banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 69 năm Ngày thành lập trường chính trị trường chinh tỉnh nam định (09/6/1956-09/6/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Tin tức - Hoạt động

TỌA ĐÀM PHỤ NỮ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH

Chiều ngày 07/3/2016, trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.

Ban Giám đốc tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Dung - Trưởng khoa Dân vận, Trưởng Ban Nữ công và các đồng chí cán bộ, giảng viên, nhân viên nữ của nhà trường nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

 

 

           Tham dự buổi lễ có: Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nhà trường; các đồng chí trong Ban Giám đốc; các đồng chí lãnh đạo các khoa, phòng, đoàn thể và các đồng chí cán bộ, giảng viên, nhân viên nữ của nhà trường.

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Dung - Trưởng khoa Dân vận, Trưởng Ban Nữ công nhà trường đã ôn lại lịch sử ra đời của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cùng truyền thống đấu tranh anh hùng của phụ nữ khắp nơi trên thế giới và nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ Việt Nam từ thời đại xưa đến thời đại nay. Đặc biệt, nêu bật những thành tích đóng góp của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nữ trong sự phát triển chung của nhà trường.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nhà trường ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, đóng góp to lớn của chị em phụ nữ và gửi lời cảm ơn đến các đồng chí đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn phấn đấu giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đồng thời mong rằng, chị em phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó để lập nhiều thành tích chào mừng 60 năm ngày thành lập trường (09/6/1956-09/6/2016).

Tại buổi Lễ các cán bộ, giảng viên, nhân viên nữ nhà trường cũng đã được nghe các tham luận về những kinh nghiệm nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như việc chăm sóc gia đình và nuôi, dạy con ngoan:

 

MỘT SỐ KINH NGHIỆM NUÔI CON KHỎE, DẠY CON NGOAN

 

                 Trần Thùy Dương

                Phó Trưởng phòng Đào tạo

 

            Gia đình tôi luôn được mọi người khen là gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Chúng tôi có hai con, một gái và một trai. Con gái của tôi năm nay học lớp 8 tại trường Chuyên của huyện. Con trai học lớp 1 tại trường Tiểu học gần nhà. Cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. Khó khăn lớn nhất với tôi, đó chính là khoảng cách từ nhà đến trường khá xa nhưng với tôi, đã thành quen thuộc, trong suốt 15 năm qua.

            Làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, lại vừa chăm lo chu đáo cho gia đình? Đây là vấn đề không đơn giản! Để xây dựng và giữ gìn gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con khoẻ mạnh, chăm ngoan, luôn là vấn đề trăn trở với tôi. Song, với sự quan tâm hỗ trợ của gia đình hai bên nội, ngoại, sự thông cảm, chia sẻ của chồng tôi, với ý thức của các con, sự nỗ lực của bản thân tôi, giúp tôi hoàn thành tốt hai nhiệm vụ quan trọng đó.

             Ngày tháng qua đi, công việc cuốn theo thời gian, các con dần lớn lên và trưởng thành về mọi mặt từ nhận thức, suy nghĩ, các con đều ngoan ngoãn, biết vâng lời ông bà, bố mẹ, người thân chăm chỉ học hành. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình chúng tôi.

            Chị em chúng ta, ai cũng mong muốn một điều: con mình được khoẻ, chăm ngoan, học giỏi. Cần làm gì để đạt được mong muốn đó, tôi muốn chia sẻ với các chị về việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

             Để có kiến thức trong sinh hoạt gia đình nói riêng, và kiến thức xã hội nói chung, bản thân tôi thường xuyên học hỏi, cập nhật các thông tin  trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp, chị em có con cùng lứa tuổi, người thân trong gia đình về giáo dục con ở lứa tuổi trưởng thành, vấn đề giữ gìn hạnh phúc gia đình...Tôi tiếp thu các thông tin quan trọng, bổ ích, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình, chọn lọc vấn đề hay để áp dụng vào việc giáo dục con, trong sinh hoạt của gia đình.

