banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GẮN VỚI BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH

Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, thường xuyên và lâu dài. Không chỉ mang tính thời sự mà còn là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Đảng ta. Để góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay thì việc đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị ở trường chính trị Trường Chinh gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xem là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược...

Từ khoá: công tác lãnh đạo chỉ đạo giảng dạy lý luận chính trị; giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Trường Chính trị Trường Chinh

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.  Để công tác đào tạo lý luận chính trị trong Đảng đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh cần tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày 21-1-2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị) thay thế các Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG, 3136/QĐ-HVCTQG, 8008-QĐ/HVCTQG trước đó Nội dung chương trình trung cấp lý luận chính trị được chia làm 5 phần lớn: (i) Nội dung cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (ii) Lịch sử Đảng và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; (iii) Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; (iv) Quản lý hành chính nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; (v) Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương.

Chương trình trung cấp lý luận chính trị hướng đến mục tiêu rèn luyện năng lực vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, với những quyết tâm mới trong việc thực hiện những mục tiêu chiến lược của đất nước. Chương trình cũng hướng đến việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; rèn luyện năng lực lãnh đạo trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, năng lực quản lý của chính quyền các cấp; đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Như vậy, nội dung chương trình trung cấp lý luận chính trị thống nhất với yêu cầu của Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Để đảm bảo thực hiện tốt việc giảng dạy lý luận chính trị gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, công tác lãnh đạo chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường giữ vai trò quan trọng.

Thứ nhất, giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhà trường đã chỉ đạo xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ 35 và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW; Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT về việc triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Kế hoạch thực hiện số 68-KH/TU về “Thực hiện Nghị quyết số 35- NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã kịp thời ban hành Quyết định 74A-QĐ/TCTTC ngày 20-4-2021 thành lập Tổ công tác 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Quy chế 26A-QC/TCT35 ngày 20-4-2021 về quy chế hoạt động của Tổ công tác 35; Quyết định 74B-QĐ/TCTTC ngày 20-4-2021 thành lập Nhóm Chuyên gia và Bộ phận giúp việc 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Quy chế 26B-QC/TCT35 ngày 20-4-2021 về quy chế hoạt động của Nhóm chuyên gia 35. Theo đó, Tổ công tác 35 của nhà trường được thành lập gồm 3 đồng chí; Thành lập Nhóm Chuyên gia gồm 5 đồng chí và Bộ phận giúp việc gồm 10 đồng chí. Đồng thời, nhà trường cũng đã kịp thời xây dựng các trang, nhóm phục vụ công tác thực  hiện Nghị quyết 35 như: trang Trường Chính trị Trường Chinh, nhóm Kiến thức lý luận cơ bản. Nhiệm vụ được phân công cho từng thành viên của tổ công tác 35 trên cơ sở năng lực, chuyên môn của từng người. Trong thời gian qua hoạt động trên những trang, nhóm này đã đạt được nhiều kết quả tích cực đã có hàng nghìn bài viết, chia sẻ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chất lượng các bài viết được nâng cao, nhiều bài viết hướng vào giải quyết các vấn đề “nóng”, “nổi” được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, phản bác trực diện các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở đó, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhà trường.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo việc tích hợp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Nhà trường xác định công tác nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố quan trọng trực tiếp tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị; đồng thời góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngày 20/1/2021 Đảng ủy trường Chính trị Trường Chinh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại trường Chính trị Trường Chinh giai đoạn hiện nay. Thực hiện Nghị quyết từ năm 2020 đến nay nhà trường đã và đang thực hiện 18 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó, có 14 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường[1], 4 đề tài khoa học cẩp tỉnh[2], 18 hội thảo, toạ đàm các cấp. Trong đó có những đề tài, hội thảo, toạ đàm trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như: Đề tài: “Giảng dạy Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ở trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định hiện nay”; “Nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên qua giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tại trường Chính Trị Trường Chinh tỉnh Nam Định hiện nay; “Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới ở tỉnh Nam Định hiện nay”,…Các Hội thảo khoa học như: “Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới ở tỉnh Nam Định hiện nay”; “Thành tựu và kinh nghiệm 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) tại tỉnh Nam Định”; “Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác”; “Nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào giảng dạy môn Lịch sử Đảng và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam”; “Giảng dạy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định hiện nay - Thực trạng và giải pháp.”; toạ đàm: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”,…

