Trường Chính trị Trường Chinh (tiền thân là trường Đảng tỉnh Nam Định) được thành lập ngày 09/6/1956 theo tinh thần Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 08/3/1956 của Ban Bí thư trung ương Đảng[1] và Nghị quyết số 19/NQ-TU ngày 09/6/1956 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định[2]. Khi đó, tổng số cán bộ, nhân viên gồm 21 đồng chí được Tỉnh ủy tuyển chọn là đảng viên từ các ban, ngành của tỉnh và được cơ cấu thành 03 bộ phận: Ban Giám hiệu (gồm 02 đồng chí) là cán bộ lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh kiêm nhiệm; bộ phận nội dung (gồm 12 đồng chí) do 01 đồng chí cán bộ văn phòng tỉnh ủy phụ trách và bộ phận hành chính (gồm 07 đồng chí) do 01 đồng chí cán bộ văn phòng ủy ban phụ trách. Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 08/3/1956 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Nhà trường là đơn vị huấn luyện cho cán bộ cơ sở, chủ yếu là Chi ủy ở xã về đường lối cách mạng Việt Nam, các chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, những hiểu biết về Đảng và công tác xây dựng chi bộ. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, với nhiều biến cố của lịch sử, song ở bất cứ thời kỳ nào, với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh Nam Định.
Thời kỳ 1956 đến 1965, những năm đầu khi mới thành lập, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Về cơ sở vật chất, tháng 6/1956 trường được tiếp quản khu nhà lá, nơi làm việc tạm thời của đoàn Cải cách ruộng đất tỉnh tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (thuộc khu vực trường THPT Xuân Trường hiện nay). Đến cuối năm 1960, trường chuyển về trụ sở được Tỉnh ủy ra quyết định xây dựng năm 1959 tại phố Hàng Cót, thành phố Nam Định (địa chỉ 39 đường Vị Xuyên hiện nay). Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, thời gian này cũng có nhiều biến động. Sau 02 năm đi vào hoạt động, năm 1958, Tỉnh ủy đã quyết định bổ sung thêm nhân sự cho nhà trường. Ban Giám hiệu được bổ sung thêm 01 Phó Hiệu trưởng nhà trường. Bộ phận nội dung được chia thành 3 tổ: Tổ Lý luận (giảng dạy các môn lý luận Mác – Lênin); tổ đường lối (giảng dạy môn Đường lối, chính sách và quản lý kinh tế); tổ Xây dựng Đảng (giảng dạy môn Xây dựng Đảng và Công tác quần chúng). Tháng 10/1960, Tỉnh ủy Nam Định ra quyết định thành lập Đảng bộ nhà trường và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời do đồng chí Phó Ban tuyên huấn tỉnh ủy, mới được cử về giữ chức Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Bí thư. Từ đây, hoạt động của nhà trường có bước phát triển mới: các lớp bồi dưỡng ngắn ngày bồi dưỡng cho chi ủy viên và đảng viên, các lớp học tập văn kiện của Đảng, các lớp tập huấn cho bí thư cơ sở, các lớp sơ cấp cho cán bộ chủ chốt đương chức và kế cận… được mở tại trường (hệ tập trung) và tại các huyện (hệ tại chức); đội ngũ cán bộ được bổ sung và tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Gần 10 năm sau ngày thành lập, nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ Tỉnh ủy giao: “đảm bảo 100% cán bộ chủ chốt cơ sở đều được qua học trường Đảng tỉnh”[3] giai đoạn này. Những kết quả đạt được của nhà trường trong 10 năm đầu tiên đã để lại dấu ấn quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của nhà trường những năm tiếp theo.