            Do điều kiện công tác xa nhà, các con đi học bán trú, tôi cố gắng sắp xếp cho phù hợp khoảng thời gian ở nhà để gần gũi các con. Tôi chú ý thời gian biểu của các con trong ngày cho hợp lý. Ăn, ngủ, vệ sinh thân thể, học hành, vui chơi, luôn định hướng cho các con và quan sát những việc các con đã làm để kịp thời uốn nắn, chỉ bảo, tạo cho con có thói quen, kỹ năng sống.

            Ông cha ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Gia đình tôi rất chú ý đến việc chăm sóc và giáo dục các con từ lúc còn nhỏ. Tôi quan tâm và dạy các con từ cách đi, đứng, nói năng lễ phép, giáo dục các con tính thật thà, kính trên, nhường dưới. Trong gia đình  mọi người lớn luôn quan tâm tới việc phát ngôn và xưng hô đúng mực. Khi thấy con có những biểu hiện sai lầm, tuy nhỏ, nhưng ông bà, bố mẹ không bỏ qua mà phải sửa sai ngay cho con nếu không sẽ dễ trở thành thói quen không tốt.

            Tôi thường xuyên tâm sự và trao đổi với các con, giải thích kịp thời cho con những điều con đang mong muốn hiểu biết, không nên để con thất vọng và hụt hẫng vì cha mẹ không đáp ứng được nhu cầu của con. Nhất là khi con trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, người mẹ luôn là người bạn của con, cùng tâm sự, chia sẻ, lắng nghe con những điều mà con đang cần biết. Qua đó, bố mẹ sẽ biết được con đang cần gì và suy nghĩ về cuộc sống ra sao? Bố mẹ sẽ hiểu thêm về con và kịp thời uốn nắn những thiếu sót cho con.

            Vào ngày nghỉ, tôi thường để cho con có khoảng thời gian vui chơi cùng ông bà nội, ngoại. Ông bà cùng với bố mẹ định hướng, chỉ bảo thêm cho con, giúp con có thêm kỹ năng sống, cho con biết sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, quan tâm đến mọi người xung quanh. Dành thời gian buổi tối bên các con. Kiểm tra sách, vở, kiểm tra bài cho con, tạo sự gần gũi, gắn bó và cởi mở, chân thành với con, chỉ dạy cho con ý thức tự giác trong học tập. Thường xuyên liên hệ với nhà trường, đặc biệt với cô giáo chủ nhiệm lớp để nắm tình hình của con.

            Khi các con có lỗi, tôi nghĩ, không nên dùng biện pháp đánh, la mắng con. Nếu đánh con vết thương trong lòng con sẽ hằn sâu, khó lành, dẫn đến việc con chán nản, có thể tìm đến hành vi tiêu cực. Tôi nghĩ, mình nên tìm hiểu lý do cụ thể để từ đó có biện pháp giáo dục con, giúp con nhìn nhận ra lỗi: “Giáo dục bằng tình thương” là vấn đề hiệu quả nhất.

            Trên đây là lời tâm sự của bản thân tôi. Rất mong được sự chia sẻ chân tình  của chị em để bản thân tôi có thêm được kinh nghiệm quý báu trong việc: “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”./.


HÃY DÀNH THỜI GIAN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG VỚI CON!

 

Cao Thị Hà

Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Nuôi con đã khó, giáo dục con nên người càng khó khăn gấp bội. Hạnh phúc của mỗi gia đình, của mỗi bà mẹ là thấy con mình lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thành đạt. Để có được điều đó cần sự cố gắng của mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là vai trò của người vợ, người mẹ. Tại buổi Gặp mặt chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hôm nay, tôi xin chia sẻ xoay quanh một số quan điểm nuôi dạy con của mình. Tâm sự của tôi với chủ đề như là một thông điệp: “Hãy dành thời gian và đồng hành cùng với con!”.

