Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ
Với truyền thống “Tôn sự trọng đạo” của dân
tộc, ngày 20-11 hàng năm đã trở thành ngày hội của các thầy giáo, cô giáo; là dịp
biểu dương những người dạy học và nghề dạy học - “Nghề cao quý nhất trong những
nghề cao quý”, góp phần củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo; đây còn là dịp
toàn xã hội thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với các thầy giáo, cô giáo đã hết
lòng “vì sự nghiệp trồng người”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng
định tầm quan trọng của công tác giáo dục đào tạo. Đây chính là phương sách chăm
lo lợi ích “Một trăm năm trồng người” vì sự phát triển lâu bền và phồn vinh của
quốc gia, dân tộc. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước và trong các cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo đề ra mục tiêu
xây dựng một nền giáo dục tiên tiến. Thực hiện mục tiêu đó, đội ngũ nhà giáo đã
tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng; đóng góp quan trọng vào thắng lợi của
cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước theo con
đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, đó là con đường độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ,
công bằng, văn minh”. Trong
quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định
sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước. Vấn đề
này đã được thực tiễn cách mạng chứng minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “cán bộ
là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt
hay kém”. Với ý nghĩa đó, trong mọi giai đoạn cách mạng, trong chiến tranh giải
phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước, Đảng ta luôn
coi trọng công tác đào tạo cán bộ và xác định đây là công việc thường xuyên, liên
tục và lâu dài của Đảng. Quán
triệt đường lối, quan điểm của Đảng về vấn đề cán bộ và công tác đào tạo cán bộ,
cùng với quá trình phát triển của đất nước và của tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của
Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, trong những năm qua, trường Chính trị Trường Chinh đã phối
hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan chức
năng mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh đạt trình
độ đại học chuyên môn, cử nhân và cao cấp lý luận chính trị - hành chính. Ngoài
ra hàng năm, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng cho tỉnh hàng ngàn lượt cán bộ cơ
sở đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Chất lượng đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ của Trường từng bước được nâng lên. Công tác nghiên cứu khoa học từng
bước được quan tâm. Có nhiều đề tài khoa học được áp dụng trong thực tiễn đạt kết
quả, góp phần tích cực phục vụ công tác dạy và học của Trường. Để
cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Tỉnh uỷ đã ban hành
nhiều nghị quyết, chuyên đề, trong đó Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 25/7/2011 về “Nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm
tiếp theo”. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu:
xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn từng bước trẻ hoá, chuẩn hoá, đủ
số lượng, có chất lượng, có cơ cấu hợp lý và đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách,
nhiệm vụ được giao; góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả
nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra
cho trường Chính trị Trường Chinh trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi nhà
trường phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ cho tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để làm
tốt nhiệm vụ này, Trường phải tiếp tục cải tiến, đổi mới toàn diện, đồng bộ và
hiệu quả hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác quản lý và
nghiên cứu khoa học; tập thể sư phạm nhà trường phải không ngừng phấn đấu rèn
luyện để “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Nhân dịp này, tôi xin gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm để nhà trường quan tâm
triển khai thực hiện trong thời gian tới: Thứ nhất, đối với Đảng uỷ, Ban Giám
đốc nhà trường: cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và học viên nhằm nâng cao nhận thức, lập
trường tư tưởng chính trị vững vàng; nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý tốt,
dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt; thực hiện tốt các quy chế, quy trình đào tạo, đồng
thời đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học để tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ
và Uỷ ban nhân dân tỉnh để lãnh đạo, quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ chính
trị đặt ra đạt kết quả cao hơn. Nhà trường quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên
đi nghiên cứu thực tế, tìm hiểu hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; thăm
quan những mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; những thành tựu về
kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh, để trang bị thêm kiến thức thực
tế, tránh tình trạng giảng dạy lý luận suông, xa với thực tiễn đời sống chính
trị - xã hội đang diễn ra hết sức sinh động ở cơ sở. Tập trung xây dựng đội ngũ
cán bộ, viên chức của nhà trường thực sự đoàn kết thống nhất, tạo sự đồng thuận
cao và cộng đồng trách nhiệm trên cơ sở thực hiện đúng quy định, quy chế dân chủ
ở cơ sở. Mỗi giảng viên, viên chức nhà trường phải thực sự là cán bộ mẫu mực về
mọi mặt, là tấm gương sáng để học viên noi theo; quan tâm xây dựng tổ chức Đảng,
Công đoàn, Đoàn thanh niên nhà trường trong sạch vững mạnh, góp phần cùng Ban
Giám đốc nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thứ hai, đối với đội ngũ giảng viên:
phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cách mạng, kiên
định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là yêu cầu cơ bản đối với
cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận và giáo dục chính trị của Đảng - những người
vinh dự được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Giảng viên giảng
dạy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần có quan điểm chính trị vững vàng,
tuyệt đối trung thành với lý tưởng, mục tiêu của Đảng, không giao động trước khó
khăn hoặc những tác động tiêu cực khác. Đó là điều kiện để tạo sự hứng khởi nghề
nghiệp. Tập trung đổi mới nội dung bài giảng, kịp thời bổ sung, cập nhật thông
tin, kiến thức mới, vận dụng những quan điểm, chủ trương Nghị quyết Đại hội XI
của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các nghị
quyết, chỉ thị, chuyên đề của Tỉnh uỷ vào chương trình đào tạo Trung cấp lý luận
Chính trị - Hành chính. Đồng thời chú trọng trong bồi dưỡng, hướng dẫn cho học
viên về phương pháp tổ chức công việc, kỹ năng xử lý tình huống trong thực tiễn
cơ sở, kỹ năng giao tiếp văn hoá công sở… Các đồng chí giảng viên phải biết kết
hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp giảng
dạy tích cực theo hướng thuyết trình, nêu vấn đề gợi mở để học viên chủ động
tham gia phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận trên cơ sở đó giảng viên chốt kiến
thức đúng nhằm giúp học viên nâng cao nhận thức về bài học được tốt hơn và hiệu
quả hơn. Giảng
viên nhà trường phải ra sức rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống
trong sáng, trung thực, khiêm tốn, có kiến thức khoa học, có năng lực sư phạm để
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác phải dành thời gian cho đầu tư nghiên
cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để gắn lý luận với thực tiễn làm cho bài giảng
có sức sống, sinh động và đạt chất lượng ngày càng cao. Thứ ba, đối với các đồng chí học
viên: là cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý;
cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh được cử đi học, các đồng
chí cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích học tập theo lời dạy của Bác “Học để
làm việc, làm người, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân
loại”. Từ đó mỗi học viên phải ra sức học tập, rèn luyện, kết hợp đầu tư nghiên
cứu lý luận và quan trọng hơn là vận dụng những nội dung đã học vào nhiệm vụ cụ
thể của mình nhằm nâng cao chất lượng công việc ngày càng tốt hơn. Chấp hành
nghiêm nội quy, quy chế của Trường; đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong
học tập và sinh hoạt. Các
cấp uỷ, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh có liên quan tăng
cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để trường Chính trị Trường
Chinh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phát
huy truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường, tin
rằng trong thời gian tới, Đảng uỷ, Ban Giám đốc và tập thể giảng viên, cán bộ,
nhân viên nhà trửờng sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu hơn nữa để hoàn thành tốt
nhiệm vụ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo cho tỉnh, góp phần
từng bước xây dựng tỉnh Nam Định trở thành một tỉnh có kinh tế - xã hội phát
triển, an ninh - quốc phòng vững mạnh./. |