banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU LỢI DỤNG TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Nguyễn Thị Loan - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Kể từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Cùng với chủ trương đối ngoại rộng mở của Đảng, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, kèm theo đó là cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn chung, trong đó có vấn đề quyền của người lao động trong tham gia tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài công đoàn Việt Nam. Đây là vấn đề có tính quy luật, phù hợp với xu thế chung và là một trong những “chìa khóa” để nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên cũng đặt ra thách thức đối với công đoàn Việt Nam khi các thế lực thù địch có âm mưu lợi dụng các tổ chức này để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây mất ổn định sản xuất và trật tự chính trị, xã hội.

Trong thực tiễn, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng việc xúc tiến thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp theo cam kết của Việt Nam khi ký kết tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019. Chúng công khai lộ trình gồm 4 giai đoạn: (1) Yêu cầu Việt Nam sớm ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động; (2) Từng bước tác động để người lao động thay đổi nhận thức và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện người lao động; (3) Hình thành tổ chức “Công đoàn độc lập” để tạo ra sự cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam; (4) Khi đa nguyên công đoàn thì Việt Nam sẽ đa nguyên về chính trị. Lợi dụng những khó khăn trong đời sống, việc làm và những bức xúc trong tâm trạng, tư tưởng của người lao động, những mâu thuẫn giữa người lao động với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, các thế lực thù địch đã tuyên truyền, gieo rắc những luận điệu bất mãn xúi giục công nhân, kích động, lôi kéo họ bày tỏ ý kiến, chia sẻ vụ việc, vấn đề cá nhân lên không gian mạng, tham gia các hoạt động trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết và gây nhiễu loạn xã hội. Hoạt động này đã làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các tổ chức “Công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” biến tướng ở Việt Nam, gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân, đe dọa trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng.

Mục đích trực tiếp của chúng nhằm phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam; những giá trị truyền thống và vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Mục đích sâu xa nhằm chống phá sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động quản lý của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hoạt động chống phá này của chúng chủ yếu tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong nước, sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, hoặc thời điểm xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm.

Nhận thức được tính tất yếu của việc cho phép thành lập tổ chức người lao động tại doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngay từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã xác định “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức Lao động Quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội1. . Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau khi định hướng một số nhiệm vụ lớn xây dựng giai cấp công nhân và phát triển tổ chức công đoàn đã khẳng định “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay2. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới nêu rõ giải pháp: “Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự”3.

Như vậy, quan điểm về tổ chức của người lao động trong 3 Nghị quyết quan trọng của Đảng có sự thống nhất xuyên suốt:

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm quyền thành lập tổ chức của người lao động như đã cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các tổ chức này ra đời và hoạt động phải đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật Việt Nam, vì lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và xã hội;

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tốt sự ra đời và hoạt động của tổ chức này;

Thứ ba, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, Công đoàn Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và xâm phạm quyền lợi của người lao động.

Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...Công đoàn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; xây dựng, chỉnh đốn và bảo vệ Đảng”. Như vậy, tổ chức Công đoàn bên cạnh việc chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên cần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch đặc biệt trong điều kiện đất nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Để vượt qua thách thức khách quan, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch, thực hiện tốt vai trò của mình, công đoàn các cấp cần chú ý một số giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ công đoàn và người lao động hoạt động trong các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư của nước ngoài) về nội dung cam kết cụ thể trên lĩnh vực lao động và công đoàn, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định trong hệ thống công đoàn và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được đầy đủ và hiệu quả.

Hai là, tổ chức nhiều hình thức để phát huy vai trò của cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động, những nhà khoa học nghiên cứu về lao động và công đoàn… trong tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến lao động và công đoàn trong Hiệp định CPTPP theo Nghị quyết số 72/2018/QH ngày 12-11-2018.

Ba là, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo việc làm, nâng cao trình độ cho đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn nghiên cứu, khảo sát, dự báo tình hình tác động đến việc làm của người lao động; cập nhật, cung cấp thông tin về việc làm; tham gia xây dựng cơ chế hỗ trợ đoàn viên tìm kiếm việc làm mới, nhất là lao động nữ khi bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh. Thành lập chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp. Đồng thời nghiên cứu những tác động của Hiệp định CPTPP đến vấn đề lao động, việc làm, đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP.

Bốn là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị đã đề ra. Cụ thể: tập trung nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ cấp thiết của tổ chức công đoàn; hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn các cấp theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn của mỗi cấp công đoàn, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn ngành trung ương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở… để Công đoàn thực sự đủ mạnh, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Năm là, kiến nghị với Đảng ban hành Nghị quyết về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Công đoàn; kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để hoạt động của tổ chức Công đoàn thực sự có hiệu quả, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05-11-2016 Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế mới.

2 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.166.

3 Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

(Nguồn: )

Thông tin khác

PHÒNG, CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN THEO TINH THẦN TÁC PHẨM "NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN" TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com