Tôi có hai cô con gái. Nếu một năm trước, tôi đã mừng thầm vì may mắn không mất nhiều thời gian dạy dỗ hai con, chúng rất dễ bảo, mọi việc đều như mẹ dặn dò. Nhưng thực sự đã xuất hiện vấn đề khi cô con gái lớn bắt đầu chuyển cấp học phổ thông, bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành. Tâm lý của cháu thay đổi đến ngỡ ngàng. Cháu ít gần mẹ, tự làm theo ý mình, khi không vừa ý quyết liệt phản ứng. Việc học tại trường trước đây về như chim sáo kể hết mọi chuyện. 5 năm năm liền ở bậc tiểu học cháu đều là lớp trưởng, đứng đầu mọi hoạt động của lớp, của trường. Bây giờ chuyển cấp, 8 tuần học kỳ I cháu chỉ còn đứng thứ 10 của lớp, sống khép mình, ít tham gia các sinh hoạt ngoại khóa. Những câu chuyện ở lớp giờ ít kể với mẹ hơn, bài vở không cần hỏi mẹ nữa. Kết quả, thái độ học tập không như mong đợi của mẹ. Ban đầu tôi đã sốc vì những thay đổi này. Tôi từ quát mắng, chì chiết cả lúc ngồi ăn cơm. Ngày nào cũng soát xét bài vở, chất vấn mọi thứ. Tôi buồn vì con! Công việc ở trường có thời điểm nhiều đang cuốn tôi đi. Tôi đã phó mặc việc học hành của con. Lúc đó tôi mất dần kỳ vọng ở con. Tôi biết con buồn vì là người là có ý thức và có ý chí!

Thời điểm đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, con số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng, nhiều trẻ tìm kiếm các cách xử lý khó khăn gặp phải bằng những giải pháp tiêu cực. Cảm giác dần xa mẹ của con làm tôi thật sự phải nhìn nhận lại mọi việc. Tôi thật sự lo lắng. Trao đổi cùng các đồng nghiệp, tôi hiểu vẫn áp dụng cách dạy con như trước là không còn phù hợp. Khi mà con bắt đầu vào tuổi trưởng thành tâm sinh lý có nhiều thay đổi, không bảo sao nghe vậy nữa. Việc học tập trong môi trường mới có thể cháu chưa kịp thích nghi.

Như với bất kỳ bà mẹ nào, tôi muốn con mình lớn lên trong môi trường luôn có sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương và kỳ vọng ở con nhiều điều.

Lúc đó, tôi nghiên cứu phải bố trí, sắp xếp lại công việc hợp lý, khoa học hơn để dành thời gian quan tâm, chăm sóc, lắng nghe tâm tư của con. Tôi cố gắng tận dụng tối đa khoảng thời gian ở cơ quan để hoàn thiện các công việc chuyên môn của mình. Thời gian về nhà là tôi dành tất cả cho các con. Sau khi các con ngủ mới là lúc hoàn thiện nốt các công việc còn dang dở lúc ở trường. Tôi tận dụng cả những lúc gọi con thức dậy, lúc đưa con đến trường, lúc ăn cơm, lúc con học bài và trước giờ đi ngủ để trò chuyện, hỏi han con. Thay vì những lời trách móc, tôi động viên nhẹ nhàng, không đặt mục tiêu xa xôi để gây áp lực cho con. Thay vì cứ yêu cầu con phải làm theo ý mình, tôi để con tự bộc lộ quan điểm của mình, lắng nghe con trình bày nhiều hơn. Tôi tâm sự và chia sẻ một phần công việc của mình cho con, mong con cảm nhận và thông cảm cho việc bận rộn của mẹ! Cô em, từ hơn năm nay, khi ngủ dậy không thấy mẹ không còn khóc nữa. Bé được giải thích từ tối hôm trước là mẹ phải đi sớm về huyện công tác. Không có thời gian nhiều để cùng ngồi học với con vì còn phải dành thời gian chăm cô em, nhưng không bao giờ tôi có chuyện mẹ ngồi xem tivi trong khi con vẫn đang làm bài, dù là ở phòng khác. Nhiều lúc thấy con đóng cửa một mình trong phòng. Tôi đang làm các công việc khác nhưng không rời mắt khỏi căn phòng con. Nửa tiếng sau thấy con xuống lại ríu rít trêu trọc em. Tôi hiểu ở tuổi bắt đầu có những thay đổi về thể chất và trong suy nghĩ, với nhiều mối quan hệ của bạn mới, trường mới, con cần thời gian riêng tư cho mình. Tôi tôn trọng khoảnh khắc riêng tư đó của con.