Trong thời gian qua, nhà trường cũng đã xây dựng được các tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên website, trang thông tin điện tử của nhà trường.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo công tác biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy trực tiếp có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Trong công tác giảng dạy Nhà trường đã từng bước chú trọng lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong từng bài giảng của giảng viên, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã thực hiện biên soạn Tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Nam Định” thuộc chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Trong đó có chuyên đề số 4: “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở Nam Định”. Hiện nay, tập bài giảng đã được nhà xuất bản Lý luận chính trị phát hành và đưa vào giảng dạy tại nhà trường. Không chỉ chương trình trung cấp lý luận chính trị, một số chương trình khác được triển khai thực hiện tại nhà trường cũng đã đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào giảng dạy, điển hình như chương trình bồi dưỡng cấp ủy ở cơ sở “Cấp ủy cơ sở với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay”; chương trình bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý (đối tượng 4).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại trường Chính trị Trường Chinh vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa xây dựng được chiến lược tổng thể để tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Nhà trường cũng chưa xây dựng được bộ quy chế quy định về chế độ, trách nhiệm, cũng như khuyến khích, động viên các khoa, phòng, giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch đòi hỏi nhà tường phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần coi việc tăng cường tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, quan trọng nhất trong các nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Gắn chặt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của nhà trường với nâng cao hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh, phát huy vai trò cấp ủy, lãnh đạo các khoa, phòng cần chủ động dự báo, nắm bắt, phát hiện âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để tổng hợp, cung cấp các thông tin cần thiết, kịp thời, làm tư liệu, tài liệu giúp đội ngũ giảng viên nghiên cứu, đưa vào các bài giảng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị.

Thứ hai, chi ủy, lãnh đạo các khoa, phòng cần thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn để đưa các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào các buổi sinh hoạt thường kỳ, phù hợp tình hình đặc điểm của chi bộ, của đơn vị; Thường xuyên kiểm tra đội ngũ giảng viên thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng; kịp thời phát hiện và biểu dương những giảng viên có nhận thức, năng lực, kỹ năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các bài giảng. Đồng thời, uốn nắn những hạn chế về nhận thức, năng lực và phương pháp đấu tranh của giảng viên. Phát huy trách nhiệm, khả năng của các giảng viên có kỹ năng, kinh nghiệm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp đỡ đội ngũ giảng viên trẻ.

Thứ ba, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cấp uỷ, lãnh đạo các khoa, phòng, Hội đồng khoa học nhà trường phải có định hướng, xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ, xuyên suốt các hoạt động quản lý đào tạo, giảng dạy tích hợp giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Xây dựng và nhân rộng điển hình, tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng; động viên, khuyến khích kịp thời những tập thể và cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ tư, Nâng cao nhận thức và sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường; đề cao ý thức trách nhiệm của khoa chuyên môn, đội ngũ giảng viên đối với yêu cầu tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Quá trình lồng ghép, tích hợp phải đảm bảo tính khoa học, tính chiến đấu, tính Đảng trong mỗi bài giảng, mỗi phần học. Qua đó hình thành thái độ, niềm tin, định hướng tư tưởng chính trị cho học viên có thái độ đúng đắn trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chính trị.  

Thứ năm, tiếp tục tuyên truyền, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào trong sinh hoạt của Đảng bộ, các chi bộ trực thuộc, sinh hoạt chuyên đề; yêu cầu cán bộ, đảng viên, học viên tiếp cận, sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả và chủ động tăng cường chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn, xóa bỏ thông tin xấu, độc.

Như vậy, để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ về tư tưởng, quyết tâm của cả nhà trường; sự chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, lòng trung thành, hy sinh của đội ngũ giảng viên, có như vậy mới làm tròn bổn phận và trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó. Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định mới có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ mới đặt ra./.


 

 

[1]Năm 2020: “Đảng bộ huyện Giao Thuỷ lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội gắn với quốc phòng-an ninh giai đoạn hiện nay”; “Công tác thông tin tuyên truyền trong quản lý nhà nước về văn hóa ở cơ sở tại tỉnh Nam Định hiện nay

Năm 2021: “Biên soạn tài liệu phần học thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tại tỉnh Nam Định thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị”; “Giảngdạy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với Nghị Quyết 35 của Bộ chính trị khóa XII ở trường chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định hiện nay” và “MTTQVN cấp xã thực hiện giám sát đối với hoạt động của chính quyền cùng cấp tại huyện Hải Hậu hiện nay”

Năm 2022:Xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn hiện nay”; “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn quản lý hành chính nhà nước, chương trình Trung cấp lý luận - chính trị tại trường Chính trị Trường Chinh”;“Nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên qua giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tại trường Chính trị Trường Chinh hiện nay”.

   Năm 2023: Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị tại tỉnh Nam Định hiện nay”; “Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số cấp xã tại tỉnh Nam Định hiện nay”; “Công tác vận động đồng bào Công giáo của Đảng bộ cấp huyện tỉnh Nam Định hiện nay”

Năm 2024: “Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn hiện nay”; “Công tác xây dựng và ban hành văn bản quản lý Nhà nước của UBND xã, phường trên địa bàn thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định”; “Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định”

[2] Đề tài: “Nghiên cứu công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định”; “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở tỉnh Nam Định hiện nay”; “Phát triển kinh tế ven biển ở tỉnh Nam Định hiện nay”

 

(Nguồn: TS. Vũ Ngọc Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường)

Thông tin khác

CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU LỢI DỤNG TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
PHÒNG, CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN THEO TINH THẦN TÁC PHẨM "NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN" TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com