Thời kỳ 1965 đến 1975, trường Hành chính tỉnh sáp nhập với trường Đảng tỉnh (tháng 3/1965) để thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ đất nước có chiến tranh. Đến cuối tháng 4/1965, thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-TVQH về việc sáp nhập 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam, trường Đảng tỉnh Nam Định sáp nhập với trường Đảng tỉnh Hà Nam và lấy tên là trường Đảng tỉnh Nam Hà. Thời gian đầu, cơ cấu tổ chức bộ máy vẫn ổn định nhưng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng. Ban Giám hiệu (04 đồng chí) gồm 01 Hiệu trưởng và 03 Phó Hiệu trưởng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng tăng lên về số lượng, chất lượng được quan tâm. Tháng 8/1965, tổ chức Công đoàn trường được thành lập. Từ đây, nhà trường có một tổ chức chính trị - xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Ban Giám hiệu thực hiện chức năng tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên nhà trường tích cực tham gia các phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Từ năm 1970, đội ngũ giảng viên của nhà trường, một số được cử đi đào tạo dài hạn ở trường Tuyên huấn trung ương, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc; một số cán bộ của các ban, ngành của tỉnh có trình độ cao cấp lý luận chính trị được tỉnh điều động về trường làm công tác giảng dạy. Tháng 6/1972, cơ cấu tổ chức nhà trường thay đổi theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương. Trường thành lập 6 khoa chuyên môn và 02 phòng nghiệp vụ (Khoa Triết học; khoa Kinh tế chính trị học; khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học; khoa Quản lý kinh tế; khoa Lịch sử Đảng; khoa Xây dựng Đảng; phòng Giáo vụ và phòng Hành chính). Mỗi đơn vị có từ 5 đến 7 cán bộ, có một trưởng và một phó phụ trách. 10 năm hoạt động trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trường Đảng tỉnh vẫn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện sơ tán[4]. Trong hoàn cảnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đội ngũ giảng viên đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách, ngày đêm bám sát cơ sở, bám lớp, sẵn sàng khi có lịch là đi, đến giờ là giảng. Thời gian này, nhà trường chủ yếu giảng dạy các chương trình sơ cấp chính trị hệ tập trung, hệ tại chức và các lớp bồi dưỡng ngắn ngày tại các huyện. Từ một nhà trường mà đội ngũ giảng viên phần lớn là kiêm nhiệm, hoạt động còn mang tính sự vụ, nay đã có bước phát triển vượt bậc với 6 khoa chuyên môn và đội ngũ giảng viên đã có đủ năng lực đảm nhiệm giảng dạy toàn bộ chương trình lý luận chính trị và nghiệp vụ cho các lớp sơ cấp chính trị, các lớp cơ sở. Mười năm hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt, những thành quả to lớn đã đạt được, những kinh nghiệm đã tích luỹ được của nhà trường, trở thành những bài học quý cho các thế hệ cán bộ. Đặc biệt, bài học về tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ (trong điều kiện có khó khăn) của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên nhà trường.
Thời kỳ 1976 đến 1996, thực hiện Nghị quyết của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V về hợp nhất tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 2/1976. Trường Đảng tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình hợp nhất thành trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh (21/3/1976). Bộ máy tổ chức được cơ cấu lại gồm: Ban Giám đốc 07 đồng chí; 06 khoa; 03 phòng[5]. Chức năng, nhiệm vụ của nhà trường đã được tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương chức và kế cận không chỉ dừng ở cấp cơ sở, mà còn mở rộng tới các chức danh lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện. Ngoài chức năng bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối chính sách, nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể cho cán bộ cơ sở, nhà trường còn thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương. Thực hiện Quyết định số 181/QĐ-TH ngày 10/6/1976 của Ban tuyên huấn Trung ương về việc nâng cấp trường Đảng tỉnh thành trường Trung cấp chính trị và giao nhiệm vụ đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị (24 tháng) cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ năm 1976, nhà trường đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị theo chỉ tiêu của Ban Tuyên huấn Trung ương[6]. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường thời kỳ này khá đông[7], giảng viên nhiều người có trình độ cao cấp và cử nhân lý luận chính trị. Thực hiện Quyết định số 15/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1984, Ban Tuyên huấn Trung ương đã giao nhiệm vụ đào tạo chương trình sơ cấp lý luận chính trị và chương trình cơ sở của trường Đảng tỉnh về cho các trường Đảng huyện (nay là Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện). Từ đây, nhà trường tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị tập trung và tại chức theo chương trình của Ban Tuyên huấn Trung ương. Từ năm 1990, trường Đảng tỉnh có nhiều lần chia tách, sáp nhập theo yêu cầu của Trung ương. Tháng 12/1991, Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tách tỉnh Hà Nam Ninh để tái lập tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh cũng chia tách thành 2 trường. Tháng 10/1992 trường Đảng tỉnh Nam Hà đi vào hoạt động với cơ sở vật chất và cơ cấu tổ chức ổn định tại địa chỉ 39 Vị Xuyên – Nam Định. Một năm sau, tháng 10/1993, thực hiện Quyết định số 185/QĐ-TU của Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, trường Hành chính tỉnh[8] hợp nhất với trường Đảng tỉnh và đổi tên thành trường Đào tạo cán bộ tỉnh Nam Hà. Tổ chức bộ máy và nhân sự được sắp xếp trên cơ sở nguồn nhân lực của 2 nhà trường và địa điểm tại trường Đảng tỉnh. Ban Giám đốc (05 đồng chí) gồm 01 Giám đốc và 04 Phó Giám đốc; các đơn vị có 05 khoa, 02 phòng[9]. Chức năng, nhiệm vụ của nhà trường được thực hiện theo Quyết định số 189/QĐ-TU ngày 29/9/1993 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy[10]. Tháng 10/1995, trường đổi tên thành trường Chính trị tỉnh Nam Hà theo quyết định của Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Hà. Đến tháng 01/1997, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa IX) về chia tách địa giới tỉnh Nam Hà, trường Chính trị tỉnh Nam Định được tái thành lập và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nam Định. Đội ngũ cán bộ, giảng viên biến động do chia tách, sáp nhập, nhưng đến thời điểm này, nhà trường có lực lượng giảng viên hùng hậu về số lượng (32/52 bằng hơn 60%) và 100% giảng viên có bằng đại học chuyên ngành, cử nhân chính trị, cử nhân xây dựng Đảng. 20 năm với những khó khăn, thử thách đặt ra khi chia tách, sáp nhập (1976-1996) và những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, trường Chính trị tỉnh Nam Định vẫn luôn là đơn vị hoàn thành vượt định mức kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do tỉnh giao hàng năm.