Những cử chỉ chăm sóc, những lời nói yêu thương, những lời dặn dò tâm sự, những phân tích dễ hiểu, những lời khuyên bảo nhẹ nhàng đã thực sự có ảnh hưởng tốt. Kết quả học tập bây giờ của cháu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù không phải việc gì cũng nói như trước nữa nhưng những thông tin chính ở trường đều cập nhật ngay với mẹ. Cháu cần làm gì hoặc muốn đi đến nhà bạn học nhóm đều xin ý kiến rõ ràng. Nhiều lần tôi phải khéo léo kiểm tra thông tin của con về tình hình học tập, sinh hoạt ở lớp. Tôi lén kiểm tra các số điện thoại con dùng. Tôi giả vờ giúp con sắp xếp lại sách vở để kiểm tra các số điểm. Tôi có số điện thoại của mấy chị phụ huynh trong lớp, thỉnh thoảng chị em lại thông tin về tình hình của con mình. Kết quả học tập Học kỳ I của cháu xếp thứ 6 của lớp. Tôi đang dần hiểu rằng việc xếp loại chưa hẳn đã là yếu tố quan trọng. Quan trọng là tôi biết tố chất và ý thức của con. Tôi lấy lại niềm tin về con của mình và tôi hiểu con muốn ở tôi điều đó.

Cha mẹ là người có tác động quan trọng đến sự phát triển và định hướng nhân cách của con. Con có khôn lớn, trưởng thành, nhân cách tốt hay xấu tùy thuộc rất lớn vào sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Các Cụ nhà ta vẫn nói: “Phúc đức tại Mẫu!”. Bố mẹ, đặc biệt là mẹ tôi có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Từ tấm gương học được từ ông bà, cha mẹ của mình, tôi đã và đang luôn cố gắng để thực sự là điểm tựa tinh thần quan trọng cho con.

Tôi thường nói với con, con đường con đi tiếp còn rất dài và nhiều lắm chông gai. Con cần tiếp nhận nhiều tri thức khoa học ở trường lớp, sách vở. Con cần hiểu thêm nhiều giá trị sống về tình cha mẹ, thầy cô, anh chị em, bạn bè, các quan hệ xã hội khác. Tôi luôn động viên con đọc sách báo, cùng tìm kiếm các thông tin chính thống qua mạng Internet. Trên một số trang điện tử, có các phần mềm giảng giải về nhiều bài học đạo đức có giá trị lại rất dễ hiểu. Các con cần có được những tri thức sống vô cùng quý giá đó để có được cách hành xử tích cực trong mọi hoàn cảnh. Và chính hành động của những người thương yêu xung quanh con sẽ tác động trực tiếp đến suy nghĩ, hành động của con. Mong rằng tình yêu, sự chăm sóc từ ông bà dành cho bố mẹ và tình cảm, đức hy sinh của bố mẹ dành cho con sẽ lan tỏa đến con. Hãy cảm nhận để dần hình thành nhân cách tốt cho con.

Với những tri thức con tiếp tục được tiếp nhận, con cần học thêm nhiều kỹ năng sống để có thể giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp sau này trên đường đời con bước. Nhưng con hãy hiểu người giúp con giải quyết sau cùng và tốt nhất, ngay cả khi với con cho là đã bế tắc thì bố mẹ vẫn có cách cùng con mở lối thoát và đứng dậy bước tiếp. Trên con đường con đi sẽ không bao giờ thiếu hình bóng của cha mẹ. Tôi tin con tôi nhất định TRƯỞNG THÀNH!

