Tới dự buổi tọa đàm có đồng chí
Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định, Bí thư Đảng Ủy, Giám
đốc nhà trường; đồng chí Hoàng Đình Trung, Phó Bí thư Đảng Ủy, Phó Giám Đốc nhà
trường và các đồng chí trong Đảng ủy, Ban giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng
cùng toàn thể các đồng chí giảng viên nhà trường.
Với mục đích tạo diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh
nghiệm về phương pháp giảng dạy giữa các giảng viên trẻ và giảng viên có kinh
nghiệm; tham gia đóng góp và đề xuất với lãnh đạo nhà trường những giải pháp
nhằm nâng cao chất lượng chất lượng và hiệu quả giảng dạy các chương trình đào
tạo, bồi dưỡng giai đoạn hiện nay trong đội ngũ giảng viên trẻ. Thông qua đó tiếp
tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và lãnh đạo các khoa,
phòng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ giảng viên trẻ.
Hoạt động tọa
đàm cũng thể hiện sự cố gắng nỗ lực của thế hệ giảng viên trẻ của nhà trường
thi đua lập thành tích cao nhất hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường
(9/6/1956- 9/6/2016).
Trong bầu không khí dân chủ,
trí tuệ, tọa đàm đã chia sẻ nhận thức của đoàn viên về những ưu điểm và hạn chế
của giảng viên trẻ trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Tọa đàm
xác định, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ tại nhà trường là yêu cầu cấp thiết và đoàn viên thanh niên là lực
lượng xung kích đi đầu trong đổi mới. Điều này xuất
phát từ thực tế hiện nay là đội ngũ đoàn viên thanh niên là giảng viên chiếm tỷ lệ tương đối
lớn (gần 50 %) đội ngũ giảng viên của nhà trường. Giảng viên trẻ có tinh thần,
nhiệt huyết và được đào tạo bài bản nhưng kinh nghiệm giảng dạy cũng như kiến
thức thực tế còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó,
sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho người học có nhiều cách tiếp cận
tri thức ngoài thời gian lên lớp; việc thay đổi một số chương trình đào tạo,
bồi dưỡng trong thời gian qua cũng như trình độ người học hiện nay ngày càng
cao, đòi hỏi kiến thức ngày càng sâu rộng. Chính vì vậy đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu khách quan và cấp
thiết hiện nay.
Tọa đàm xác định, đổi mới phương pháp giảng dạy là cần
thiết song đổi phương pháp giảng dạy không có nghĩa là thay thế phương pháp
giảng dạy thuyết trình truyền thống bằng phương pháp hiện đại mà phải biết kết
hợp có hiệu quả giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp giảng dạy
hiện đại, trong đó có sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại như máy
tính, máy chiếu hay bảng cảm ứng… Trong thực tế bất kỳ phương pháp giảng dạy
nào cũng có ưu điểm và hạn chế nhất định. Do đó, để nâng cao chất lượng và hiệu
quả giảng dạy các chương trình đào tạo của nhà trường trong giai đoạn hiện nay,
mỗi giảng viên phải biết kết hợp có hiệu quả các phương pháp giảng dạy cũng như
biết sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại.
Tọa đàm cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập trong thực
tế áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, như trình độ người học giữa các lớp
không đồng đều, sĩ số lớp đông... Qua đó, tọa đàm cũng đề xuất các giải pháp
nhằm nâng cao hiệu quả các sử dụng các phương pháp trong giảng dạy cho đội ngũ
giảng viên trẻ của nhà trường.
Tại buổi tọa đàm, các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám
đốc nhà trường, các đồng chí lãnh đạo các khoa, phòng và giảng viên có kinh
nghiệm đã chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy của mình cho giảng viên trẻ. Cùng
với các ý kiến trao đổi của giảng viên trẻ, tọa đàm đã kết luận: Đổi mới phương
pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy là cần thiết, song để
vận dụng có hiệu quả các phương pháp giảng dạy thì giảng viên phải có kiến thức
chuyên môn sâu rộng và cần xác định rõ ràng mục đích, yêu cầu cũng như đối
tượng người học.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Hoàng Đình Trung,
Phó bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc nhà trường đã ghi nhận những nỗ lực của Đoàn
thanh niên nhà trường trong tổ chức tọa đàm và khẳng định đây là diễn đàn hết
sức bổ ích cho đội ngũ giảng viên trẻ cần được tiếp tục phát huy trong thời
gian tới./.
|