(GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thi trao bằng khen tặng các thí sinh xuất sắc)
Hội thi quy tụ 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 14 trường thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công An, với 142 thí sinh tham gia. Năm nay, hội thi được tổ chức với nhiều đổi mới sáng tạo, từ khâu tổ chức, hình thức thi đến tiêu chí đánh giá. Kết quả thi là điểm trung bình của 03 nội dung thi: thi giáo án, thi xử lý tình huống sư phạm và thi giảng; trong đó, phần thi giảng được tính điểm hệ số 3, thi xử lý tình huống sư phạm và thi chấm giáo án hệ số 1. Điểm khoa học là điểm quy đổi công trình khoa học được nghiệm thu hoặc công bố giữa hai kỳ Hội thi của giảng viên dự thi, là điều kiện xếp loại danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”, “Giảng viên dạy xuất sắc”.

(TS. Vũ Ngọc Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
và các đồng chí giảng viên tham dự Hội thi)
Ngoài các nội dung thi, trong khuôn khổ Hội thi còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú, sinh động, thiết thực như: Dâng hương, tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức tại các trường chính trị cấp tỉnh - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”; triển lãm ảnh, thành tựu của Học viện, của Thành phố Hải Phòng, trưng bày sách xưa và nay; gala với chủ đề “Hải Phòng - 70 năm niềm tin và khát vọng vươn mình”; tham quan khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền…
Sau 4 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Hội thi đã hoàn thành toàn bộ các nội dung đề ra. Các giáo án được trình bày lôgic, khoa học, sáng tạo, bảo đảm đúng trọng tâm, cân đối giữa lý luận và thực tiễn; cập nhật chủ trương, quan điểm mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ở nội dung thi xử lý tình huống sư phạm, các giảng viên đã thể hiện sự hiểu biết tình huống, phân tích nguyên nhân, xác định phương án xử lý phù hợp với đối tượng và môi trường sư phạm, đảm bảo nguyên tắc và văn hóa Trường Đảng. Tinh thần bình tĩnh, tự tin; cách xử lý thuyết phục, ngắn gọn và sáng tạo là điểm sáng trong phần thi này. Các phần thi giảng được thực hiện đúng kế hoạch bài giảng với khối lượng kiến thức đảm bảo đúng, đủ, phù hợp đối tượng; liên hệ phong phú, khoa học, hợp lý; tập trung cập nhật chủ trương, quan điểm mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích hợp nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW. Nhiều giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, phương tiện dạy học hiện đại khá nhuần nhuyễn gợi mở các vấn đề phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của học viên.

(Ths. Lê Thị Như Hoa, Phó Hiệu trưởng tặng hoa chúc mừng đồng chí Mai Thị Thanh Hương, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật đã hoàn thành bài dự thi)

(Ths. Hoàng Thị Châu Yên, Phó Hiệu trưởng tặng hoa chúc mừng đồng chí Phạm Tố Uyên, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở đã hoàn thành bài dự thi)
Kết quả: 58/142 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy xuất sắc, chiếm 40,8%; 84/142 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi, chiếm 59,2%.
Với trường chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định, ngay từ hội thi giảng viên giỏi cấp trường, Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là đồng chí Phó hiệu trưởng phụ trách công tác giảng viên đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao trong việc tổ chức Hội thi với nhiều bước tiến mới mẻ, đột phá và chuyên nghiệp, sau đó là việc thành lập các tổ tư vấn để góp ý bài giảng và chia sẻ kinh nghiệm cho các thí sinh đi thi. Trong suốt quá trình tham dự Hội thi tại thành phố Hải Phòng, ban Giám hiệu, khoa chuyên môn đã luôn đồng hành và sát cánh cùng các thí sinh. Chính vì vậy, hai giảng viên dự thi của nhà trường đều đạt kết quả cao, trong đó Giảng viên Phạm Tố Uyên - Khoa Lý luận cơ sở đạt danh hiệu giảng viên dạy xuất sắc (xếp thứ 5/142), giảng viên Mai Thị Thanh Hương - Khoa Nhà nước và Pháp luật đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi.
Kết quả đạt được của Hội thi nói chung và của nhà trường nói riêng không chỉ là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của đội ngũ giảng viên, mà còn thể hiện sự thành công trong đổi mới phương pháp tổ chức, nội dung thi và định hướng phát triển đào tạo lý luận chính trị gắn với yêu cầu thực tiễn, tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng, là động lực để các trường đẩy mạnh phong trào “dạy tốt, học tốt”, với phương châm: “Đoàn kết - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả”, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn./.
|