Thời kỳ 1996-2021, có thể coi đây là thời kỳ ổn định lâu dài nhất của nhà trường và cũng là thời kỳ nhà trường vinh dự được mang tên cố Tổng Bí thư Trường Chinh[11]. Chức năng, nhiệm vụ của nhà trường được xác định: đào tạo chương trình trung cấp chính trị, trung cấp hành chính; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở; bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác Đảng cho cấp ủy Đảng cơ sở ở cả 2 khu vực; tập huấn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã. Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết kinh nghiệm cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của nhà trường trong thời kỳ đổi mới. Do xuất phát từ yêu cầu nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới, chương trình giảng dạy của nhà trường thời kỳ này liên tục được bổ sung, sửa đổi[12] theo mục tiêu, yêu cầu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Cơ cấu tổ chức của nhà trường cũng nhiều lần sắp xếp tinh gọn. Thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW, ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư quy định tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh có 4 khoa và 3 phòng (Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa Xây dựng Đảng, khoa Dân vận, khoa Nhà nước và pháp luật; Phòng Đào tạo, phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu, phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị). Số lượng biên chế không quá 60 người và phải đảm bảo 2/3 là giảng viên; Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, trường Chính trị Trường Chinh cơ cấu thành 3 khoa, 2 phòng: Khoa Lý luận cơ sở, khoa Xây dựng Đảng, khoa Nhà nước và pháp luật, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu. Số lượng biên chế tinh giản, đảm bảo hiệu quả hoạt động. Cơ cấu cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tối thiểu là 75% so với tổng số cán bộ, giảng viên. Cũng trong thời gian này, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có nhiều biến động do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Năm 1998, tổng số biên chế thực có 54 đồng chí, hai năm (2001, 2002) có 14 đồng chí nghỉ chế độ (Ban Giám đốc 02; Trưởng các khoa, phòng (06). Đây là lần biến động lớn lần thứ nhất, gây sự hụt hẫng đối với nhà trường về đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cả đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, thời gian này, trình độ đội ngũ giảng viên của nhà trường đã nâng cao. Nhà trường đã có 03 thạc sỹ (Luật và Hành chính), 13 Cao cấp, cử nhân chính trị và đại học văn bằng hai khác. Cũng trong thời gian đó (2001), nhà trường tuyển dụng thêm được 07 giảng viên, tất cả giảng viên được tuyển đều tốt nghiệp Đại học chính quy loại khá trở lên. Lần biến động lớn thứ hai vào các năm 2013, 2014. Tổng số biên chế 56 đồng chí, có 13 đồng chí nghỉ chế độ (Ban Giám đốc 02; lãnh đạo các đơn vị 06; giảng viên 05). Nhà trường cũng đã tuyển dụng thêm hai đợt (2014: 08 giảng viên; 2017: 03 giảng viên). Hiện nay, biên chế của nhà trường có 53 đồng chí, trong đó có 37 giảng viên. Đây là thời kỳ mà lực lượng giảng viên đông đảo và có trình độ cao nhất từ trước đến nay. Tính đến tháng 4 năm 2021, đội ngũ giảng viên của nhà trường 100% có trình độ Đại học chuyên ngành, trong đó có 02 Tiến sỹ, 27 Thạc sỹ, 02 đang học cao học, 85% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương. Nhà trường phấn đấu phổ cập Thạc sỹ đối với đội ngũ giảng viên trong nhiệm kỳ 2021 – 2025. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng không ngừng nâng cao chất lượng[13]. Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm đầu tư, đổi mới về nội dung, hình thức và thu được nhiều kết quả[14]. Hoạt động nghiên cứu thực tế ngày càng đi vào chiều sâu nhằm tổng kết thực tiễn và rút các bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo của Đảng thời kỳ đổi mới.