Hãy luôn là tấm gương, hãy dành thời gian và đồng hành cùng với con!  Đây cũng chính là lời nhắc nhở bản thân tôi khi thức dậy bắt đầu một ngày làm việc mới!./.

 

 

PHẤN ĐẤU VƯỢT KHÓ XỨNG ĐÁNG PHỤ NỮ

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH

 

Trần Thị Thu

Giảng viên khoa Lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 hôm nay, tôi xin trích dẫn một vài câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh viết về phái yếu:

Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất
Quen với công việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò, con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày...

Như chúng ta đã biết theo truyền thống phương Đông, người phụ nữ thường là ngọn lửa giữ gìn mái ấm gia đình, là hậu phương vững chắc của người đàn ông. Người phụ nữ nhỏ bé với những công việc bình dị, nhỏ nhoi nhưng lại là người duy trì sự sống ngàn đời.

Ngày nay, vai trò của người phụ nữ cũng đã dần thay đổi. Chúng ta có cơ hội tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và ngày càng được tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Xu hướng hiện nay của phụ nữ là đảm trách tốt cả công việc gia đình và xã hội, rất chăm chỉ, khéo léo và luôn cố gắng thực hiện  mọi nhiệm vụ được giao.

Là một nữ giảng viên trẻ của nhà trường, bản thân tôi cũng nhận thấy mình cần phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt những công việc được giao. Trong buổi tọa đàm thân mật ngày hôm nay, tôi xin chia sẻ với chị em và các vị đại biểu những thuận lợi, khó khăn của giới nữ chúng tôi nói chung và bản thân tôi nói riêng trong việc làm tròn các  nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ và làm một cán bộ giảng dạy trong nhà trường.

Tôi là một cán bộ mới được tuyển dụng về công tác tại trường năm 2014 và được phân công về khoa lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể nói, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Rất may mắn cho tôi, khi về công tác tại khoa, tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa cùng các anh chị em đồng nghiệp. Trước đây tôi đã giảng dạy tại trường cao đẳng nghề, mặc dù đã có thời gian công tác được 6 năm, nhưng bước vào môi trường làm việc mới, tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ và những lo lắng: Làm sao để có thể hoàn thành tốt công việc? Làm sao để có được những bài giảng chất lượng đáp ứng được yêu cầu của công việc mới?.... Đây luôn là những câu hỏi thường trực trong đầu tôi.  Chính nhờ sự quan tâm, sự chỉ bảo tận tình của đồng nghiệp đi trước đã giúp tôi nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Đó là sự cổ vũ rất lớn để tôi có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Là phụ nữ, ai cũng phải trải qua những vất vả của việc làm vợ, làm mẹ. Tôi may mắn có được hai bé trai song sinh nhưng đồng hành cùng niềm hạnh phúc đó là những lo toan, vất vả dường như cũng nhân đôi. Những thiếu thốn về vật chất có thể được bù đắp nhưng thời gian, sức khỏe...  đối với tôi, nhiều khi là niềm mơ ước. Do con nhỏ nên hay ốm vặt, (mà thường thì cả hai cháu cùng ốm một lúc), mặc dù có sự hỗ trợ của ông bà ngoại và sự san sẻ, động viên của chồng, tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy hai cháu. Điều đó đã ảnh hưởng không ít tới việc hoàn thành nhiệm vụ của tôi.

Bản thân tôi ý thức rất rõ vai trò của một người giảng viên đặc biệt là giảng viên trường chính trị: Phải thường xuyên cập nhật thông tin, tri thức hiện đại; bổ sung liên tục những  kiến thức mới cho bài giảng của mình, không ngại khó, ngại khổ. Những bộn bề lo toan của công việc gia đình đôi khi cũng khiến tôi gặp những vấn đề trở ngại. Nhiều lúc, tôi luôn nghĩ làm sao mình có thể vượt qua những khó khăn  trong cuộc sống để thực hiện được những dự định, hoài bão và tâm nguyện của mình?

