp bước của thời đại.

Những thành tựu của đất nước kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đến nay, đặc biệt là từ khi Đổi mới (1986) là những bằng chứng sinh động đập tan mọi âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch về cái gọi là “bóng ma cộng sản”, nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Cơ đồ đất nước ngày càng lớn mạnh, vững chắc tạo phong độ mới, thế mới, lực mới để Việt Nam vươn tầm, có đủ sức lực và trí tuệ để sánh vai cùng bạn bè thế giới. Chúng ta tin tưởng rằng, cơ đồ đất nước sẽ ngày càng vững chắc hơn, tươi sáng hơn với mục tiêu cao đẹp: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

 

[1]Bài “Họa Cộng sản” - Nguyễn Cao Quyền đăng trên trang “Danlambao”

[2] C.Mác và Ph. Ăng ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự Thật. Hà Nội 1995, tập 4,tr.595

[3] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 21

[4]  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.628

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.103.

[6] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2020-/-/2018/815925/dien-van-cua-tong-bi-thu%2C-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam.aspx

(Nguồn: )

Thông tin khác

ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI QUAN ĐIỂM LỆCH LẠC VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THANH NIÊN HIỆN NAY
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 CÓ PHẢI LÀ CUỘC CÁCH MẠNG "ĂN MAY"?
ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH TỰ HÀO VÀ TIN TƯỞNG DƯỚI LÁ CỜ VẺ VANG CỦA ĐẢNG, ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ
CÓ PHẢI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM "CHỈ TIẾN CÔNG VÀO MỘT CÁNH CỬA CHÍNH TRỊ KHÉP HỜ"?
CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GẮN VỚI BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH
CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU LỢI DỤNG TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
PHÒNG, CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN THEO TINH THẦN TÁC PHẨM "NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN" TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com