65 năm xây dựng và trưởng thành, trường Chính trị Trường Chinh đang có nhiều thay đổi: Cơ sở vật chất của nhà trường được xây dựng ngày một khang trang; trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập ngày càng hiện đại; chất lượng giảng dạy, chất lượng học tập và vị thế của nhà trường ngày một nâng cao. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo ở trình độ cao, được rèn luyện ngày một trưởng thành. Nhà trường đã được đón nhận những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước[15]. Trường Chính trị Trường Chinh ngày càng khẳng định vị thế và xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cho tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay./.
[1] Tài liệu Kho lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Nam Định
[2] Tài liệu Kho lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Nam Định
[3] Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định 50 năm xây dựng và trưởng thành (1956-2006)
[4] Năm 1965, trong điều kiện sơ tán, trường chia thành 2 phân hiệu. Phân hiệu sơ tán về xã Kim Thái (Vụ Bản) phụ trách các huyện phía Bắc. Phân hiệu sơ tán về xã An Ninh (Bình Lục) phụ trách các huyện phía Nam.
[5] (01 Giám đốc kiêm nhiệm, 01 Phó Giám đốc thường trực và 05 Phó Giám đốc khác); 06 khoa (Khoa Triết học; khoa Kinh tế chính trị học; khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học; khoa Quản lý kinh tế; khoa Lịch sử Đảng; khoa Xây dựng Đảng); 03 phòng (Phòng Hành chính quản trị, phòng Giáo vụ - tổ chức và phòng Tư liệu – Thư viện). Nguồn: Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định 50 năm xây dựng và trưởng thành (1956-2006).
[6] Thời kỳ này, Ban Tuyên huấn Trung ương chỉ đạo trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các trường Đảng tỉnh. Tỉnh Nam Định được giao hàng năm đào tạo 200 học viên (tương đương với 4 lớp tập trung).
[7] Từ 1976 đến 1998, cán bộ, giảng viên của Nhà trường lên đến 101 người. Trong đó có 40 giảng viên.
[8] Ngày 19/6/1976, trường Hành chính tỉnh được thành lập lại theo Thông tư số 280/TTg. Kho Lưu trữ VP UBND tỉnh Nam Định.
[9] Khoa Lý luận cơ bản, khoa Xây dựng Đảng, khoa Dân vận, khoa Quản lý nhà nước, khoa Nhà nước và Pháp luật; Phòng Tổ chức hành chính, tổng hợp và phòng Giáo vụ, tư liệu, thư viện. Tổng số cán bộ, giảng viên 67 người.
[10] Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp đan xen giữa đào tạo chính quy với đào tạo tại chức ở cả 2 chương trình trung cấp lý luận chính trị và trung cấp hành chính; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể và tập huấn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.
[11] Công văn số 1700/CV-VPTW ngày 18/12/1998 Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý đổi tên trường.
[12] Từ tháng 7/1996, thực hiện Chương trình trung học chính trị (thống nhất chương trình trung cấp lý luận với chương trình trung cấp quản lý hành chính nhà nước); từ tháng 1/2003, thực hiện Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị); từ năm 2009, thực hiện Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính); từ tháng 8/2014, thực hiện Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Website. 30 năm công tác trường chính trị của Học viện chính trị Quốc gia HCM..
[13] Tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường đạt loại khá giỏi chiếm từ 70 đến 80%. Trường Chính trị Trường Chinh, 60 năm xây dựng và phát triển.
[14] Từ năm 2010 đến nay, thực hiện 02 đề tài cấp tỉnh, 33 đề tài cấp trường và cấp khoa, 02 Hội thảo khoa học cấp tỉnh, 16 Hội thảo khoa học cấp trường; Xuất bản giáo trình, tài liệu bồi dưỡng CV, CVC và cuốn Lịch sử nhà trường 60 năm.
[15] Được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 1998), hạng Nhì (năm 2001), hạng Nhất (năm 2006); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004); Cờ của Học viện Chính trị quốc gia HCM (năm 2016)
|