Đến thời điểm này, con tôi cũng đã được 3 tuổi, tôi nhận thấy, mình cần sắp xếp công việc gia đình và công việc nhà trường sao cho thật hợp lí. Khi các cháu lớn hơn, có thể đi nhà trẻ, tôi cũng có nhiều thời gian cho công việc của mình. Tôi sẽ cố gắng đầu tư sâu vào chuyên môn để có những tiết giảng chất lượng. Tôi sẽ tập trung để làm tốt hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế, tự học tự bồi dưỡng và các hoạt động khác của nhà trường.

Để hoàn thành tốt công việc ở trường mà vẫn có thời gian chăm sóc chồng, con, tôi kính mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa cùng các anh chị em đồng nghiệp. Tôi xin hứa sẽ cố gắng trở thành một người phụ nữ “giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Cuối cùng, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc tới các quý vị đại biểu. Chúc chị em phụ nữ chúng ta luôn vui vẻ, ngày nào cũng là ngày 8.3.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

 

ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI  KINH NGHIỆM NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BÀI GIẢNG CỦA NỮ GIẢNG VIÊN  TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH TỈNH NAM ĐỊNH HIỆN NAY.

 

Đinh Thị Oanh

 Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Để bài giảng có tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao là một trong những câu hỏi được các giảng viên, đặc biệt là giảng viên nữ nhà trường luôn quan tâm? Thực tế, việc giảng dạy các môn học lý luận ở Trường chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định những năm qua cho thấy: Một bài giảng có tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao, mỗi giảng viên không những cần có vốn kiến thức vừa cơ bản, vừa sâu rộng, mà phải có phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học. Học viên của Trường chính trị Trường Chinh là những đối tượng đào tạo khác nhau : về độ tuổi, về trình độ và môi trường công tác. Hơn nữa, họ đã được học các môn lý luận ở bậc đại học, đã có kinh nghiệm thực tiễn công tác. Quan trọng hơn, họ muốn được tiếp cận các môn học này dưới góc độ là lý luận khoa học gắn với thực tiễn. Vì vậy, khi tiếp cận bài giảng đòi hỏi mỗi giảng viên có một khả năng khái quát và thông qua các khái niệm, quan điểm, mỗi học viên sẽ vận dụng những kiến thức mang tính chất lý luận đó vào giải quyết các công việc của thực tiễn đang đặt ra.

Hiện nay, số gảng viên nữ nhà trường là 30/39 giảng viên (chiếm 79,6%). Nhiều chị em đang nuôi con nhỏ và tuổi đời còn khá trẻ. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng. Buổi học dễ trở nên kém hấp dẫn đối với người học nếu giảng viên không có đủ kiến thức và phương pháp phù hợp. Do vậy, người giảng viên cần phải tự hoàn thiện mình, bổ sung kiến thức và đổi mới phương pháp giảng dạy; phải xem mỗi buổi dạy là một lần sáng tạo, thử nghiệm; phải có tinh thần cầu thị, chịu khó học hỏi, tiếp thu và vận dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến kết hợp với phương pháp truyền thống.Theo kinh nghiệm của tôi, để bài giảng có tính thuyết phục mang lại hiệu quả cao, giảng viên nữ nhà trường cần:

Thứ nhất, phải tích lũy kiến thức và trau dồi kỹ năng giảng dạy.

Để có kiến thức, ngay từ khi soạn bài, cần có thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu nội dung, cập nhập thông tin, cần học hỏi từ những giảng viên có kinh nghiệm. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải tự hoàn thiện trau dồi các kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Để bài giảng đạt được hiệu quả cao, giảng viên cũng cần trang bị cho mình phương pháp truyền đạt từ giọng nói đến cách biểu cảm…làm sao cho người học tiếp thu một cách có hiệu quả nhất : dễ nghe, dễ hiểu, dễ ghi…Kinh nghiệm cho thấy, chất lượng và hiệu quả của một bài giảng phụ thuộc rất lớn vào phương pháp truyền thụ. Ví như một vở kịch có nội dung hay nhưng diễn xuất yếu thì tác dụng kém đi nhiều. Công tác giảng dạy cũng gần giống như vậy.

Thứ hai, giảng viên cần chuẩn bị tâm lý tốt trước khi lên lớp.

Ngoài việc chuẩn bị kỹ về kiến thức và kỹ năng, giảng viên cũng cần chuẩn bị cho mình một tâm lý tốt, một tinh thần sảng khoái khi giảng bài. Yếu tố tâm lý ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả bài giảng. Nếu buổi giảng của giảng viên không bị chi phối bởi yếu tố tâm lý sẽ có hưng phấn, khí thế hơn khi giảng bài.

Thứ ba, phải kết hợp giữa lý luận gắn với thực tiễn.

Trong giảng dạy lý luận, một bài giảng tốt phải là một bài giảng có tính thực tiễn cao. Nghĩa là, nó phải gắn với cuộc sống, với thời đại mà mình đang sống, với đường lối, chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước. Tùy theo vị trí của môn học và từng bài học, nó phải góp phần giải đáp một khía cạnh hoặc một lĩnh vực nào đó mà cuộc sống đang đặt ra. Tính thực tiễn nhất thiết phải có đối với một bài giảng .

Thứ tư, thường xuyên rút kinh nghiệm sau khi giảng bài

Để nâng cao chất lượng bài giảng, sau mỗi lần lên lớp, giảng viên dành thời gian suy nghĩ để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện giáo án bài giảng trước khi giảng cho lớp tiếp theo. Rút kinh nghiệm quá trình giảng bài để có phong cách giảng dạy, thực hiện các bước lên lớp và sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học ngày càng tốt hơn.

 Thứ năm, chuẩn bị chu đáo về tư trang và trang phục khi lên lớp.

Tôi thiết nghĩ, để bài giảng có hiệu quả cao, ngoài những yếu tố đã nêu, trang phục của giảng viên cũng chi phối nhất định đến chất lượng giờ dạy. Đặc biệt đối với trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định, trong những năm qua, số lượng lớp nhiều, phân tán trên địa bàn rộng, việc đi lại khó khăn nên việc lựa chọn, chuẩn bị  tư trang, trang phục khi lên lớp cũng là một trong những vấn đề mà giảng viên nữ quan tâm. Như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ tự tin khi lên lớp.

Có thể nói, chất lượng giảng dạy là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Trường Chinh hiện nay. Việc nâng cao chất lượng bài giảng là yêu cầu đặt ra không chỉ cho riêng giảng viên nữ mà còn là yêu cầu đối với tất cả các giảng viên trong nhà trường.

Trên đây là một vài suy nghĩ của bản thân nhằm trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng bài giảng các chương trình đào tạo bồi dưỡng tại Trường Chính trị Trường Chinh./.

 

(Nguồn: Phòng Khoa học - Ngày 10/3/2016)

Thông tin khác

KHAI GIẢNG LỚP CAO CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HỆ KHÔNG TẬP TRUNG K66.B25 (NAM ĐỊNH KHÓA XI)
ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH TỈNH NAM ĐỊNH: ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII - NHIỆM KỲ 2015-2020
CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU, TOẠ ĐÀM CHÀO MỪNG 32 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
GIAO LƯU CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
GIẢI BÓNG ĐÁ GIAO HỮU CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
BẾ GIẢNG CÁC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN VIÊN
THÔNG BÁO TRIỆU TẬP THÍ SINH DỰ TUYỂN VIÊN CHỨC NĂM 2014-2015
THÔNG BÁO TUYỂN SINH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHINH - NĂM 2014
THÔNG BÁO TUYỂN SINH TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP - HỆ CHÍNH QUY ĐỢT II/2014
THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC NĂM 2014, 2015
KỶ NIỆM 58 NĂM THÀNH LẬP NHÀ TRƯỜNG (09/6/1956 - 09/6/2014)
GIAO LƯU VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG
KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN
GIAO LƯU THỂ THAO CHÀO MỪNG 58 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NHÀ TRƯỜNG
ĐOÀN THANH NIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH VỚI NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG 83 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH VÀ THÁNG THANH NIÊN NĂM 2014
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com